Lưu ý pháp lý về sáng chế chương trình máy tính

Bởi Nguyễn Trọng An - 26/05/2021
view 563
comment-forum-solid 0

Chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 với nguồn tài nguyên tri thức số vô hạn. Tại Việt Nam, đang có hàng loạt các chính sách trong đó bao gồm pháp luật nhằm thúc đẩy nền kinh tế theo định hướng khuyến khích phát triển khoa học công nghệ. Từ thực tế đó, vấn đề pháp lý đặt ra chính là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dành cho các sản phẩm khoa học công nghệ nói chung và sáng chế chương trình máy tính nói riêng là yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế xã hội cũng như bảo vệ tài sản trí tuệ con người. 

- Phân biệt Chương trình máy tính và phần mềm

Để làm rõ sự khác nhau giữa chương trình máy tính và phần mềm, có thể đưa ra 3 góc nhìn như sau:

(i) Dưới cách tiếp cận theo góc độ pháp lý:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ: "Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể."

Căn cứ theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006, sửa đổi bổ sung 2017 khoản 12 Điều 4: "Phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định".

Có thể thấy, "Chương trình máy tính" và "Phần mềm" là hai khái niệm pháp lý không tương đồng, không thể thay thế cho nhau. "Phần mềm" mang nội hàm rộng hơn "Chương trình máy tính" vì trong định nghĩa luật định xác định phần mềm bao gồm cả chương trình máy tính.

(ii) Dưới cách tiếp cận về kỹ thuật lập trình, phần mềm bao gồm chương trình máy tính, hướng dẫn cài đặt và các tài liệu ghi chú, trong một phần mềm bao gồm từ hai chương trình trở lên. Có thể thấy mối tương quan giữa phần mềm và chương trình máy tính như sau: "Phần mềm" là một sản phẩm trong khi đó "Chương trình máy tính" là một bộ phận có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ để thực hiện các chức năng quan trọng nhất trong phần mềm.

(iii) Dưới góc nhìn của người sử dụng, phần mềm và chương trình máy tính đều hướng đến chức năng sử dụng của sản phẩm nên thuật ngữ phần mềm được sử dụng khá phổ biến vì tính ngắn gọn, dễ phân biệt với phần cứng của máy tính (hardware).

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thuật ngữ pháp lý ghi nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chương trình máy tính.

- Pháp luật về sáng chế liên quan chương trình máy tính tại Việt Nam

Những diễn biến trên thực tế đã đặt ra yêu cầu thay đổi cách nhìn nhận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính. Nếu như Khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019, pháp luật đã không công nhận bảo hộ chương trình máy tính dưới hình thức sáng chế, thì Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành vẫn cho phép cấp văn bằng bảo hộ sáng chế cho những giải pháp kỹ thuật liên quan đến chương trình máy tính.

Căn cứ theo quy định tại Mục 5.8.2.5 Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế năm 2010, pháp luật xác định chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kĩ thuật và thực sự là một giải pháp kĩ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kĩ thuật bằng một phương tiện kĩ thuật để tạo ra một hiệu quả kĩ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng lại không được sử dụng cụm từ "chương trình máy tính" hay "phần mềm" trong đơn yêu cầu cấp sáng chế.

Thực tế áp dụng cho thấy, nếu đơn xin cấp bằng sáng chế được mô tả và yêu cầu cấp bảo hộ sản phẩm của nhà sáng chế được đưa ra một cách chung chung, không rõ ràng thì đối tượng được yêu cầu cấp sáng chế có thể sẽ được phân loại thành một ý tưởng trừu tượng. Tuy nhiên, nếu mô tả và yêu cầu bảo hộ với chi tiết kỹ thuật quan trọng và tập trung vào các kỹ thuật tạo ra chương trình máy tính thì có thể sẽ được xem là không phải một ý tưởng trừu tượng.

Theo thống kê, từ năm 1999 đến nay, tại Việt Nam chỉ có 43 đơn xin cấp sáng chế liên quan đến chương trình máy tính trong đó có 7 sáng chế liên quan chương trình máy tính là của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là công dân, tổ chức Việt Nam, số còn lại của các nhà các sáng chế từ nước ngoài xin cấp bảo hộ tại Việt Nam. Một hạn chế là cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ hơn 10 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dựa trên nội dung của Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành tại Điều 5, Mục 5.8.2.5. 

- Hoàn thiện pháp luật về sáng chế liên quan đến chương trình máy tính

Theo bài viết "Một số vấn đề pháp lý về sáng chế liên quan đến chương trình máy tính" của Thạc sỹ Trương Thị Tường Vi, nội dung bài viết đã đưa ra một số quan điểm khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về sáng chế liên quan đến chương trình máy tính, cụ thể như sau:

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam nên lựa chọn cách tiếp cận mới như các quốc gia tiến bộ trên thế giới để áp dụng vào sáng chế liên quan chương trình máy tính nhằm khuyến khích các nhà phát triển phần mềm với cơ chế độc quyền sáng chế cho những giải pháp kỹ thuật liên quan chương trình máy tính, thúc đẩy sự phát triển thị trường sản phẩm phần mềm. Mục đích hướng đến là sự phát triển nền kinh tế số thông qua bảo đảm của Nhà nước cho các đối tượng quyền sỡ hữu trí tuệ. Theo đó, cần đưa ra kiến nghị bỏ quy định loại trừ chương trình máy tính ra khỏi các đối tượng được bảo hộ như Khoản 2 điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ cần chương trình máy tính là một giải pháp kỹ thuật, thỏa mãn các điều kiện của sáng chế là có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp là đủ điều kiện cấp sáng chế và được coi là một sáng chế liên quan chương trình máy tính.

Thứ hai, nhà lập pháp cần đề xuất về việc cần rút ngắn thời gian thẩm định cấp bảo hộ. Cụ thể, để rút ngắn thời hạn thẩm định đơn, nhà quản lý cần chú trọng đến đào tạo đội ngũ chuyên gia thẩm định có chất lượng cao, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần mở rộng hợp tác với các cơ quan sáng chế của các nước có nguồn dữ liệu phong phú. Đối với các chủ sở hữu chương trình máy tính cần nỗ lực hơn trong việc tra cứu cơ sở dữ liệu sáng chế liên quan chương trình máy tính cũng như hạn chế nghiên cứu những công nghệ đã có người thực hiện, không còn tính mới và dự toán được khả năng được cấp bảo hộ sáng chế. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng cho phép rút gọn lại quy trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế, rút ngắn thời gian cấp sáng chế liên quan chương trình máy tính cho phù hợp với đặc trưng riêng của đối tượng này.

Thứ ba, nhà lập pháp nên cho phép sáng chế liên quan chương trình máy tính là một giải pháp kinh doanh. Pháp luật nên bảo hộ sáng chế liên quan đến chương trình máy tính là giải pháp kinh doanh vì việc phát triển thị trường trực tuyến sẽ là tất yếu, sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ xử lý các thao tác nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn. Pháp luật cần hướng tới việc ghi nhận và điều chỉnh quan hệ tài sản quan trọng này theo hướng xác định các điều kiện bảo hộ như sau:

(i) Về tính mới, sự kết hợp giữa giải pháp kinh doanh hoặc chương trình máy tính phải tạo ra một giải pháp có tính mới chứ không thể chỉ xem xét tính mới độc lập riêng giải pháp kinh doanh hoặc chỉ xét riêng tính mới của chương trình máy tính;

(ii) Về tính sáng tạo, sự kết hợp giữa giải pháp kinh doanh và phần mềm phải xác định là không dễ dàng tạo ra, nghĩa là một người có kỹ năng bình thường trong lập trình hoặc trong kinh doanh không thể dễ dàng tạo ra giải pháp đó;

(iii) Về khả năng áp dụng công nghiệp, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định (Theo Điều 62, Luật Sở hữu trí tuệ) nên một giải pháp kinh doanh thuần túy thì khó để đáp ứng được yêu cầu khả năng áp dụng công nghiệp vì có thể cho ra những kết quả khác nhau. Nhưng nếu giải pháp kinh doanh kết hợp với chương trình máy tính lại có khả năng áp dụng công nghiệp, người xin cấp bảo hộ chỉ cần chứng minh rằng sự kết hợp giữa giải pháp kinh doanh và chương trình máy tính cung cấp một số kết quả cụ thể.

Trên đây là những nội dung đáng lưu ý khi nghiên cứu về những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý xoay quanh chương trình máy tính với tư cách là sáng chế thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. 

(Bài viết này có tham khảo nội dung nghiên cứu khoa học từ bài viết "Một số vấn đề pháp lý về sáng chế liên quan đến chương trình máy tính" của Thạc sỹ Trương Thị Tường Vi)

Xem thêm:

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: info@everest.org.vn.

Nguyễn Trọng An

Nguyễn Trọng An

Nguyễn Trọng An là content editor tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.74992 sec| 1042.953 kb