Di chúc không công chứng, chứng thực được hiểu như thế nào?

Bởi Trần Thu Thủy - 16/12/2019
view 475
comment-forum-solid 0
Di chúc không có công chứng, chứng thực nêu ở đây là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực hay xác nhận (loại thuộc điều 638 bộ luật dân sự (BLDS) 2015) cũng là di chúc hợp pháp. Đó là 2 loại di chúc: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (điều 633) và di chúc bằng văn bản có người làm chứng (điều 634).

Tổng quan về di chúc

Di chúc cũng là một loại giao dịch dân sự (giao dịch một bên) nên phải tuân theo nguyên lý về một giao dịch hợp pháp. Theo đó, các giao dịch đều phải hợp pháp về 4 yếu tố là: Chủ thể – ý chí – nội dung – hình thức. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật thừa kế nêu trên, quy định của các văn bản pháp quy có khác nhau, đặc biệt là quy định về hình thức.

Về chủ thể: Các thời kỳ đều quy định phải là người đủ năng lực hành vi dân sự. Từ Pháp lệnh Thừa kế quy định rõ là đủ 18 tuổi, người từ đủ 16 tuổi thì phải có sự đồng ý của người giám hộ. Từ BLDS năm 1995 có thay đổi là từ đủ 15 tuổi đã có quyền lập di chúc nhưng phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Về ý chí: Các thời kỳ đều quy định về sự tự nguyện, làm chủ việc định đoạt của mình thể hiện ở tiêu chuẩn “minh mẫn, sáng suốt”, “không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”.

Về nội dung: Thông tư 81/TANDTC và Pháp lệnh Thừa kế đều quy định nội dung của di chúc “không trái quy định của pháp luật”. BLDS năm 1995 bổ sung thêm quy định là không trái “đạo đức xã hội”. BLDS năm 2005 thay quy định “không trái pháp luật” bằng quy định “không vi phạm điều cấm của pháp luật”. BLDS năm 2015 thay bằng “không vi phạm điều cấm của luật”.

Về hình thức của di chúc: Quy định về hình thức di chúc có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Các phần dưới đây của chuyên đề này chỉ tập trung so sánh quy định về hình thức di chúc hợp pháp. Trước hết là nghiên cứu về quy định hiện hành (BLDS năm 2015) và sau đó là so sánh để xác định những điểm khác của các thời kỳ trước đó.

Di chúc không có công chứng, chứng thực nêu ở đây là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực hay xác nhận (loại thuộc Điều 638 nêu trên) cũng là di chúc hợp pháp. Đó là 2 loại di chúc: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 633) và di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 634). Di chúc không có công chứng bao gồm di chúc bằng văn bản không có người làm chứng và di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

Luật sư tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Loại di chúc này được quy định tại Điều 633, cụ thể là:

“Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này”.

Đặc trưng cơ bản nhất của loại di chúc này là “tự viết và ký vào bản di chúc”, vì vậy có thể gọi loại di chúc này là di chúc tự viết. Việc tự viết vừa thể hiện sự tự nguyện của người lập di chúc vừa mang tính đặc định cao, khó có thể làm giả, và cũng thuận lợi cho việc giám định. Di chúc tự viết cũng có đặc điểm gắn liền với đặc điểm của di chúc là ý chí của cá nhân, là bảo mật nên nó là loại di chúc truyền thống và xu hướng là tồn tại lâu dài.

Người lập di chúc tự viết nhưng phải ký thì mới là sự khẳng định chính thức hoàn thiện văn bản đó. Viết đủ nội dung mà chưa ký thì cũng vẫn chỉ là dự thảo. Thực tiễn xét xử đã không công nhận nhiều văn bản mới viết mà chưa ký.

Di chúc tự viết còn phải tuân theo các quy định của Điều 631. Điều 631 quy định về nội dung di chúc nhưng còn quy định cả một số vấn đề về hình thức di chúc. Ví dụ: Quy định “nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”. Như vậy, một di chúc tự viết và đã ký nhưng không ký vào từng trang thì di chúc vẫn là vi phạm về hình thức và không hợp pháp.

Luật sư tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Di chúc bằng văn bản có người là chứng

Loại di chúc này quy định tại Điều 634, cụ thể là:

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này”.

Đây là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực nhưng bắt buộc phải có hai người làm chứng trở lên. Loại di chúc này là di chúc đánh máy hoặc người khác viết hộ. Đánh máy thì có thể tự đánh hoặc nhờ người khác đánh. Như vậy, đánh máy thường là có hình thức đẹp hơn viết nhưng tự viết có giá trị hơn tự đánh máy. Do đó, tự viết thì không cần người làm chứng nhưng tự đánh máy thì vẫn cần có người làm chứng.

Cần lưu ý việc nhờ người khác viết phải là trường hợp người lập di chúc biết chữ, không bị hạn chế về thể chất (mù, câm , điếc…); nếu không biết chữ hoặc hạn chế về thể chất thì lại thuộc loại bắt buộc phải có công chứng, chứng thực (khoản 3 Điều 630).

Ngoài việc phải tuân theo các quy định của Điều 631 như di chúc tự viết thì di chúc bằng văn bản có người làm chứng còn phải tuân theo các quy định của Điều 632 là điều quy định những người không được làm chứng. Thực tiễn xét xử thường có trường hợp người viết hộ hoặc đánh máy hộ đồng thời là người làm chứng. Pháp luật không cấm làm chứng trong trường hợp này nên người viết hộ hoặc đánh máy hộ mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 632 thì họ vẫn là người làm chứng hợp pháp.

Người làm chứng phải chứng kiến việc người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ. Do vậy, nếu người lập di chúc chỉ ký hoặc điểm chỉ một lần thì những người làm chứng phải cùng có mặt thì di chúc mới hợp pháp.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.77619 sec| 1008.305 kb