Điều kiện của tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp

Bởi Trần Thu Thủy - 17/06/2020
view 795
comment-forum-solid 0

Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về quyền của doanh nghiệp như sau: "Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp". Như vậy, doanh nghiệp có quyền dùng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp.

Điều kiện của tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu

Theo Bộ luật dân sự 2015 có quy định: "Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu". Do đó, doanh nghiệp là bên bảo đảm phải có đầy đủ quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Trong đó quyền định đoạt sẽ cho phép doanh nghiệp dùng tài sản để thế chấp hoặc cầm cố cho bên nhận bảo đảm đồng thời cho phép việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm sang người mua hay bên nhận bảo đảm trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm.

Trên thực tế, một số loại tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm nhưng bị cấm chuyển nhượng và không được sử dụng làm tài sản bảo đảm trừ khi có các chấp thuận cho việc chuyển nhượng. Các tài sản này thường bao gồm các loại sau:

- Tài sản bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty;

- Tài sản bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của Luật phá sản 2014;

- Tài sản bị cưỡng chế thi hành án;

- Tài sản bị quốc hữu hóa.

Luật sư Trịnh Thị Khánh Ly - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn: 1900.6198

Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được

Điều kiện này yêu cầu tài sản bảo đảm phải là tài sản tôn tại trên thực tế và cho dù được mô tả chung thì vẫn phải xác định được. Đây là điều kiện rất cần thiết trong trường hợp khi tài sản bảo đảm là tài sản được mô tả chung và không có chi tiết cụ thể mô tả (ví dụ như tài sản bảo đảm là hàng hóa, vật tư hoặc số dư trong tài khoản – vì các loại tài sản này thay đổi hàng ngày và không thể mô tả chi tiết cụ thể) và tài sản hình thành trong tương lai.

Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai

Vì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai nên luật dự liệu quy định tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được. Mô tả chung tức là không thể cụ thể hóa loại tài sản đó, vì thực tế nó chưa hình thành hoặc chưa hình thành một cách đồng bộ nhưng phải xác định được, tức là có cơ chế xử lý chính xác loại tài sản đó khi phát sinh vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.

Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm

Thông thường giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm để khi xử lý tài sản bảo đảm thì số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để thanh toán các nghĩa vụ tài chính khác như chi phí bảo quản, chi phí xử lý tài sản. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận giá trị tài sản bảo đảm bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ bảo đảm. Trường hợp này nếu tài sản bị xử lý thì bên nhận bảo đảm có thể chịu thiệt hại khi bên bảo đảm không còn tài sản khác để thanh toán.

Một số trường hợp ngoại lệ không cần đáp ứng tát cả các điều kiện trên thường xảy ra trên thực tế đó là: quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp nhà nước. Các tài sản này vẫn có quyền thế chấp trong một số trường hợp cụ thể hay có sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp

Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà những quy định về tài sản bảo đảm dùng để cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh lại khác nhau:

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn

Khoản cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhở hơn quy định tại Điều lệ công ty cần phải được thông qua Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty (như đối với hợp đồng bán tài sản).

Đối với công ty cổ phần

Khoản cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty và cần phải được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị.

Đối với doanh nghiệp nhà nước

Pháp luật quy định doanh nghiệp nhà nước được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật, trong đó Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản của doanh nghiệp để thế chấp, cầm cố vay vốn đối với từng dự án có mức vay không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn.

Doanh nghiệp nhà nước bảo lãnh cho công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng theo các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối Với một công ty con do doanh nghiệp nắm giữ 100 % vốn điều lệ không quá giá trị vốn chủ sở hữu của công ty con theo báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất tại thời điểm bảo lãnh;

Thứ hai, tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn doanh nghiệp tại thời điểm bảo lãnh; điều lệ không được vượt quá giá trị vốn góp thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm bảo lãnh;

Thứ ba, các khoản bảo lãnh đối với công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng cộng với việc huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm tổng số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn.

Đối với doanh nghiệp nhà nước được thành lập để thực hiện thường xuyên, ổn định sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh khi cầm cố, thế chấp những tài sản trực tiếp phục vụ nhiệm vụ này phải được sự chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu”.

Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Có thể thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình dự án tại bên cho vay với các điều kiện như sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự;

Thứ hai, thời gian thế chấp không vượt quá thời hạn hợp đồng dự án, trừ trường hợp có thỏa thuận khác tại hợp đồng dự án;

Thứ ba, thỏa thuận thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án phải được lập thành văn bản ký kết giữa bên cho vay và các bên ký kết hợp đồng dự án (gồm bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền và nhà đầu tư)

Thứ tư, việc thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án không được ảnh hưởng đến mục tiêu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật , tiến độ thực hiện dự án và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

Đối với công ty đại chúng

Thứ nhất, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (tùy theo quy định tại Điều lệ công ty) chấp thuận việc công ty đại chúng cung cấp khoản bảo lãnh cho người có liên quan là cổ động pháp nhân trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế.

Thứ hai, Đại hội đồng cổ đông quyết định cấp các khoản bảo lãnh cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, những người quản lý khác và những cá nhân, tổ chức có liên của các đối tượng này.

Đối với doanh nghiệp đang trong quá trình phá sản

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã "hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản" được thực hiện mà không có sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật”. Tức là trường hợp này được phép cầm cố, thế chấp, bảo lãnh với điều kiện phải có sự đồng ý của Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.35283 sec| 1034.773 kb