Dịch vụ đòi nợ (đòi nợ thuê) là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Pháp luật có xu hướng quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngày càng chặt chẽ hơn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, phải cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi, dịch vụ đòi nợ thời gian qua đã có biến tướng thành tình trạng 'xã hội đen' 'núp bóng' doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng xã hội đen xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức...
Các biến tướng đòi nợ thuê kiểu ‘xã hội đen’, bị coi là vi phạm quy định pháp luật, tùy mức độ nguy hiểm, có thể vị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổ chức, cá nhân đang hoặc dự định sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt khi người được ủy quyền đòi nợ có xu hướng sử dụng biện pháp kiểu 'xã hội đen', bởi những hệ lụy mà nó mang lại.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài(24/7): 1900 6198
Về bản chất, đòi nợ thuê là việc một cá nhân, tổ chức thay mặt chủ nợ tiến hành thu hồi khoản nợ của con nợ đã đến hạn mà chưa được hoàn trả.
Dưới góc độ pháp luật, (dịch vụ) đòi nợ thuê là một dịch vụ theo đó cá nhân, tổ chức ủy quyền cho tổ chức được pháp luật cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoạt động đòi nợ trong khuôn khổ pháp luật.
Pháp luật hiện hành quy định hoạt động đòi nợ thuê là dịch vụ hợp pháp, dưới hình thức là dịch vụ đòi nợ và đòi nợ thuê là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể hơn, hoạt động đòi nợ thuê chịu sự điều chỉnh của hai văn bản pháp luật: Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đòi nợ thuê chỉ được pháp luật thừa nhận là một dịch vụ hợp pháp nếu đáp ứng được những điều kiện pháp luật quy định. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và con nợ, pháp luật cấm các hành vi đòi nợ xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của những con nợ, đồng thời cũng không được gây mất trật tự, an toàn xã hội. Chủ thể thực hiện hoạt động đòi nợ thuê phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và đáp ứng được các điều kiện về vốn pháp định, điều kiện về người quản lý, người quản lý trong hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê. Cụ thể:
- Điều kiện về vốn: Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng); Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.
- Điều kiện về người quản lý: Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; không có tiền án; những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
- Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động: Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; không có tiền án.
Hiện nay, hoạt động đòi nợ thuê đã có nhiều biến tướng. Các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động đòi nợ thuê đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có những hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi đòi nợ kiểu xã hội đen của các nhóm đối tượng đã xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của các cá nhân, tổ chức, đe dọa an ninh trật tự xã hội.
Tình trạng này dẫn đến các hành vi như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người, đe dọa, khủng bố đối với người thân, con cái, cha mẹ và hàng xóm của các con nợ… Những hành vi này gây bức xúc trong người dân và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự xã hội.
Những trường hợp này, lực lượng công an rất khó xác định được đối tượng và phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các trường hợp nợ do cờ bạc nhưng đã chuyển thành giấy xác nhận vay tiền và con nợ đã bỏ trốn, không hợp tác với cơ quan điều tra dẫn đến chỉ người thân và hàng xóm sẽ là người phải gánh chịu áp lực.
(i) Đe dọa, uy hiếp: Những người này để có thể thu hồi được khoản nợ cho các chủ nợ có thể thực hiện những hành vi đe dọa, uy hiếp con nợ cũng như gia đình con nợ. Ở mức độ nhẹ có thể đe dọa qua điện thoại, nhưng cũng có các trường hợp, các đối tượng côn đồ này đến thẳng nhà, nơi làm việc của các con nợ có những lời lẽ xúc phạm đến nhân phẩm cũng như đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng cũng như sức khỏe của con nợ.
(ii) Ném chất bẩn vào nhà con nợ: Đây là hành vi khá phổ biến ở một số khu vực thành thị. Các đối tượng thượng đựng các chất sơn có màu đỏ hoặc mắm tôm, xác động vật thối rữa vứt vào cửa, nhà của con nợ. Hành vi này đe dọa đến tinh thần của các con nợ nhằm thúc các con nợ trả nợ.
(iii) Bạo lực: Các đối tượng xã hội đen có thể đập phá tài sản của con nợ hay nơi con nợ làm việc cũng có thể chúng sẽ ra tay đánh con nợ, gia đình con nợ chỉ vì mục đích cuối cùng là đòi nợ. Đó là những hành động dã man có thể đem đến những tổn thất to lớn cho con nợ về người và của. Cũng có rất nhiều vụ án mạng xảy ra do việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen đang được xã hội lên án.
(iv) Bắt cóc: Trong một số vụ vi phạm, các đối tượng bắt cóc con nợ, con cái của con nợ nhằm ép buộc gia đình con nợ phải trả nợ.
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198
Tùy vào mức độ của hành vi vi phạm mà những người đi đòi nợ thuê bất hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dưới đây là các vi phạm hành chính và tội phạm phổ biến:
(i) Hoạt động đòi nợ thuê không giấy phép: Một số cá nhân, nhóm đối tượng thực hiện hoạt động đòi nợ thuê mà không đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định và không được cấp giấy phép hoạt động. Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị: phạt cảnh cáo; phạt tiền với mức phạt tiền tối đa là 70.000.000 đồng. Ngoài các hình thức xử phạt này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau: buộc thực hiện đúng các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
(ii) Tội đe dọa giết người: Đối với hành vi dọa nạt,đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho con nợ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, có thể xử lý các đối tượng đòi nợ thuê về tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự: “1- Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Đối với 02 người trở lên; (b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; (d) Đối với người dưới 16 tuổi; (đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác”.
(iii) Tội làm nhục người khác: Một số hành vi thường thấy như ném mắm tôm, sơn và một số chất bẩn, viết hoặc vẽ các lời lẽ xúc phạm vào nhà, cửa hàng, nơi làm việc hoặc đăng tải các thông tin sai nhằm làm nhục ảnh hưởng đến nhân phẩm và uy tín của con nợ. Người có hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự: “1- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: (a) Phạm tội 02 lần trở lên; (b) Đối với 02 người trở lên; (c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; (e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; (g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. 3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: (a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; (b) Làm nạn nhân tự sát. 4- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
(iv) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác: Các nhóm đối tượng gây thương tích cho con nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự: “1- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”.
(v) Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản: Đối với hành vi bắt cóc con nợ hoặc gia đình con nợ nhằm chiếm đoạt tiền có thể truy cứu về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật hình sự: “1- Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; (d) Đối với người dưới 16 tuổi; (đ) Đối với 02 người trở lên; (e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; (h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; (i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (k) Tái phạm nguy hiểm”.
(vi) Tội cưỡng đoạt tài sản: Có trường hợp, người đòi nợ thuê khi thấy con nợ có những tài sản có giá trị như xe máy, ô tô… thì siết nợ, chiếm đoạt. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự: "1- Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.... 4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Từ phân tích trên, quan điểm của chúng tôi: Pháp luật không nên và không thể cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi đòi nợ là một nhu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức khi bị người khác chây ỳ, không trả nợ. Nếu cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, các bên sẽ 'lách' bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Biện pháp này hợp pháp theo Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, từ những hệ xấu nêu trên, chúng tôi tổ chức, cá nhân đang hoặc dự định sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt khi người được ủy quyền đòi nợ có xu hướng sử dụng biện pháp kiểu 'xã hội đen'.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm