Tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, vùng biển, vùng trời,... hay đơn giản chỉ là chiếc ghế đá ngoài công viên, hàng hoa đẹp bên đường đều là tài sản thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà toàn dân có quyền sử dụng bình đẳng. Vậy nên hiểu tài sản công là gì? Quy định của pháp luật về tài sản công như thế nào?
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật dân sự, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Đây là một khái niệm được pháp luật định nghĩa trong Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
"Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác."
Giải thích khái niệm này có thể hiểu đây là tài sản chung của một quốc gia mà bất cứ công dân nào cũng có quyền bình đẳng sử dụng dù là Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân thì đều có quyền sử dụng đúng mục đích và đặt ra của loại tài sản này. Bên cạnh đó, sử dụng phải đi liền với việc quản lý và giữ gìn để tài sản được sử dụng lâu dài. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công làm tài sản của riêng mình từ đó sử dụng chúng không đúng mục đích.
Theo Điều 4, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có những loại tài sản công như sau:
(i) Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, trừ tài sản quy định tại khoản 4 Điều này (sau đây gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);
(ii) Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với các công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật;
(iii) Tài sản công tại doanh nghiệp;
(iv) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;
(v) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật bao gồm: tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế và tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án;
(vi) Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước;
(vii) Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật
Tìm hiểu thêm bài viết: Các vấn để pháp lý về tài sản
Ngày 29 tháng 12 năm 2017 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 144/2017/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, Tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết phải thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
(ii) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
Đồng thời, việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
(i) Được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép;
(ii) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao;
(iii) Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;
(iv) Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
(v) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;
(vi) Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
(vii) Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định;
(vii) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Tài sản được xác định đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Xem thêm các nội dung liên quan khác: Tài sản vô hình là gì?
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm