Ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp: tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

view 2984
comment-forum-solid 0

Chưa thuyết phục được khách hàng bàn giao tài sản thế chấp (thường là nhà, đất, xe ô tô...) để xử lý nợ xấu, không ít trường hợp nhân viên thu hồi nợ ngân hàng xử dụng phương pháp 'khủng bố', 'xã hội đen’: gọi điện thoại liên tục gây rối, cử người đe dọa, phá khóa, chiếm nhà, thu giữ xe... Không ít trường hợp ngân hàng xử lý nợ thành công theo phương thức xã hội đen này. Thế nhưng, lựa chọn hành xử theo cách này, các ngân hàng này đã tự 'hủy hoại' hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện, đồng hành cùng khách hàng mà có thể họ đã phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để xây dựng.

 

1- Ngân hàng không có cơ sở pháp lý khi thu giữ tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của “người đang giữ tài sản”.

Trước hết, chúng tôi trích dẫn quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao tài sản bảo đảm để xử lý: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” (Điều 301). Như vậy, quy định của pháp luật đã rất rõ ràng: “người đang giữ tài sản không giao tài sản” (nghĩa là, có tranh chấp) thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Quyết định thu giữ tài sản đảm bảo của các Ngân hàng thường viện dẫn tới căn cứ là Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngoài quy định về “quyền thu giữ tài sản bảo đảm” (Điều 7) còn quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án: “Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng” (Điều 8).

Quan điểm của chúng tôi: khi ngân hàng và khách hàng có nợ xấu chưa đạt được thỏa thuận về việc trả nợ, cũng bàn giao tài sản, thì việc ra quyết định thu giữ tài sản đảm bảo là không có căn cứ và hành động cắt khóa, chiếm nhà là bất hợp pháp.

2- Thu hồi nợ kiểu ‘xã hội đen’- nguy hiểm tới mức nào?

Các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã có nhiều bài viết nghiên cứu, phân tích về mức độ nguy hiểm, hệ lụy của thu hồi nợ kiểu 'xã hội đen'. Tuy nhiên, trong vụ việc này để khách quan, chúng tôi trích dẫn các ý kiến của Đại biểu Quốc hội khi thảo luận về việc đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật đầu tư (sửa đổi):

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh): “… cần phải cấm đòi nợ thuê vì thực tế đã có nhiều biến tướng. Về pháp lý, cần phải minh định rõ thực chất những khoản được chuyển đến dịch vụ đòi nợ thuê này thực chất có phải là nợ hay không bởi có nhiều khoản khi đưa ra tòa cũng chưa xác định đó là nợ hay không nợ”.

Đại biểu quốc hội Phạm Huyền Ngọc (tỉnh Ninh Thuận): “… thực tế thời gian qua một số công ty kinh doanh đòi nợ đã không chấp hành những quy định pháp luật, dẫn đến những vi phạm pháp luật. Cụ thể, nhiều hình thức vi phạm diễn ra thường xuyên như tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản, đe dọa, khủng bố tinh thần…" (Báo tuổi trẻ ngày 20/11/2019).

Đại biểu quốc hội Nguyễn Mai Bộ (tỉnh An Giang): “… hoạt động đòi nợ thuê nếu tồn tại sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật và gây ra hoang mang trong xã hội, mất niềm tin của nhân dân đối với lực lượng của chúng ta khi thực hiện việc quản lý xã hội…”.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Xuân (tỉnh Đắk Lắk): "… trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chúng ta đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình và đây cũng là các thiết chế xử lý các tranh chấp. Tại sao chúng ta lại không hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh theo đúng pháp luật của loại hình hoạt động đòi nợ này" (Báo tuổi trẻ ngày 26/05/2019).

3- Cần xem xét toàn diện về: rủi ro kinh doanh, thiện chí của khách hàng, lỗi của ngân hàng khi xử lý nợ xấu

Ngân hàng xử lý nợ xấu có thể cho rằng: khách hàng chây ỳ, không trả nợ, cần xử dụng biện pháp mạnh, kiên quyết để thu hồi nợ. Thực tế, đúng là nhiều trường hợp nợ xấu phát việc khách hàng quản trị rủi ro không tốt, cộng hưởng với quyết định kinh doanh sai lầm hoặc/và một vài biến cố khác thì chưa thể xử lý được. Tuy nhiên, theo chúng tôi, lịch sử khách hàng thể hiện tình trạng kinh doanh và trách nhiệm với ngân hàng như thế nào, họ có nợ xấu ngân hàng hay không.

Chúng tôi lưu ý rằng, bà Đinh Thị Tuyết Mai hoạt động trong lĩnh vực Logistic, những khó khăn của năm 2019 chưa giải quyết xong thì xảy ra dịch Covid-19. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ: “… Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch…”, Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/03/2020 “về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19”, thì MBAMC trong thời điểm này lại thực hiện việc làm trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự và đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ.

Công bố của MBBank, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2020 là hơn 4.000 tỷ đồng, nếu thực hiện phổ biến thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ mà không có sự đồng ý của khách hàng, sẽ dẫn tới hàng ngàn vụ việc tương tự xảy ra. Khi đó trật tự xã hội sẽ như thế nào, hình ảnh MBBank và MBAMC sẽ như thế nào (?!). Chúng tôi tin rằng, phương pháp bạo lực không phải chủ trương của cấp cao nhất MBBank hay MBAMC mà chỉ hành động tự phát của một số nhân viên MBAMC.

4- Các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest khi cung cấp dịch vụ pháp lý đã tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư.

Trong khi MBAMC ‘tố’ các luật sư (Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Thị Yến) đăng tải thông tin xâm hại trực tiếp tới danh dự, uy tín của MBAMC, có dấu hiệu vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, nhưng hành động của họ thì sao?

Trước hết, chúng tôi cần nhắc lại rằng, những người có kiến thức pháp lý sẽ hiểu rằng, khi nhận đại diện theo ủy quyền của khách hàng thì ý kiến của luật sư (người đại diện) là ý chí, nguyện vọng của khách hàng.

Phân tích chi tiết toàn bộ bài viết của Luật sư Nguyễn Thị Yến: “MBAMC thu hồi nợ: thiếu gì biện pháp, sao phải dùng ‘xã hội đen’?” đăng trên trang thông tin điện tử nội bộ  (http://phaptri.vn) của Công ty Luật TNHH Everest, chúng tôi thấy rằng:

- Từ tiêu đề bài viết đã thể hiện sự chuẩn mực, chuyên nghiệp, mang tính xây dựng: “thiếu gì biện pháp…”. Bài viết phản ánh trung thực thực tế khách quan của vụ việc, có căn cứ pháp lý và chứng cứ chứng minh. Bài viết mang tính chất nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ quan điểm và có khuyến nghị rõ ràng cuối bài viết.

- Luật sư Phạm Ngọc Minh, Luật sư Nguyễn Duy Hội khi thực hiện công việc đại diện theo ủy quyền của khách hàng đã thể hiện thái độ chuyên nghiệp, hành vi chuẩn mực, mặc dù thấy rằng hành vi ‘cắt khóa’, ‘chiếm nhà’ được thực hiện bởi nhóm người Hoàng Trung Kiên - chuyên viên xử lý nợ MBAMC - là vi phạm pháp luật, kiểu ‘xã hội đen’, nhưng mới chỉ dừng lại: gửi công văn kiến nghị, giải thích và trao đổi với đại diện của MBAMC và Công an phường Dương Nội, chưa gửi văn bản báo tin tội phạm, hoặc khiếu nại, tố cáo tới MBAMC, MBBank hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngược lại, MBAMC đã ký đóng dấu văn bản 'tố' Luật sư Phạm Ngọc Minh tới Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Nghĩa là, MBAMC ‘xử’ khách hàng không xong, quay ra ‘xử’ luật sư.

Cuối cùng, tôi khẳng định các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest khi tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khi tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng đã luôn ý thức về Sứ mệnh của Luật sư: bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Đồng thời, các luật sư tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, đặc biệt là: Quy tắc 02 (độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan), Quy tắc 07 (giữ bí mật thông tin), Quy tắc 30 (Ứng xử trong quan hệ với tổ chức, cá nhân khác), Quy tắc 31 (Thông tin truyền thông).

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp: tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp: tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư  vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.18893 sec| 1064.273 kb