Người khác giữ sổ đỏ không trả thì lấy lại thế nào?

Bởi Trần Thu Thủy - 03/01/2020
view 540
comment-forum-solid 0
Gia đình tôi có cho một người mượn sổ đỏ sau đó người này đem sổ đỏ của tôi đi thế chấp. Hiện tại người đó đã bị đi tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn người nhận thế chấp sổ của gia đình tôi đang giữ sổ của gia đình tôi nhưng không trả. Luật sư tư vấn cho tôi phải làm thế nào để lấy lại được sổ đỏ. Xin cảm ơn luật sư.

Câu hỏi tư vấn:

Gia đình tôi gặp vấn đề này kính mong luật sư tư vấn giúp tôi với ạ! Năm 2012 bố tôi bị bà H có lừa mất sổ đỏ. Bà H có làm giấy yêu cầu ủy quyền sử dụng đất rồi bảo bố tôi ký vào đó rồi bảo bố tôi ký cả tên mẹ tôi vào đó nữa nhưng không ra xin xác nhận của chính quyền địa phương rồi bà hằng tiếp tục lập hợp đồng thế chấp nhà đất cho bên C cũng không ra xin xác nhận của chính quyền địa phương. Bà H bảo là mượn sổ đỏ nhà tôi bà còn viết 1 giấy biên nhận là mượn sổ đỏ và hẹn ngày trả nếu không trả sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhà tôi đòi mãi mới biết là bà H lừa nhà tôi không trả sổ đỏ. Nay bà H đã bị công an bắt và bị kết án 20 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn bên C cứ cầm sổ đỏ nhà tôi đến nay không trả. Giờ bố tôi đã mất nên anh em tôi không biết làm sao lấy lại sổ đỏ. Kính mong luật sư tư vấn giúp gia đình tôi cách lấy lại sổ đỏ. Tôi xin chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời tư vấn:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn có cho bà H mượn sổ đỏ của bố mẹ bạn và làm Giấy uỷ quyền nhưng Giấy uỷ quyền này chưa được công chứng, chứng thực theo qui định của pháp luật do đó những văn bản này không có giá trị pháp lý và sẽ bị vô hiệu do không tuân thủ về mặt hình thức theo qui định pháp luật. Theo Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 có qui định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.”

Trên thực tế bà H mới là người trực tiếp giao dịch với bố mẹ bạn về việc mượn sổ, cho nên khi các giao dịch trên vô hiệu thì bố mẹ bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bà H trả lại sổ. Tuy nhiên,hiện tại bà H đang phải chấp hành hình phạt tù 20 năm và người giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn là bên C. Khi được yêu trả bên C đã không trả. Vấn đề này chúng tôi xin đưa ra quan điểm và hướng giải quyết như sau:

Về tính chất pháp lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) không phải là tài sản mà là chứng chỉ xác nhận quyền tài sản ( căn cứ quy định tại Điều 105 của Bộ luật dân sự  2015 thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tiền. Giấy tờ này chỉ là sự xác nhận về quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, bản thân nó cũng không phải là quyền sử dụng đất. Mặt khác Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không phải là giấy tờ có giá (tức các quyền tài sản).

Căn cứ vào tính chất pháp lý đó cho nên hành vi giữ sổ đỏ của người khác không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm "chiếm giữ trái phép tài sản" theo quy định của Bộ luật hình sự. Cho nên mặc dù bên C giữ sổ của gia đinh bạn nhưng bạn cũng không thể khởi kiện bên C ra Toà án để đòi lại sổ cũng như tố cáo ra Công an vì hành vi chiếm giữ tài sản trái phép được.

Trong trường hợp này gia đình bạn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng khác do bị mất theo quy định tại Điều 77 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 về việc cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất

Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Như bạn đã trình bày thì bố bạn đã mất vì thế trước khi tiến hành thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình bạn phải tiến hành thủ tục phân chia di sản thừa kế. Gia đình bạn có thể tới một văn phòng công chứng trên địa bàn huyện để thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, để tiến hành phân chia di sản thừa kế thì cần phải có giấy tờ để chứng minh tài sản của người mất, mà trường hợp của gia đình bạn thì Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của gia đình bên C lại đang giữ cho nên gia đình bạn cần tới UBND xã (văn phòng đăng ký nhà đất) xin xác nhận về việc sở hữu mảnh đất của bố mình để văn phòng công chứng có cơ sở làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

Sau khi hoàn tất thủ tục thừa kế gia đình bạn tiến hành khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  tại Phòng đăng ký đất đai cấp Huyện nơi có đất.

Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các đồng thừa kế của cùng ký hoặc người được các đồng thừa kế ủy quyền ký; Văn bản khai nhận di sản thừa kế; Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất Giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản sao (nếu có); Giấy tờ nhân thân của các đồng thừa kế (bản sao chứng thực chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu); Giấy tờ chứng minh quan hệ thừa kế (giấy khai sinh hoặc các giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân); Giấy chứng tử của chủ sử dụng đất.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:19006198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.88035 sec| 1010.758 kb