Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn đọc những vướng mắt trong việc bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cùng giải pháp khắc phục cụ thể để mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật đất đai, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội thì nhu cầu chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương, xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, khu đô thị phục vụ nhu cầu nhà ở, sinh hoạt ngày càng phát sinh, điều này kéo theo việc Nhà nước cần thiết lập nhiều chính sách nhằm ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi. Thực tế cho thấy không ít các dự án phát triển kinh tế - xã hội bị chậm tiến độ mà nguyên nhân do gặp khó khăn trong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thoả đáng dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, một số phần tử xấu kích động người dân, cản trở thực hiện dự án gây mất trật tự an toàn xã hội.
Có thể nhận thấy, mặc dù các quy định liên quan đến lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được thiết lập. Tuy nhiên, vẫn tồn tại vướng mắc, bất cập. Luật Đất đai năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch năm 2018 chưa quy định chi tiết cơ cấu tổ chức, cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng ủy viên hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, quy định công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là sự phối hợp giữa Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các “cơ quan liên quan”. Vấn đề còn đang bỏ ngỏ là pháp luật vẫn chưa làm rõ cụm từ “cơ quan liên quan” hiện nay bao gồm cơ quan, chủ thể nào, cũng như trách nhiệm quyền hạn tổ chức ra sao. Từ đó, dẫn đến hệ quả việc áp dụng thực thi quy định tại các địa phương gặp không ít khó khăn, cũng như sự không đồng nhất tại các tỉnh thành.
Từ những vấn đề trên, đòi hỏi pháp luật cần có những bổ sung cụ thể nhằm thúc đẩy công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực thi một cách khoa học, đồng nhất tại các địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Tìm hiểu thêm về Các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy đinh mới nhất
Thực trạng quy định pháp luật về công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
(i) Về cơ chế thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Khi đề cập đến vấn đề hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nói chung, trên cơ sở Điều 68 Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam bao gồm: Tổ chức chức dịch vụ công về đất đai; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.
Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch năm 2018 vẫn chưa quy định chi tiết liên quan về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng ủy viên hội đồng. Ngoài Điều 68 Luật Đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hầu như không có hướng dẫn nào về Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kể cả Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Từ vấn đề trên, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành quy định chi tiết liên quan đến thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và tính thống nhất trong thành lập, hoạt động của Hội đồng. Trong đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp trong quá trình giải phóng mặt bằng; phân công trách nhiệm ứng với chuyên môn của từng chủ thể trong hội đồng, đồng thời làm căn cứ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện nhiệm vụ trong suốt quá trình lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong trường hợp có dấu hiệu trái pháp luật sẽ có cơ sở để xác định trách nhiệm của từng chủ thể.
(ii) Về công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Điểm a khoản 2 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”, hiện nay nội dung lấy ý kiến đóng góp trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn tồn tại vấn đề trường hợp tổng hợp ý kiến tham vấn từ cộng đồng xảy ra xung đột, khi đó cơ quan có chức năng trong việc lấy ý kiến cộng đồng sẽ xử lý ra sao nếu việc lấy ý kiến dự thảo lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho nhiều kết quả không đồng thuận.
Để góp phần hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể như sau:
Đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện tham vấn cộng đồng trong phạm vi đối tượng sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi đất. Sự đồng thuận của cộng đồng được quy định là số lượng ý kiến đồng ý của các thành viên cộng đồng phải đạt ít nhất 75% trên tổng số thành viên cộng đồng. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chỉ được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của cộng đồng.
Ngoài ra, cần có cơ chế đối thoại với người dân nhằm điểu chỉnh phương án sao cho phù hợp. Trong trường hợp này pháp luật cũng cần quy định rõ chế tài xử lý đối với chủ thể có thẩm quyền không tổ chức đối thoại với người dân với trường hợp đa phần chưa đồng thuận với phương án đã đề ra. Để thực hiện được nội dung trên, cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý quy định về giải trình, đồng thời cần có thiết chế kiểm tra, giám sát hiệu quả trong việc giải trình liên quan đến lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nói chung và phương án lập và thực hiện dự án tái định cư nói riêng, đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.
(iii) Về công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Liên quan đến công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn có chức năng thẩm quyền, điều này hết sức quan trọng, vì lẽ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một cách khoa học, sẽ là bước sơ khởi giảm thiểu được những tranh chấp khiếu nại, khiếu kiện về sau.
Về vấn đề này, căn cứ Điều 13 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, với công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn tồn tại một điểm bất cập khi quy định Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ phối hợp “cơ quan liên quan” thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Pháp luật vẫn chưa làm rõ nội hàm cụm từ “cơ quan liên quan” bao hàm những cơ quan, chủ thể nào, cũng như trách nhiệm quyền hạn, tổ chức ra sao. Từ đó, dẫn đến hệ quả việc áp dụng thực thi quy định tại các địa phương gặp không ít khó khăn.
Về thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi đất theo quy định. Trên cơ sở này, cơ quan cấp nào quyết định thu hồi đất cũng đồng nghĩa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trong trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Ủy ban cấp huyện quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án.
Vấn đề đặt ra là, trong quy định hiện nay chưa làm rõ được trường hợp nào là cần thiết, cũng như trường hợp nào không cần thiết. Do đó, khi một dự án được triển khai giải phóng mặt bằng nếu tồn tại diện tích đất của tổ chức đồng nghĩa phải gửi văn bản xin ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm xem xét ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thu hồi đất và phê duyệt phương án (theo dự án cụ thể mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền hay không ủy quyền).
Do đó, cũng phát sinh thêm quy trình, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Do vậy, cần quy định rõ với trường hợp nào thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án tái định cư, có như vậy mới có thể giúp Ủy ban cấp huyện chủ động trong công tác lập và phê duyệt phương án tái định cư tránh phát sinh thêm quy trình, kéo dài thời gian gây ảnh hương đến tiến độ thực hiện dự án.
Để hướng đến việc hoàn thiện công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đòi hỏi nhà làm luật cần có những hiệu chỉnh cụ thể liên quan đến thành phần tham gia lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Song song đó, với cơ quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là Sở Tài nguyên & Môi trường thì cũng cần nêu rõ cơ quan có chức năng phối hợp thẩm định bao hàm chủ thể nào, điều này góp phần giúp các địa phương thực hiện pháp luật một cách đồng nhất.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ hồ sơ thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm những gì, trình tự thủ tục tiến hành ra sao. Việc minh bạch liên quan đến cơ chế lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư góp phần thúc đẩy tiến trình giải phóng mặt bằng, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, khiếu kiện diễn ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Xem thêm về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư - các quy định cần nắm rõ cần lưu tâm
Ðể hạn chế những khiếu nại, tố cáo về đất đai, thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ và nhân dân, nhất là những nơi có liên quan công tác giải phóng mặt bằng.
Cần thực hiện tốt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định, bảo đảm nguyên tắc chung là: tính đúng, tính đủ, công khai và minh bạch. Thực hiện tốt chính sách với người bị thu hồi đất, một mặt phải quan tâm tiếp nhận lao động có khả năng để đào tạo bồi dưỡng nghề tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong dự án bảo đảm số lượng theo quy định, mặt khác, cần quan tâm xây dựng và thực hiện các dự án đào tạo nghề cho nhân dân ở khu vực bị thu hồi đất trong địa bàn của địa phương.
Xem thêm các nội dung liên quan tại Pháp trị
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm