Quên đăng ký - Trung Nguyên trầy trật đòi lại “thương hiệu”

view 1668
comment-forum-solid 0

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang mải mê với những doanh số và các chiến lược phát triển mà quên đi giá trị vô hình đã được tích lũy mang tên "thương hiệu”.

Việc chậm trễ trong đăng ký chứng nhận độc quyền trong nước và nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí để đòi lại quyền sở hữu giống như: Kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc... Hồi chuông cảnh tỉnh lớn nhất trong kinh doanh không thể không nhắc đến việc suýt mất thương hiệu của ông lớn Trung Nguyên ... chỉ vì "quên" đăng ký.

Luật sư tập sự Nguyễn Thị Mai - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn (24/7): 1900.6198

Thương hiệu là gì?

Thương hiệu là một khái niệm khá trừu tượng, là kết quả của một quá trình lâu dài trong sự kết hợp giữa rất nhiều yếu tố cụ thể như: nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, slogan… và những yếu tố trừu tượng: chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín... thậm chí cả những chính sách, chiến lược bán hàng kỳ quặc. Sự kết hợp của những yếu tố này theo thời gian tạo một dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng, đến mức chỉ nhắc tới tên, người ta đã hình dung được tương đối về chất lượng của sản phẩm/dịch vụ.

Thương hiệu vừa thể hiện uy tín, vừa thể hiện sức cạnh tranh của một doanh nghiệp. Uy tín và sức cạnh tranh càng lớn thì thương hiệu càng mạnh và càng có giá trị. Trong từng lĩnh vực ngành nghề thường có những thương hiệu nổi bật và mỗi nước đều có những thương hiệu mạnh ở tầm quốc gia của mình. Trong số đó có những thương hiệu mạnh nhất, giá trị nhất đạt cấp độ toàn cầu.

Nếu thương hiệu được bảo hộ đúng cách, chủ sở hữu thương hiệu sẽ:

- Được pháp luật bảo vệ: Khi đăng ký thương hiệu, các đối thủ cạnh tranh sẽ không thể sử dụng nó để gây nhầm lẫn hoặc thu lợi nhuận bất chính. Khi có hành vi xâm phạm đến thương hiệu, chủ sở hữu có quyền khởi kiện đối với những hành vi đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

- Quảng bá thương hiệu: chủ sở hữu có thể quảng bá thương hiệu của mình rộng rãi và khách hàng có thể nhận ra ngay sản phẩm mà không cần nhắc đến tên công ty.

- Tránh khả năng nhầm lẫn thương hiệu: Hành lang pháp lý của pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ ngăn chặn hành động gây nhầm lẫn thương hiệu bằng cách từ chối đăng ký cho các dấu hiệu gây nhầm lẫn.

Trên thế giới, thương hiệu được coi là tài sản vô cùng quan trọng của các công ty, có thương hiệu chiếm đến 70% giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng, câu chuyện bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam từ lâu vẫn khiến nhiều người tranh cãi bởi không ít doanh nghiệp đã để mất tài sản trí tuệ của mình chỉ vì không hoặc chậm trễ đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Trung Nguyên trầy trật đòi lại “thương hiệu” như thế nào?

* Đối tác kinh doanh đăng ký mất “thương hiệu” tại Mỹ

Tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đây được xem là sự cố đầu tiên về “phong trào” mất thương hiệu của một doanh nghiệp Việt Nam. “Sự kiện” này khi ấy cũng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí, nó gióng lên hồi chuông cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh ở nước ngoài.

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Cafe Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, với WIPO; mặt khác tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu. WIPO đã không chấp nhận bảo hộ cho Rice Field, Công ty này cũng đành lùi bước và nhận làm đại lý phân phối Café Trung Nguyên tại Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, để dàn xếp ổn thỏa, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD cho việc lấy lại thương hiệu.

Rút ra được kinh nghiệm, Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm xương máu này cũng không giúp Trung Nguyên tránh được những cú vấp ngã trên con đường bảo vệ thương hiệu.

* Mất tên miền trungnguyen

Không những mất thương hiệu trong cuộc sống thực, Trung Nguyên còn mất thương hiệu trên cả thế giới ảo. Và lỗi này, tất nhiên vẫn thuộc về sự thiếu hiểu biết. Trước tiên là hàng loạt sự cố liên quan tới tên miền xảy ra sau “sự cố năm 2000” (sự cố Y2K). Năm 2003, tên miền trungnguyen.com.vn được Công ty Trung Nguyên mua. Trung Nguyên có lẽ cũng muốn mua tên miền .com cho mình, nhưng tiếc là từ năm 2001 tên miền trungnguyen.com đã được một Việt kiều Séc đăng ký trước. Hay tên miền trungnguyencoffee.com cũng không thuộc sở hữu của Trung Nguyên - Việt Nam mà đã bị Công ty Clockworkcommerce đăng ký từ năm 2007.

Đến năm 2010, vấn đề thương hiệu của Trung Nguyên lại thêm một lần “dậy sóng” bởi vụ ầm ĩ giữa café Trung Nguyên và cafe Highlands của Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI) đã diễn ra, khi tên miền trungnguyen.com.au (tên miền quốc gia của Australia) được dùng để quảng bá, giao dịch cho Highlands Coffee. Sự cố chỉ được Trung Nguyên phát hiện khi đăng ký tên miền này tại Australia thì thấy Công ty The Trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền này và sử dụng dưới hình thức một website giao dịch thương mại.

Trung Nguyên đổ lỗi Highlands Coffee cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đại diện của VTI đã thẳng thừng bác bỏ điều này và khẳng định mình không hề có sự liên quan nào đến Công ty The trustee for Hinchliffe Trust – công ty đã đăng ký tên miền trungnguyen.com.au. Rất may, cuộc tranh cãi này sớm chìm vào quên lãng. Tới năm 2014, website này không còn tồn tại nữa.

Dường như bài học quá khứ vẫn chẳng là gì với Trung Nguyên, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Vào năm 2012, Trung Nguyên tiếp tục lại có cú vấp đau hơn với thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Trung Nguyên mua tên miền Legendee.com từ tháng 12/2011 nhưng quên hàng loạt tên miền “có liên quan” như Legendee.com.vn và Legendee.vn…

Vì vậy, Trung Nguyên chỉ biết kêu trời khi Legendeecoffee.com thuộc về một cá nhân chẳng có dính dáng gì đến Trung Nguyên. Lần này, hậu quả có vẻ nặng nề hơn khi Trung Nguyên bị mất cơ hội xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.

Theo Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), thương hiệu Legendee Coffee được đăng ký tại Mỹ vào ngày 27/4/2012, tức là đăng ký sau khi có cảnh báo về việc có thể “Trung Nguyên mất thương hiệu cà phê chồn” từ một cơ quan báo chí trong nước. Thời điểm đó, tra cứu trên trang chủ của USPTO cho thấy, bản quyền (Trademark) thương hiệu Legendee Coffee (café legendee - café Chồn) đã được đăng ký tại Mỹ, chủ sở hữu là ông Alexander Nguyen. Một nguồn tin cho hay, ông Alexander Nguyen là người gốc Việt, quốc tịch Mỹ và không có mối liên quan nào với Công ty Trung Nguyên.

Nguyễn Trọng Khoa – người sở hữu tên miền thương hiệu café Trung Nguyên legendeecoffee.com nói, Alexander Nguyen đã đề nghị mua lại tên miền, đồng thời cũng đã thống nhất về giá cả chuyển nhượng, các điều khoản cá nhân khác. Trên trang chủ legendeecoffee.com ghi rõ: ‘Bản quyền thương hiệu Cà phê Legendee (Legendee Coffee) và tất cả các thiết kế, văn bản, đồ họa, hình ảnh xuất hiện trên website www.legendeecoffee.com là tài sản thuộc sở hữu của ông Alexander Nguyen đã được đăng ký và bảo vệ bởi luật bản quyền Hoa Kỳ.

Trên hệ thống của USPTO cũng đã thể hiện kết quả rằng, bản quyền Trung Nguyen Coffee, G7 coffee và thương hiệu Trung Nguyen thuộc sở hữu của Trung Nguyên Việt Nam, nhưng Trung Nguyên không đăng ký bản quyền Legendee Coffee. Như vậy, nếu Trung Nguyên muốn phát triển thương hiệu Legendee Coffee tại Mỹ thì phải đàm phán với chủ sở hữu thương hiệu Legendee Coffee tại quốc gia này. Trong khi, chi phí đăng ký bản quyền Legendee Coffee tại Mỹ được tiết lộ chỉ mất có 165 USD, tương đương với hơn 3 triệu đồng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Mai

Luật sư Nguyễn Thị Mai

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-mai Luật sư Nguyễn Thị Mai là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân gia đình.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.21211 sec| 1042.914 kb