Quyền hưởng dụng và cơ sở pháp lý?

Bởi Trần Thu Thủy - 06/01/2020
view 1170
comment-forum-solid 0

Quyền hưởng dụng là quyền của người không phải là chủ sở hữu tài sản nhưng vẫn có những quyền và lợi ích trên chính tài sản đó trong một thời hạn nhất định. Nó là quyền khác tài sản lần đầu tiên được ghi nhận trong pháp luật dân sự Việt Nam.

Bài viết được thực hiện bởi: Trần Hồng Sơn – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Các vấn đề pháp lý 

Thuật ngữ “quyền hưởng dụng” đã có từ thời La Mã cổ đại. Thời kỳ này, pháp luật của Nhà nước La Mã đã có nhiều quy định về quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu, trong đó coi quyền sở hữu là một loại quyền được bảo vệ tuyệt đối. Người là chủ sở hữu một tài sản được thực hiện tất cả các quyền đối với tài sản của mình như: nắm giữ, quản lý tài sản, mua bán, cầm cố, cho, tặng, để lại thừa kế cho người khác, từ bỏ tài sản…

Tuy nhiên, có trường hợp, người khác, mặc dù không phải là chủ sở hữu tài sản nhưng vẫn có những quyền và lợi ích trên một tài sản nhất định, luật La Mã gọi những trường hợp này là servitudes (tức quyền hưởng dụng trên tài sản của người khác) và quyền này lại được phân định thành hai loại quyền là: quyền hưởng dụng bất động sản của người khác và tài sản không phải là bất động sản của người khác. Đồng thời, luật La Mã cũng quy định, quyền này là một vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác.

Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) lần đầu tiên ghi nhận những quy định pháp luật về quyền hưởng dụng, làm căn cứ cho phép các chủ thể có quyền nhất định đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác, tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác, sử dụng một cách hiệu quả các tài sản, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm khai thác được nhiều nhất lợi ích trên cùng một tài sản. BLDS 2015 không dùng khái niệm vật quyền mà dùng khái niệm “quyền khác đối với tài sản”. Đồng thời, nó là một loại quyền nằm trong nhóm này (có khác biệt so với quan điểm nguyên gốc của Luật La Mã).

Trong phạm vi bài viết, Công ty Luật TNHH Everest lưu ý một số điểm mới về quyền hưởng dụng (khái niệm, đặc điểm, căn cứ xác lập, hiệu lực...và những lợi ích mà quyền năng này đem lại khi được áp dụng trong thực tiễn) tại BLDS 2015.

Về khái niệm: "Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định" (Điều 257 BLDS năm 2015).

Quyền hưởng dụng là một quyền có thời hạn trên tài sản của người khác. Nó bao gồm quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi trên tài sản của người khác.

Quyền sở hữu thường được xem là có ba thành tố bao gồm: (i) quyền sử dụng; (ii) quyền hưởng hoa lợi và (iii) quyền định đoạt. Nếu một người cấp cho người khác quyền hưởng dụng trên tài sản của mình, thì có nghĩa là anh ta cho người khác quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi, và giữ lại quyền định đoạt. Quyền sử dụng cho phép người được cấp thu được các lợi ích khác nhau từ tài sản như cư trú, săn bắn, cấy cày, lái xe… Tất nhiên, việc chiếm hữu đối với tài sản là một thực tế để thực hiện quyền này. Quyền hưởng hoa lợi cho phép người được cấp thụ hưởng tất cả các hoa lợi tự nhiên và hoa lợi dân sự từ tài sản. Hoa lợi là tài sản (hay sản phẩm) được tạo ra hoặc thu được từ tài sản khác mà không làm mất hoặc giảm đi bản chất của tài sản này. Hoa lợi tự nhiên là sản phẩm của đất hoặc súc vật. Hoa lợi dân sự là thu nhập có được từ tài sản bởi hiệu lực của pháp luật hoặc bởi một hành vi pháp lý (hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương). Tuy nhiên, khái niệm quyền hưởng dụng thường bị nhầm lẫn bởi có nội dung tương đồng với quyền sử dụng hoặc hợp đồng thuê khoán tài sản.

Luật sư tư vấn pháp luật đất đai – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Phân biệt với một số quyền khác

Phân biệt với "quyền sử dụng":

Thứ nhất, theo Điều 189 BLDS 2015: "quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hoa lợi, lợi tức từ tài sản". Điểm khác biệt cơ bản mà chúng ta có thể thấy ở đây đó chính là thời gian; thời gian của quyền sử dụng hoàn toàn do các bên thỏa thuận còn thời gian của quyền hưởng dụng còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật, cụ thể được quy định tại Điều 260 BLDS năm 2015, "thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân". Như vậy dưới vai trò là một pháp nhân khi thuê tài sản (tức có quyền sử dụng) thỏa thuận với bên cho thuê thời hạn thuê là 40 năm thì hợp pháp nhưng trong trường hợp pháp nhân này được hưởng dụng tài sản này nhưng lại thỏa thuận với bên cho hưởng dụng thời hạn hưởng dụng là 40 năm thì không hợp pháp.

Thứ hai, theo khoản 1 Điều 260 BLDS 2015 "Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân...". Như vây, với quy định này, "quyền hưởng dụng" có sự khác nhau khá lớn về vấn đề tính "tạm thời" so với "quyền sử dụng". Cụ thể nếu một cá nhân được hưởng dụng một căn biệt thự thì khi cá nhân đó chết đi, "quyền hưởng dụng" xem như chấm dứt; còn nếu như cá nhân đó thuê căn nhà đó, cùng chung sống với gia đình mình thì khi cá nhân đó chết đi thì quyền sử dụng căn nhà đó không chấm dứt căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 131 Luật Nhà ở năm 2014.

Thứ ba, về phạm vi quyền của chủ thể được hưởng "quyền hưởng dụng" hoặc "quyền sử dụng" có sự khác nhau cơ bản; cụ thể theo khoản 1 Điều 361 BLDS 2015 thì người hưởng dụng được phép "...tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng" mà không cần có sự đồng ý của chủ tài sản. Tuy nhiên nếu một chủ thể đi thuê tài sản (tức đang có quyền sử dụng) không thể cho người khác thuê lại (tức được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản) mà không cần sự đồng ý của bên cho thuê được, điều này đã được quy định rõ trong Điều 471 BLDS năm 2015.

Phân biệt với "hợp đồng thuê khoán":

Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê (Điều 483 BLDS 2015). Điểm khác biệt lớn nhất với hợp đồng thuê khoán đó là:

Thứ nhất, khách thể  là tài sản của chủ thể khác, và tài sản đó phải là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản, bất động sản, động sản hay bất động động sản có thể là tài sản hiện có hay tài sản hình thành trong tương lai. Còn khách thể của hợp đồng thuê khoán là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thứ hai, chủ thể có quyền cho thuê đối với tài sản được hưởng dụng, trong khi đó, bên thuê khoán tài sản thì không được cho thuê khoán lại trừ khi được bên cho thuê khoán đồng ý.

Trong cuộc sống, quyền này tồn tại rất đa dạng và phức tạp dưới các hình thức khác nhau như để cho con có thu nhập đảm bảo cuộc sống riêng, cha mẹ cho con được thu hoa lợi từ việc trồng trọt trên đất mà cha mẹ là chủ sở hữu quyền sử dụng đất đó. Ở đây thấy rằng, chủ sở hữu tài sản tuy có quyền định đoạt tài sản nhưng chủ thể được hưởng dụng tài sản cũng có những quyền tách bạch so với chủ sở hữu.

Khi thực hiện quyền hưởng dụng thì chủ thể có quyền đối với tài sản là tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng; yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản; có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thay chủ tài sản; và cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản. Bên cạnh đó, chủ thể cũng phải có nghĩa vụ là tiếp nhận và đăng ký tài sản, khai thác tài sản đúng mục đích, giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa tài sản, và hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Căn cứ xác lập

Căn cứ xác lập : "Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc" (Điều 258 BLDS 2015).

Nó có thể phát sinh bởi hành vi pháp lý giữa những người đang sống hoặc di chúc. Hành vi pháp lý tạo lập có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không đền bù. Di chúc có thể thiết lập quyền này cho người sống, chẳng hạn người để lại di chúc vẫn muốn giữ tài sản cho người này nhưng cho người khác hưởng dụng tài sản đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ ông A viết di chúc để lại tài sản cho cháu đích tôn, nhưng muốn bố mẹ của nó (con trai và con dâu của ông A) có quyền hưởng dụng tài sản đó trong thời gian hai người đó còn sống. Quyền này phát sinh bởi hành vi pháp lý gọi là quyền hưởng dụng ước định.

Nó cũng có thể phát sinh bởi hiệu lực của luật và được gọi là hưởng dụng pháp định. Pháp luật có thể cho một người hưởng dụng trên tài sản của người khác (chẳng hạn muốn có sự công bằng trong trường hợp chia tài sản).

Hiệu lực của: "Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác" (Điều 259 BLDS 2015).

Thời hạn của: "Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này" (Điều 260 BLDS 2015).

Quyền của người hưởng dụng: (i) Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định; (ii) Khai thác tài sản phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản; (iii) Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình: (iv) Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản; (v) Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng (Điều 261 BLDS 2015).

Nghĩa vụ của người hưởng dụng (Điều 262 BLDS 2015): (i) Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng; (ii) Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 263 của Bộ luật này; trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí; (iii) Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

Quyền của người hưởng dụng (Điều 262 BLDS 2015):

Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản: (i) Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền  đã được xác lập; (ii) Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình; (iii) Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng; (iv) Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản (Điều 263 BLDS 2015).

Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức: (i) Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền này trong thời gian quyền này có hiệu lực; (ii) Trường hợp quyền này chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng (Điều 264 BLDS 2015).

Chấm dứt trong trường hợp sau đây: Thời hạn đã hết; Theo thỏa thuận của các bên; Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền;

 

Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định; Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn; Theo quyết định của Tòa án; Căn cứ khác theo quy định của luật (Điều 265 BLDS2015)

Hoàn trả tài sản khi chấm dứt: "Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác" (Điều 266 BLDS 2015).

Việc ghi nhận tại BLDS 2015 tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn như việc hưởng dụng đất ở Việt Nam hiện nay có thể truyển lại cho người thừa kế, nếu không thực hiện trong khoảng thời gian liên tục quá 10 năm thì đó là lý do chấm dứt để đảm bảo không lãng phí tài sản xã hội và coi như người có quyền hưởng dụng không có nhu cầu hưởng dụng.

Đồng thời, việc ghi nhận này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Qua đó, đảm bảo tốt hơn cho tài sản trong giao lưu dân sự được tối đa hóa giá trị không chỉ bởi chủ sở hữu mà còn bởi cả người không phải là chủ sở hữu, hạn chế được rủi ro pháp lý, giữ được sự ổn định của các quan hệ dân sự và các quan hệ khác có liên quan.

Như vậy, có thể thấy đây là quyền được ghi nhận tách bạch riêng biệt với quyền sở hữu, chủ thể hưởng dụng không phải là chủ sở hữu.

– Khuyến nghị của công ty luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật tố tụng được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.73517 sec| 1062.789 kb