Quyền tư pháp được kiểm soát như thế nào trong Hiến pháp

Bởi Trần Thu Thủy - 16/12/2019
view 487
comment-forum-solid 0

Nội dung bài viết [Ẩn]

Quyền tư pháp là quyền xét xử, tức quyền áp dụng pháp luật để ra phán quyết về các vi phạm pháp luật và các tranh chấp xảy ra trong xã hội. Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước thực hiện quyền tư pháp.

Tổng quan về quyền tư pháp

Khái niệm về quyền tư pháp thì chưa được định nghĩa hoặc giải thích chính thống từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hiểu một cách thống nhất, dẫn đến nhận thức có sự khác nhau về quyền tư pháp. Xoay quanh nội dung này, hiện có các nhóm quan điểm sau:

Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyền tư pháp được hiểu là hoạt động xét xử của Tòa án và những hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án, nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Nhóm quan điểm này, quyền tư pháp được thực hiện không chỉ bởi cơ quan xét xử (tòa án), mà cả Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra và các cơ quan trợ giúp tư pháp, như: Luật sư, Công chứng, Giám định, Tư vấn pháp luật,…Những người theo quan điểm này, căn cứ vào Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Nhóm quan điểm thứ hai: Quyền tư pháp là quyền mà Nhà nước giao cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động,… theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm các thủ tục tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng dân sự, thủ tục tố tụng hành chính,… Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân , Cơ quan thi hành án đều thực hiện quyền tư pháp theo những mức độ khác nhau. Việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án gắn liền với chức năng xét xử và chỉ thực hiện khi và chỉ khi xét xử chứ không bao trùm cả chức năng điều tra, chức năng công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân chỉ xảy ra khi vụ việc được chuyển đến Tòa án xem xét, giải quyết và hoàn toàn độc lập với hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Do vậy, Quyền tư pháp được hiểu là tập hợp những hoạt động cụ thể do cơ quan tư pháp thực hiện trong tố tụng tư pháp, liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, các tranh chấp pháp luật, hướng tới mục đích giải quyết các vụ án, tranh chấp một cách khách quan, đúng đắn và các hoạt động liên quan đến thi hành các phán quyết của Tòa án, mà các hoạt động đó thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và thi hành án

Nhóm quan điểm thứ ba: Quyền tư pháp là lĩnh vực quyền lực Nhà nước được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, quyết định áp dụng pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật. Theo quan điểm này, chủ thể thực hiện quyền tư pháp chỉ là Tòa án và hoạt động tư pháp chỉ là hoạt động xét xử. Nói đến tư pháp là nói đến lĩnh vực hoạt động xét xử của Tòa án và ngược lại. Cùng chung quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, trong sách chuyên khảo “Thể chế Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền”, NXB Tư pháp, năm 2004, trang 11, có viết: “Tư pháp là một lĩnh vực quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật”.

Dịch vụ tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Về kiểm soát quyền tư pháp

Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta quy định trong toàn hệ thống chính trị, Tòa án là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp, tức là có chức năng xét xử các vụ án, giải quyết các việc có tranh chấp theo thẩm quyền quy định. Hiến pháp 2013 quy định cơ chế kiểm soát quyền tư pháp từ phía cơ quan lập pháp, thể hiện qua việc Quốc hội có quyền bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh do mình bầu, như Chánh án Toàn án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực này chủ yếu mang tính một chiều giữa cơ quan quyền lực nhà nước với cơ quan tư pháp mà hầu như chưa có chiều kiểm soát ngược lại.

Cơ chế kiểm soát thứ hai đối với kiểm soát quyền tư pháp là từ phía Chủ tịch Nước. Khoản 7 Điều 70 và khoản 3 Điều 88 Hiến pháp 2013 thì Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tich nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo phê chuẩn của Quốc hội. Thẩm phán các cấp khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia. Quy định này thể hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Nhà nước pháp quyền, nâng cao vị thế của cơ quan tư pháp với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp; đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Luật sư tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân thực hiện chức năng kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp theo nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Theo đó, Tòa án nhân dân thực hiện quyền sáng kiến lập pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật nếu thông qua hoạt động xét xử thấy văn bản luật trái Hiến pháp, mâu thuẫn với luật khác hoặc không phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính đối với các hành vi hành chính, quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; các phán quyết về các vi phạm quyền con người…

Ở nước ta, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều bắt nguồn từ Nhân dân. Cả ba quyền này tuy có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng đều là những yếu tố tạo nên sự thống nhất của quyền lực nhà nước. Hiến pháp 2013 ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo dựng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.25114 sec| 1006.578 kb