Ngoại tình có vi phạm pháp luật không?

view 840
comment-forum-solid 0

Ngoại tình không còn là một hiện tượng hiếm hoi trong xã hội hiện nay. Mặc dù việc ngoại tình ngày nay không còn bị lên án nặng nề như xưa nhưng hậu quả của việc ngoại tình lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình, cũng như sự ổn định và phát triển của xã hội. Vậy liệu rằng, ngoại tình có vi phạm pháp luật không?

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia: Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

“Ngoại tình” là gì?

Trong thời đại ngày này, “ngoại tình” không phải là một thuật ngữ xa lạ đối với chúng ta. Trong quy định của pháp luật nước ta hiện nay không có quy định nào định nghĩa “ngoại tình” là gì? Tuy nhiên, có thể hiểu nôm na rằng ngoại tình là việc người đã có vợ, có chồng có quan hệ yêu đương bất chính với người khác (người này có thể là người cũng đã có chống, có vợ hoặc chưa có chồng, có vợ).

“Quan hệ yêu đương bất chính” ở đây lại phụ thuộc quan niệm của mỗi người. Có người cho rằng “chúng” phải có quan hệ tình dục với nhau mới coi là ngoại tình. Tuy nhiên, có người lại cho rằng chỉ cần nắm tay, ôm, uống cà phê, nhắn tin, gọi điện,… cho nhau đã là ngoại tình rồi.

Có thể thấy, để đưa ra được khái niệm “ngoại tình” một cách toàn diện là điều không dễ dàng, bởi lẽ mỗi người có một quan điểm riêng về “ngoại tình”. Nhưng có thể hiểu một cách chung nhất thì ngoại tình là có quan hệ yêu đương bất chính khi đã có vợ hoặc có chồng.

Thế nào là hành vi vi phạm pháp luật?

Một hiện tượng xã hội bị coi là vi phạm pháp luật khi có đủ các dấu hiệu cơ bản sau:

  • Là hành vi thực tế của con người

Do vậy, phải có hành vi thực tế của chủ thể mới có cơ sở để xác định có vi phạm pháp luật hay không. Vi phạm pháp luật không phải là suy nghĩ, ước mơ, giấc mơ của con người hay những sự biến xảy ra nằm ngoài ý thức của con người... Vi phạm pháp luật phải là kết quả của ý thức của con người, được thể hiện ra thế giới khách quan bằng hành vi thực tế cụ thể.

  • Là hành vi trái pháp luật

Những hành vi đi ngược với cách xử sự nêu ra trong quy phạm pháp luật bị coi là hành vi trái pháp luật. Sự quy định trước của pháp luật là cơ sở pháp lí để xác định tính trái pháp luật trong một hành vi cụ thể. Một hành vi nào đó có thể gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho xã hội nhưng nếu chưa được pháp luật quy định thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

  • Do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện

Một người được coi là có năng lực trách nhiệm pháp lí khi họ đạt đến độ tuổi do pháp luật quy định, đồng thời có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Khả năng nhận thức ở đây được hiểu là, chủ thể nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai theo chuẩn mực xã hội.Khả năng điều khiển được hiểu là, trên cơ sở của sự nhận thức, chủ thể có thể chủ động, tích cực, quyết tâm thực hiện hành vi mà họ cho là phù hợp với đòi hỏi của xã hội; hoặc kiềm chế, không thực hiện hành vi nếu cho rằng nó đi ngược lại lợi ích của xã hội...

  • Luôn chứa đựng lỗi của chủ thể

Lỗi là trạng thái tâm lý phản ánh thái độ tiêu cực của một người đối với hành vi trái pháp luật của họ và hậu quả của hành vi đó. Một hành vi mặc dù trái pháp luật nhưng được thực hiện trong trường hợp chủ thể không có sự lựa chọn nào khác (bất kì ai trong điều kiện đó cũng chỉ có thể có sự lựa chọn như thế) hoặc trong trường hợp chủ thể bị mất tự do ý chí thì chủ thể không bị coi là có lỗi, do vậy hành vi đó không bị coi là vi phạm pháp luật.

Từ những phân tích trên, có thể xác định vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Ngoại tình có vi phạm pháp luật không?

Như đã phân tích ở trên, một hành vi bị coi là vi phạm pháp luật thì điều kiện thứ nhất đó là hành vi trái pháp luật. Có 03 cách để xác định một hành vi trái pháp luật: (1) quy định thành những điều khoản cấm, không được phép; (2) quy định thành các chế tài; (3) kết hợp cả 02 cách trên.

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, theo đó một trong những nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình là “một vợ một chồng”.

Có thể thấy hành vi ngoại tình ở đây có thể đã xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Vậy pháp luật có chế tài nào “dành” cho hành vi này không?

  • Quy định của pháp luật về chế tài cho hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

Vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể bị xử phạt hành chính trong trường hợp hành vi thuộc quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (i) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; (ii) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; (iii) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; (iv) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

  • Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chng mà vn duy trì quan hệ đó”.

Theo như cách hiểu thông thường về ngoại tình – là quan hệ yêu đương bất chính với người khác khi đang có vợ hoặc có chồng. Như vậy, trách nhiệm pháp lý đặt ra ở đây được xác định đối với người chồng, người vợ.

Để được tư vấn một cách nhanh chóng, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198

Khi nào “ngoại tình” là vi phạm pháp luật?

Theo các quy định trên, “ngoại tình” được coi là hành vi vi phạm pháp luật khi người chồng, người vợ chung sống như vợ chồng với người khác.

Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/09/2001 của Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “các tội phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”

Theo quy định trên thì việc chung sống như vợ chồng thường chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Tùy vào mức độ vi phạm mà người vợ hoặc người chồng “ngoại tình” có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vợ, chồng ngoại tình bị xử phạt hành chính trong trường hợp chung sống như vợ chồng với người khác.

Vợ, chồng ngoại tình bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chung sống như vợ chồng với người khác mà:

  • Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
  • Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
  • Đã có quyết định của Tòa án buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Duy Hội

Luật sư Nguyễn Duy Hội

Luật sư Nguyễn Duy Hội là tác giả, cố vấn chuyên môn cho các bài viết tư vấn pháp luật tại website phaptri.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.51015 sec| 1046.453 kb