“Thần đồng đất Việt”: Bài học về quyền tác giả (Kỳ 2) – Phân định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

Bởi Trần Thu Thủy - 29/01/2020
view 1204
comment-forum-solid 0
Ở kỳ 1 của bài viết “Thần đồng đất Việt” Bài học về quyền tác giả (Kỳ 1) – Các khái niệm cơ bản. Hôm nay, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về sự phân định giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

Tác giả với chủ sở hữu khác nhau như thế nào?

- Tác giả, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định 22, là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học,nghệ thuật và khoa học.

Tác giả của một tác phẩm có thể là đồng tác giả, tức là bao gồm nhiều tác giả, những tác giả này cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. (Khoản 2 Điều 66 Nghị định 22).

- Chủ sở hữu, theo quy định tại Điều 25 Nghị định 22, chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm (i) tổ chức, cá nhân Việt Nam, (ii) Tổ chức,cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam, (iii) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam và (iv) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, giữa tác giả và chủ sở hữu có thể tồn tại các mối quan hệ sau:

- Tác giả là cá nhân hoặc nhiều cá nhân (đồng tác giả);

- Chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức;

- Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm;

- Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm: Ví dụ như tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ mà chủ sở hữu giao (nhân viên sáng tạo theo nhiệm vụ của công ty, tác giả giao kết hợp đồng sáng tạo với chủ sở hữu…) thì chủ sở hữu (thông thường) là tổ chức/cá nhân giao nhiệm vụ hoặc thuê tác giả sáng tạo tác phẩm…

Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, tác giả không đồng thời là chủ sở hữu. Cụ thể hơn, tác giả (ông Lê Linh) sáng tạo dựa trên Hợp đồng lao động với chủ sở hữu (Phan Thị).

Tác giả trong tác phẩm “Thần đồng đất Việt”, theo như Phan Thị đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền là đồng tác giả (tập thể tác giả), cụ thể là Phan Thị Mỹ Hạnh cùng là đồng tác giả với Lê Linh.

Chủ sở hữu trong đăng ký quyền tác giả của tác phẩm Thần đồng đất Việt là Phan Thị.

Câu chuyện mâu thuẫn bắt đầu khi ông Lê Linh phát hiện việc Phan Thị đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền cho bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” cùng các nhân vật với tác giả là tập thể tác giả và theo ông Linh, ông là người duy nhất vẽ tranh và viết lời cho bộ truyện từ tập đầu đến tập 78 (từ năm 2002-2005). Sau khi vào công ty, được bà Phan Thị Mỹ Hạnh giao yêu cầu vẽ một bộ truyện tranh dựa trên các điển tích xưa, ông Lê Linh bắt đầu sáng tác. Các bước sáng tạo của ông Linh là: viết kịch bản, vẽ sơ phác, viết vào trang truyện, vẽ hoàn chỉnh, sau đó chuyển qua bộ phận vi tính và đổ background. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ tham gia công tác tổ chức, không tham gia vào công tác sáng tạo tác phẩm. Do đó, ông Lê Linh đưa đơn kiện đề nghị ghi nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của tác phẩm “Thần đồng đất Việt” và 04 hình tượng nhân vật trong tác phẩm này và đề nghị Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh không được phép sáng tác các biến thể của nhân vật trong bộ truyện.

Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Tác giả và chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ gì?

Quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân, theo quy định tại Điều 19 Luật SHTT bao gồm:

(i) Quyền đặt tên cho tác phẩm. Tuy nhiên, quyền này không được áp dụng cho tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác;

(ii) Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;

(iii) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

(iv) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phuong hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản, theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT bao gồm:

(v) Làm tác phẩm phái sinh;

(vi) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

(vii) Sao chép tác phẩm;

(viii) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

(ix) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kỹ thuật nào khác;

(x) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Tác giả và chủ sở hữu có những quyền gì trong các quyền liệt kê ở trên?

Trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu, tác giả sẽ có tất cả các quyền nhân thân và quyền tài sản ở trên;

Trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu:

- Đối với quyền nhân thân: Tác giả có quyền nhân thân liệt kê tại mục (i), (ii), (iii) & (iv). Thông thường, chủ sở hữu có quyền đối với quyền nhân thân liệt kê tại mục (iii) ở trên trong trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ đối với công ty là chủ sở hữu hoặc tác giả sáng tạo tác phẩm theo Hợp đồng thực hiện công việc. Với trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm sau đó góp vốn vào công ty là chủ sở hữu theo dạng Hợp đồng góp vốn thì có thể tác giả sẽ có toàn bộ quyền nhân thân liệt kê tại mục (i), (ii), (iii) & (iv) nếu thời điểm góp vốn được thực hiện sau khi tác phẩm đã được công bố;

- Đối với quyền tài sản: Hầu như trong mọi trường hợp, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền tài sản đối với tác phẩm trừ trường hợp tác giả và chủ sở hữu tác phẩm có thỏa thuận khác. Ví dụ như vụ việc “Ngày xưa (Thủa ấy xứ Đoài)” và “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty CP tổng hợp truyền thông DS, ngay từ đầu tiên, tác giả là đạo diễn Nguyễn Việt Tú (Công ty CP tổng hợp truyền thông DS) và Công ty CP Tuần Châu Hà Nội đã có thỏa thuận là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội sẽ chi trả nhuận bút cho tác giả trên % giá vé bán ra sau này, ngoài khoản phí đưa ra ban đầu. Hay nói cách khác, trường hợp của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, tác giả và chủ sở hữu cùng hưởng một trong những quyền tài sản trong trường hợp này.

Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, tác giả là Lê Linh hưởng đầy đủ các quyền nhân thân liệt kê tại mục (i), (ii) & (iv) nêu trên và Phan Thị được hưởng đầy đủ các quyền tài sản và quyền nhân thân ở mục (iii) vì Lê Linh là tác giả thực hiện tác phẩm theo Hợp đồng lao động với Phan Thị nên Phan Thị có được quyền này (thường là theo thỏa thuận trong Hợp đồng lao động hoặc Quyết định giao việc của Phan Thị cho ông Lê Linh).

Theo Quyết định tại bản án sơ thẩm ngày 14/02/2019, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và 4 hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa cũng buộc Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật vì việc tiếp tục sáng tác này sẽ không bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên các báo; chịu phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng. Việc buộc Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật vì việc tiếp tục sáng tác này sẽ không bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có thể coi như tương đương với việc Tòa không cho phép Phan Thị được hưởng một trong những quyền tài sản là làm tác phẩm phái sinh, ví dụ như làm các tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể… Việc quyết định như vậy có phù hợp hay không, chúng ta cùng chờ kết quả trong phiên phúc thẩm sắp được tiến hành.

Còn nữa...

Đón đọc: "Thần đồng đất Việt": Bài học về quyền tác giả (Kỳ 3) - Bảo hộ quyền tác giả

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.32700 sec| 1015.797 kb