Thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài nên có trong bất cứ hợp đồng nào, nhằm xử lý bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ bằng tiền bên cạnh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Thị Ngân - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài đối với bên vi phạm hợp đồng áp dụng khi pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật, nhằm kịp thời điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của các bên trong các quan hệ hợp đồng.
Khoản 1 Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
Điều 300 Luật thương mại năm 2005 quy định: Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm: (a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; (b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Theo quy định trên, đối tượng của phạt vi phạm hợp đồng là tiền, mức phạt do các bên thỏa thuận. Lưu ý: Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại là hai chế định hoàn toàn khác nhau. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Xem thêm thông tin liên quan tại: Hợp đồng vay tiền – Những vấn đề cần lưu ý
Hợp đồng có hiệu lực pháp luật
Hợp đồng có hiệu lực pháp luật là điều kiện tiên quyết, quyết định hiệu lực của thỏa thuận phạt vi phạm. Chế định phạt vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm không có hiệu lực pháp luật.
Có vi phạm nghĩa vụ
Căn cứ để phát sinh chế tài phạt vi phạm là có hành vi vi phạm nghĩa vụ, như: (1) không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn; (2) thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ; (3) thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (Khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015).
Hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm
Quy định pháp luật và thực tiễn cho thấy: Thỏa thuận phạt vi phạm cần được quy định trong hợp đồng, để làm căn cứ thực hiện và giải quyết tại Tòa án nếu xảy ra tranh chấp. Theo quan điểm bài viết, thỏa thuận phạt vi phạm cần được quy định cụ thể, có thể trong hợp đồng chính hoặc phụ lục hợp đồng.
Phạt vi phạm hợp đồng trong dân sự
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức phạt hợp đồng tại Khoản 2 Điều 418. Theo đó, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận, có thể cao hoặc thấp tùy thuộc vào đối tượng, tính chất, nội dung hợp đồng cụ thể. Quy định này bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các bên tham gia ký kết và đòi hỏi các bên tham gia ký kết hợp đồng phải có ý thức trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng của mình.
Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại
Khác với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 giới hạn mức phạt vi phạm khi các bên thỏa thuận. Cụ thể, tại Điều 301 quy định: mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Phạt vi phạm hợp đồng trong xây dựng
Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 cũng có quy định về phạt vi phạm, ấn định mức phạt vi phạm không quá 12% giá trị phần hợp đồng vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp các bên trong hợp đồng đánh đồng phạt vi phạm với bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, đây là hai quy định riêng biệt với các nội dung riêng biệt. Cụ thể:
Về mục đích:
Thỏa thuận phạt vi phạm được thiết lập nhằm nâng cao ý thức tuân thủ hợp đồng của các bên. Còn bồi thường thiệt hại hướng đến việc bù đắp cho chủ thể bị mất quyền lợi do bên vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng.
Về điều kiện áp dụng:
Để áp dụng chế tài phạt vi phạm, các bên cần thỏa thuận nội dung này trong hợp đồng. Còn bồi thường thiệt hại có thể không cần có thỏa thuận trong hợp đồng, bên bị thiệt hại vẫn có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại.
Về mức tiền:
Nếu phạt vi phạm có quy định giới hạn mức phạt thì mức bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào thiệt hại thực tế do bên yêu cầu bồi thường chứng minh.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm