Nội dung bài viết [Ẩn]
Sau 15 tháng thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại lần hai (đơn khiếu nại gửi ngày 21/05/2019), ngày 21/08/2020 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2494/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất tại Cát Hải nhằm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án Deep C III), gồm các ông (bà): Nguyễn Đức Khoát, Ninh Thị Khanh, Nguyễn Đức Nhuần.
https://youtu.be/2NL7sVNCG0A
Mặc dù bác các khiếu nại của người bị thu hồi đất (người khiếu nại), nhưng Quyết định giải quyết khiếu nại số 2494/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải áp dụng “hỗ trợ khác” theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính Phủ cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nuôi trồng thủy sản.
Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính Phủ quy định: Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất: "Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định" (Điều 25).
Trong nhiều buổi làm việc giữa người khiếu nại (người bị thu hồi đất), Cơ quan chức năng nhiều lần đề cập tới "hỗ trợ khác" theo Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, "hỗ trợ khác" này có thể từ 50% đến 100% mức bồi thường, hỗ trợ tương tự như trường hợp đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, mức hỗ trợ hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm và hỗ trợ khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai năm 2013, Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 21 Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 03/12/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Bồi thường '03 mét vuông đất' không bằng giá '01 bát phở' Trước đó 04 năm, vào năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải (Thành phố Hải Phòng) thu hồi đất để thực hiện: “Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng” (“Dự án Deep C III”). Tại các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho Dự án Deep C III, hàng trăm hộ nông dân nuôi trồng thủy sản chỉ được bồi thường mức 9.600 đồng/m2. Nghĩa là, mỗi hecta đầm nuôi trồng thủy sản bị thu hồi - là tư liệu sản xuất giúp một hộ gia đình có việc làm ổn định và cuộc sống sung túc trong hàng chục năm qua - chỉ được ‘bồi thường’ 96 triệu đồng [?!]. Các hộ gia đình bị thu hồi đất cho rằng: đơn giá đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản được Nhà nước áp dụng để bồi thường khi thu hồi đất là 48.000 đồng/m2, tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được tính bằng 05 (năm) lần giá đất. Nếu tính đúng đủ, tổng cộng người bị thu hồi đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ cho đất nuôi trồng thủy sản bị Nhà nước thu hồi: 288.000 đồng/m2. Như vậy, đơn giá mà Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải áp dụng chi trả bồi thường: 9.600 đồng/m2 – chỉ bằng 3,3% so với mức 288.000 đồng/m2 – quá ‘bèo bọt’, giá ‘03 mét vuông đất’ không bằng ’01 bát phở’. Người khiếu nại (người bị thu hồi đất) do đó đã khiếu nại: (1) Quyết định thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án DEEP C III HP) của Ủy ban nhân dân xác định sai người sử dụng đất; (2) Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải không ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày với Quyết định thu hồi đất; (3) Người bị thu hồi đất đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khi bị thu hồi đất thì đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Những căn cứ pháp lý chính mà người bị thu hồi đất nuôi trồng thủy sản với sự trợ giúp của các Luật sư Công ty Luật TNHH Everest nêu ra: Một là, đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai năm 2013, thì thấy rằng: tuy không được Nhà nước (Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải) giao đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản - vào thời điểm sau năm 1993, nhưng căn cứ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất người bị thu hồi đất đã: (i) trực tiếp sản xuất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản, (ii) sử dụng đất trước ngày 01/07/2004. Người khởi kiện được xác định là “người sử dụng đất” và đất bị thu hồi đạt đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 75 dẫn chiếu tới Khoản 2 Điều 77 Luật đất đai năm 2013 – được bồi thường về đất. Hai là, ngoài bồi thường về đất, người bị thu hồi đất (các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản) đủ điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm và hỗ trợ khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai năm 2013. |
Luật sư Trần Ngọc Thắng - Công ty Luật TNHH Everest hỗ trợ pháp lý cho người bị thu hồi đất tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Người bị khiếu nại thấy rằng, kết luận tại Quyết định giải quyết khiếu nại về "hỗ trợ khác" là một trong các giải pháp có căn cứ pháp luật, có thể 'hài hòa' được lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định giải quyết khiếu nại số 2494/QĐ-UBND, trong các buổi làm việc tiếp theo, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đưa ra mức hỗ trợ, theo người bị thu hồi đất là chưa đảm bảo quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, quan trọng là căn cứ áp dụng không đúng.
Sau khi nghiên cứu toàn văn Quyết định giải quyết khiếu nại số 2494/QĐ-UBND trong phạm vi ủy quyền, đại diện cho người khiếu nại, Công ty Luật TNHH Everest đã gửi kiến nghị tới các Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, các cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Thành phố, nội dung:
Một là, nội dung Quyết định số 2494/QĐ-UBND thể hiện: các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đã xác minh, làm rõ nhiều vấn đề người khiếu nại (người bị thu hồi đất) nêu ra.
Tuy nhiên, kết luận tại Quyết định số 2494/QĐ-UBND chưa được người khiếu nại đồng thuận. Đặc biệt, Quyết định số 2494/QĐ-UBND khi viện dẫn Điều 2 của Nghị định số 64/CP của Chính phủ ngày 27/09/1993: “… Đối với những loại đất nông nghiệp không thể giao cho từng hộ gia đình và cá nhân thì cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp…” (Đoạn 2 Điều 2), từ đó kết luận nội dung khiếu nại: Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đã không thực hiện giao đất nuôi trồng thủy sản (đất nông nghiệp) cho các hộ gia đình cá nhân theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Nghị định số 64/CP của Chính phủ ngày 27/09/1993 và Quyết định số 03/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ngày 04/01/1994 - người bị thu hồi đất cho rằng không đúng. Bởi Nghị định số 64/CP của Chính phủ ngày 27/09/1993 đã quy định rõ: “Toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng thì giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã theo Quy định này” (Đoạn 1 Điều 1). Thực tế, các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản tại huyện Cát Hải đã tự phân định ranh giới đầm hồ bằng cách vây lưới từ trước năm 1993, sau đó là be bờ, đắp đập, đào đầm… Những hộ gia đình, cá nhân thực hiện be bờ, đắp đập… muộn nhất vào đã hoàn thành khoảng năm 1995.
Hai là, người bị thu hồi đất khiếu kiện quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại huyện Cát Hải ủng hộ chủ trương, chính sách công nghiệp hóa - hiện đại hóa’, thu hút đầu tư, tiếp nhận kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong nước và nước ngoài của Thành phố Hải Phòng. Thực tế minh chứng, trong nhiều năm qua kinh tế xã hội thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Cát Hải nói riêng đang phát triển nhanh, bền vững. Người dân đang được thụ hưởng thành quả tích cực đến quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng, hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, đồng bộ.
Người bị thu hồi đất hiểu rằng, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ cho người bị thu hồi đất ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện Dự án nói riêng, kế hoạch của thành phố Hải Phòng nói chung.
Thế nhưng, người bị thu hồi đất cũng hiểu rất rõ, những tác động tiêu cực mà họ phải gánh chịu khi Thành phố Hải Phòng triển khai Dự án. Bị thu hồi đất nuôi trồng thủy sản, nghĩa là những tư liệu sản xuất đã gắn kết với người bị thu hồi đất trong suốt 30 năm qua không còn. Nhiều lao động đã cao tuổi (như ông Nguyễn Đức Khoát - 51 tuổi, ông Nguyễn Nguyễn Đức Nhuần - 60 tuổi, bà Ninh Thị Khanh - 50 tuổi…) kể cả trong trường hợp được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm không còn khả năng chuyển đổi nghề hoặc tạo việc làm mới. Do đó, người bị thu hồi đất yêu cầu một phương án bồi thường, hỗ trợ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Doanh nghiệp và Người bị thu hồi đất.
Ba là, dù không đồng thuận với kết luận trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 2494/QĐ-UBND, nhưng người bị thu hồi đất thấy rằng áp dụng “hỗ trợ khác” theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính Phủ mà Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã kết luận tại Quyết định giải quyết khiếu nại là giải pháp có căn cứ pháp luật, hài hòa được lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người bị thu hồi đất.
Được biết, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải ngày 10/09/2019 đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề xuất phương án hỗ trợ khác: [Mức hỗ trợ khác] = [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] x [Giá đất NTTS] x 100% x [5 lần] (*). Trong đó:
- [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] = [Hạn mức giao đất theo nhân khẩu tại địa phương] x [số nhân khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp] - [diện tích đất nông nghiệp đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề (nếu có)].
- Hạn mức giao đất theo nhân khẩu tại: Thị trấn Cát Hải là 799,86 m2/nhân khẩu, xã Đồng Bài là 887 m2/nhân khẩu, xã Văn Phong là 940 m2/nhân khẩu.
Người bị thu hồi đất và Công ty Luật TNHH Everest đối chiếu quy định pháp luật đất đai thì thấy rằng: pháp luật đất đai không có quy định về việc áp dụng hạn mức giao đất theo nhân khẩu tại địa phương. Đồng thời, Luật đất đai năm 2013 quy định về hạn mức đất nông nghiệp (tối đa): “Hạn mức giao đất nông nghiệp: 1- Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: … b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác” (Điều 129). Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: “... Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương” (Điểm a Khoản 1 Điều 20).
Do đó, người bị thu hồi đất cho rằng, phương án hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật đất đai: [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] = [Diện tích đất NTTS thực tế đã thu hồi, nhưng không quá 02 hecta].
Trên cơ sở các quy định của pháp luật đất đai, hài hòa lợi ích Nhà nước, Doanh nghiệp và Người bị thu hồi đất, chúng tôi kiến nghị phương án hỗ trợ:
[Mức hỗ trợ khác] = [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] x [Giá đất NTTS] x 100% x [4 lần]; và: [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] = [Diện tích đất NTTS thực tế đã thu hồi, nhưng không quá 02 hecta] (Mức tối đa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP là 05 lần).
Thành phố Hải Phòng, sẽ tiếp tục thu hồi đất để triển khai thực hiện các Dự án phát triển kinh tế, xã hội khác. Hy vọng, những kiến nghị của người bị thu hồi đất (nêu trên) là phương án tham khảo để Thành phố Hải Phòng giải quyết những tồn tại trong quá trình quản lý đất đai tại huyện Cát Hải, đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của Nhà nước, chủ đầu tư và người bị thu hồi đất, tránh tình trạng: khiếu kiện liên quan sẽ diễn biến phức tạp; người khiếu kiện tiếp tục khiếu nại, tố cáo dài ngày và càng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, suy giảm niềm tin vào chính quyền.
Do đó, Công ty Luật TNHH Everest kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền: xem xét kỹ lưỡng các căn cứ pháp lý mà chúng tôi đã nêu, để đưa ra phương án hỗ trợ hợp lý để đảm bảo quyền lợi của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.
Các Luật sư Phạm Ngọc Minh, Nguyễn Duy Hội và Nguyễn Thị Yến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân trong phiên Toà sơ thẩm. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm