Nội dung bài viết [Ẩn]
Vì chặt cây đào, cây bưởi người khác trồng trái phép trên đất của mình, ông Vũ Văn Cấp bị buộc tội "hủy hoại tài sản" (vụ án xảy ra ngày 21/03/2018 tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Vì sao "trắng" thành "đen", "đen" thành "trắng" phi lý như vậy (?). Quá trình bào chữa cho người bị buộc tội, các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã phát hiện điểm bất thường, có dấu hiệu rõ ràng của hành vi (tội phạm) làm sai lệch hồ sơ vụ án của người tiến hành tố tụng; khai báo gian dối, vu khống của người làm chứng, bị hại.
Căn cứ quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 73, Khoản 4 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự, ngày 09/9/2020, các luật sư Công ty Luật TNHH Everest đã có văn bản đề nghị Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xem xét, khởi tố hoặc đề nghị Viện kiểm sát nhân dân khởi tố vụ án liên quan tới hành vi: Làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 375 Bộ luật Hình sự) của: (1) Kiểm sát viên Nguyễn Văn Thành - Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam, (2) Điều tra viên Trần Văn Dũng - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam.
Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án: Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21/03/2018 (Bảng mô tả đặc điểm 32 cây sau khi bị chặt về chiều cao còn lại, đường kính từng cành còn lại cách đất 15 cm - Bút lục 47, 48), Bản ảnh hiện trường chụp ngày 21/03/2018 (từ Bút lục 50 đến Bút lục 60) cho thấy: 32 cây được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam xác định do bị cáo Vũ Văn Cấp chặt, đã bị “hủy hoại”, “bị thiệt hại 100%” đều đang còn sống, xanh tốt - có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.
Như vậy, Điều tra viên Trần Văn Dũng đã tự kết luận: cây đào, cây bưởi bị “hủy hoại”, “bị thiệt hại 100%” (dù chưa có kết luận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền). Từ đó, Điều tra viên này đưa ra những nhận định trái ngược hoàn toàn với thực tế khách quan - làm sai lệch bản chất của vụ án.
Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam - Lê Trần Đức căn cứ trên báo cáo của Điều tra Trần Văn Dũng đã ký Bản kết luận điều tra - buộc tội bị can, bị cáo Vũ Văn Cấp - tội danh hủy hoại tài sản.
Các Bút lục 49, 50 có chữ ký Kiểm sát viên Nguyễn Văn Thành, thể hiện: mặc dù kiểm sát việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường và các hoạt động kiểm sát khác. Người bị buộc tội Vũ Văn Cấp và các Luật sư bào chữa đã nhiều lần có ý kiến về sai lệch trong hồ sơ vụ án, nhưng không được Kiểm sát viên Nguyễn Văn Thành giải quyết đúng quy định.
Hành vi nêu trên của Điều tra viên, Kiểm sát viên không chỉ làm ảnh hưởng tới kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án (tội phạm quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự).
Hồ sơ vụ án thể hiện người bị buộc tội, người làm chứng xác nhận: đã nhìn thấy Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu cầm dao, đe dọa sẽ đánh, chém người bị buộc tội Vũ Văn Cấp tại khu vực xảy ra vụ án (từ 09h00 đến 09h30 cùng ngày 21/03/2019). Như vậy, thời điểm xảy ra vụ án, ngoài người bị buộc tội Vũ Văn Cấp, còn có Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu có dao. Vào cùng ngày 21/03/2018 (hồi 14h30), Điều tra viên Trần Văn Dũng đã có mặt làm việc thực hiện điều tra ban đầu. Tuy nhiên, sự kiện 'Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu cầm dao, đe dọa sẽ đánh, chém người bị buộc tội Vũ Văn Cấp' không có trong hồ sơ vụ án. Những tình tiết này không được Kiểm sát viên Nguyễn Văn Thành xác minh làm rõ khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát.
Hồ sơ vụ án và lời khai của người tham gia tố tụng thể hiện: Hiện trường vụ án không được bảo vệ đúng quy định trong khoảng thời gian dài: Tại thời điểm 08h30 có 06 cây bị chặt (có clip), tới thời điểm 11h00 xác định có 29 cây bị chặt, nhưng tới 14h30 xác định có 32 cây bị chặt (khoảng thời gian này, hiện trường do bị hại Vũ Xuân Mơ là người trực tiếp trông giữ). Ngoài ra, các chứng cứ hiện có trong hồ sơ vụ án và phù hợp thực tế khách quan: người bị buộc tội Vũ Văn Cấp chỉ chặt 06/32 cây. Người bị buộc tội Vũ Văn Cấp chỉ công nhận chặt khoảng 06 đến 08 cây trong khoảng thời gian khoảng 06 phút. Kết luận giám định chỉ xác định được: con dao của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp chỉ chặt 06 cây. Ngay sau khi chấm dứt việc chặt cây, người bị buộc tội Vũ Văn Cấp còn tiếp tục tranh cãi qua lại với bị hại Vũ Xuân Mơ, sau đó bị hại Vũ Xuân Mơ mới trình báo Công an xã - là căn cứ xác định: người bị buộc tội Vũ Văn Cấp không thể có đủ thời gian và điều kiện để chặt toàn bộ 32 cây.
Từ nội dung nêu trên, chúng tôi có lý do để nghi ngờ rằng: đã có những đối tượng hủy hoại cây đào, cây bưởi và cây bị “hủy hoại” bởi con dao khác không phải con dao của là vật chứng trong vụ án.
Việc không xác minh và đưa vào hồ sơ vụ án những tình tiết khách quan nêu trên là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, sai lệch bản chất vụ án, mà trách nhiệm chính thuộc về Điều tra Trần Văn Dũng, Kiểm sát viên Nguyễn Văn Thành.
Đối với thái độ côn đồ của Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu (người làm chứng, là con của bị hại Vũ Xuân Mơ, Trần Thị Toan) mà Công ty Luật TNHH Everest đã có văn bản báo tin và kiến nghị tới các cơ quan chức năng, cụ thể: Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu nhiều lần đăng tin trên mạng xã hội, công khai tại phiên tòa sơ thẩm dọa ‘giết’ các luật sư bào chữa là căn cứ để các luật sư cho rằng: hoàn toàn có khả năng Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu chính là các đối tượng đã dùng dao chặt số cây còn lại.
Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam, sau đó là Bản Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam số 96/2019/HS_ST ngày 29/11/2019, kết luận: “Năm 2009, gia đình: ông Vũ Xuân Mơ… và gia đình Vũ Văn Cấp…, gia đình bà Vũ Thị Duyệt… có thỏa thuận bằng lời nói với nhau về việc đổi đất nông nghiệp để thuận tiện cho việc canh tác... Sau khi đổi ruộng cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt, đến cuối năm 2009 gia đình ông Mơ đã đào ao, đổ đất lên phần diện tích đất của gia đình mình và đổ đất tạo thành vườn rồi trồng cây đào, cây bưởi lên phần diện tích đất đã đổi cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt… (Bút lục: 162-171; 184; 190; 256; 267-271)”.
Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện rõ: địa điểm xảy ra vụ án nằm trong ranh giới của thửa đất có diện tích khoảng 360 m2, mục đích sử dụng: đất trồng lúa - thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp, gồm 02 thửa đất liền kề nhau, có diện tích khoảng 240 m2 và có diện tích khoảng 120 m2, trong đó:
Ngày 20/02/2020, các luật sư cùng ông Vũ Văn Cấp kiểm tra hiện trường, vẫn thấy cây số 05, số 08 và số 14 vẫn còn sống
Người bị buộc tội Vũ Văn Cấp: sau khi thỏa thuận đổi ruộng (120 m2 đất nông nghiệp - thửa thứ nhất) vào năm 2012 thì vợ (là bà Tạ Thị Ca) phát hiện bị ung thư. Hai vợ chồng thường xuyên ở Hà Nội khám chữa bệnh, khi về nhà đã thấy bị hại Vũ Xuân Mơ đào ao, đổ đất lên cả hai thửa đất (120 m2 và 240 m2). Nghĩa là, bị hại Vũ Xuân Mơ đã lấn chiếm trái phép toàn bộ diện tích 240 m2 - hoàn toàn không có sự đồng ý của chủ sử dụng (người bị buộc tội Vũ Văn Cấp).
Biên bản hòa giải ngày 04/05/2018, tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn, về nội dung này, bị hại Vũ Xuân Mơ trình bày: “… năm 2009 tôi có đổi 120 m2 với ông Cấp, đồng thời cùng năm này tôi đổi với anh Còi (Vũ Văn Giản) con bà Duyệt diện tích 240 m2 …”. Có nghĩa rằng, chính bị hại Vũ Xuân Mơ thừa nhận: không có sự việc đổi 240 m2 ruộng với người bị buộc tội Vũ Văn Cấp. Nội dung này nhiều lần được bị hại Vũ Xuân Mơ xác nhận lại, như tại Biên bản hòa giải ngày 12/07/2018 tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn, tại các phiên tòa sơ thẩm các ngày 22, 28 và 29/11/2019.
Thực tế có sự việc, bị hại Vũ Xuân Mơ đổi ruộng cho bà Vũ Thị Duyệt (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là chị ruột của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp) hoặc anh Vũ Văn Giản (tức Còi, người làm chứng) hay không: Sau khi người bị buộc tội Vũ Văn Cấp đổi cho bị hại Vũ Xuân Mơ (thửa đất diện tích 120 m2 đất nông nghiệp trồng lúa), thì người bị buộc tội Vũ Văn Cấp cho bà Vũ Thị Duyệt mượn thửa đất này để canh tác. Hồ sơ vụ án hủy hoại tài sản và hồ sơ địa chính của xã Bảo Sơn cho thấy: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Vũ Thị Duyệt và người làm chứng Vũ Văn Giản (tức Còi) không có ruộng tại “xứ đồng khu lò gạch”. Nếu đã không có ruộng tại “xứ đồng khu lò gạch” thì những người này không thể có ruộng để đổi cho bị hại Vũ Xuân Mơ.
Như vậy, nội dung, “gia đình ông Vũ Xuân Mơ,… gia đình Vũ Văn Cấp, … gia đình bà Vũ Thị Duyệt, thỏa thuận bằng lời nói với nhau về việc đổi đất nông nghiệp để thuận tiện cho việc canh tác” - như tại Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam, Bản Cáo trạng số 93/CT-VKS ngày 08/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam số 96/2019/HS_ST ngày 29/11/2019, là sai lệch hoàn toàn bản chất vụ án.
Ngày 20/02/2020, tại Thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (nhà riêng của ông Nguyễn Đức Thuấn), có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Tụ, người bị buộc tội Vũ Văn Cấp, luật sư Phạm Ngọc Minh đã làm việc với ông Nguyễn Đức Thuấn (số điện thoại: 0973755257) - là kế toán thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam. Tại đây, ông Nguyễn Đức Thuấn đã tường thuật lại vụ việc: vào khoảng tháng 10/2019 - tháng 11/2019 (thời gian chính xác ông Nguyễn Đức Thuấn không nhớ rõ), Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam đã triệu tập ông Nguyễn Đức Thuấn đến làm việc tại trụ sở. Theo thông tin ông Nguyễn Đức Thuấn cung cấp, tại buổi làm việc với kiểm sát viên Nguyễn Văn Thành, ông Nguyễn Đức Thuấn đã cung cấp về quá trình sử dụng đất và hiện trạng thửa đất của gia đình ông Vũ Văn Cấp. Ông Nguyễn Đức Thuấn khẳng định nguồn gốc đất và diện tích đất canh tác gia đình ông Vũ Văn Cấp vẫn đóng thuế hàng năm. Bởi ông Nguyễn Đức Thuấn là người trực tiếp thu sản phẩm (thuế khoán) hàng năm từ gia đình ông Vũ Văn Cấp và các hộ dân canh tác tại thôn Yên Thiện. Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thuấn đã ký biên bản ghi nhận lại toàn bộ lời trình bày.
Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ vụ án mà chúng tôi ghi chép, sao chụp được tại Tòa án nhân dân huyện Lục Nam không có biên bản làm việc theo thông tin ông Nguyễn Đức Thuấn cung cấp. Nếu nghi vấn của chúng tôi là chính xác, hành vi nêu trên không chỉ làm ảnh hưởng tới kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng, gây oan sai, mà còn có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án (tội phạm quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự).
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tham gia bào chữa cho người bị buộc tội Vũ Văn Cấp tại phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi nhận thấy lời khai của một số nhân chứng “nhân bản” giống hệt nhau, làm sai lệch bản chất của vụ án, cụ thể:
Tại biên bản ghi lời khai (BL 212 và 214), người làm chứng Nguyễn Văn Thiệu khai nhận: “…tại thời điểm tôi nhìn thấy ông Cấp đang chặt phá Đào nhà ông Mơ thì tôi thấy ông Cấp đã chặt xong khoảng 6 cây Đào, đang chặt đến cây thứ 7...”
Tuy nhiên, tại buổi làm việc giữa người làm chứng Nguyễn Văn Thiệu và người bị buộc tội Vũ Văn Cấp ngày 25/05/2020, người làm chứng Nguyễn Văn Thiệu lại trình bày trái ngược với lời khai trước đó lại Cơ quan Cảnh sát điều tra: “Nói thật với ông (Vũ Văn Cấp), nếu cháu đi thăm đồng lúc 08 giờ thế là ông có cầm dao chặt nhưng là chỉ biết 01 cây thôi chứ không bao giờ bảo 07 - 08 cây… Nói thật với ông là không đếm được, chỉ nhìn thấy ông chặt thôi, bảo đi đếm từng cây một thì không bao giờ…”.
Các Luật sư đã thực nghiệm hiện trường: Thời điểm xảy ra vụ án, đường vành lao bao quanh khu đất diện tích 360 m2 cao khoảng từ 1,3 m đến 1,5 m. Đường vành lao chắn, quan sát của người đi đường còn gặp khó khăn bởi tán của cây đào và cây bưởi rất rộng. Vậy thì, nếu đứng tại đường liên thôn (thấp hơn khu đất khoảng 1,5 m) quan sát, thì có thể nhìn thấy người (từ ngực trở lên) không thể nhìn thấy cây bị chặt. Do đó, người làm chứng Nguyễn Văn Thiệu không thể đếm được số lượng cây bị chặt theo biên bản ghi lời khai. Chúng tôi có căn cứ để cho rằng, lời khai của người làm chứng Nguyễn Văn Thiệu là gian dối, bịa đặt và có người mớm cung.
Biên bản ghi lời khai ngày 19/09/2019 (BL 241), sau khi được Cơ quan điều tra hỏi về việc bị hại Vũ Xuân Mơ và người bị buộc tội Vũ Văn Cấp đổi đất cho nhau từ khi nào thì người làm chứng Đào Văn Lung trình bày: “Khoảng tháng 10 năm 2009, ông Vũ Xuân Mơ và ông Vũ Văn Cấp có đổi ruộng cho nhau 120 m2 ruộng tại khu đồng lò gạch, thôn Yên Thiện…Tôi nắm được sự việc trên là do ông Mơ báo cáo tôi xin phép cải tạo ao đổ đất lên phần đất ruộng, đã đổi cho ông Cấp, và 240 m2 ruộng đã đổi cho bà Duyệt,... Nhưng sau đó ông Mơ vẫn đổ đất lên phần ruộng trên và báo cáo với tôi là gửi nhờ đất ở đó sau đó sẽ chuyển đi. Đến năm 2010 thì ông Mơ tiến hành trồng cây đào, cây bưởi lên phần đất ruộng đã bồi đất ao lên”.
Biên bản ghi lời khai ngày 19/09/2019 (BL 243), người làm chứng Nguyễn Đăng Hiệu cũng trình bày “y hệt” về việc bị hại Vũ Xuân Mơ đổi đất ruộng cho người bị buộc tội Vũ Văn Cấp: “… từ khoảng năm 2009 khi đo tôi chưa làm trưởng thôn Yên Thiện, ông Lung làm trưởng thôn Yên Thiện, nhưng tôi ở cùng thôn nên cũng nắm rõ được sự việc, hai bên chỉ đổi với nhau bằng miệng không qua chính quyền địa phương, không rõ thời gian thế nào, hai bên trao đổi 120 m2 ruộng”.
Trong khi đó: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Vũ Thị Duyệt đã khẳng định (tại biên bản ghi lời khai hồi 10 giờ 05 phút ngày 08/10/2019): “Tôi không đổi mảnh đất ruộng nào cho hộ gia đình ông Vũ Xuân Mơ cả. Tôi được biết, trước đây tôi có sử dụng mảnh ruộng diện tích 240 m2 của Vũ Văn Cấp sinh năm 1964, là em trai tôi từ năm 2011 đến năm 2012, mảnh ruộng trên ở đồng lò gạch, cạnh nhà ông Mơ và một mảnh ruộng 120 m2 của ông Cấp. Cuối năm 2012 tôi đã trả lại. Sau đó tôi thấy ông Mơ sử dụng mảnh đất ruộng 240 m2 và mảnh đất ruộng 120 m2 của ông Cấp trên…”.
Lời khai của những người làm chứng: Vũ Thị Nghiệp (con gái của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp), Vũ Văn Hải (con trai của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp), Vũ Văn Công (con trai của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp), Tạ Thị Lan (con dâu của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp), Đạt Thị Khuê (vợ của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp), thể hiện nội dung thống nhất với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Vũ Thị Duyệt.
Như vậy, lời khai của người làm chứng: Đào Văn Lung, Nguyễn Đăng Hiệu… trái ngược hoàn toàn với lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tạ Thị Lan, Vũ Văn Hải, Vũ Thị Duyệt, Vũ Xuân Bao. Xét về mức độ tin cậy thì rõ ràng, lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tạ Thị Lan, Vũ Văn Hải, Vũ Thị Duyệt, Vũ Xuân Bao logic, phù hợp với thực tế khách quan.
Tại phiên tòa sơ thẩm (ngày 22, 28 và 29/11/2019) và phiên tòa phúc thẩm (ngày 15/06/2020), bị hại Vũ Xuân Mơ đã khai báo gian dối: đổi đất (thửa đất 240 m2) năm 2009 cho anh Còi (tức người làm chứng Vũ Văn Giản, con trai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Vũ Thị Duyệt). Trong khi người làm chứng Vũ Văn Giản, không có đất nông nghiệp, người làm chứng Vũ Văn Giản cũng không sinh sống bằng nghề nông và đã nhiều năm làm việc ở nước ngoài. Thửa đất 99 m2 là thuộc quyền sử dụng đất của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất 240 m2 liền kề đã được xã Bảo Sơn và thôn Yên Thiện giao cho người bị buộc tội Vũ Văn Cấp sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ năm 1992, chính quyền xã Bảo Sơn và mọi người tại thôn Yên Thiện đều biết rõ.
Người bị buộc tội Vũ Văn Cấp trình bày: nhớ chính xác thời gian đổi đất cho gia đình bị hại Vũ Xuân Mơ bởi sau hơn 01 (một) năm đổi đất. Vào ngày 25/07/2013, bà Tạ Thị Ca (vợ của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp ) mất do ung thư. Thời điểm đó, mưa lớn kéo dài. Vì thế phải 03 ngày sau gia đình mới thực hiện được việc an táng. Khi đưa tang, đoạn đường liên thôn giáp thửa đất diện tích 360 m2, do đất mới đổ lên bị xô, tràn ra đường, mọi người di chuyển rất khó khăn,có người bị ngã. Sự việc này rất nhiều người nhớ rõ. Chúng tôi thấy rằng, với một sự việc như thế này, người bị buộc tội Vũ Văn Cấp và những người làm chứng không thể nhớ nhầm.
Như vậy, việc bị hại Vũ Xuân Mơ khai: đổi đất ruộng 120 m2 cho người bị buộc tội Vũ Văn Cấp và mảnh đất ruộng 240 m2 cho bà Vũ Thị Duyệt (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) vào năm 2009 là hoàn toàn sai sự thật. Hành vi khai báo gian dối của bị hại Vũ Xuân Mơ làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, dẫn đến việc Hội đồng xét xử (cấp sơ thẩm) đã kết án oan đối với người bị buộc tội Vũ Văn Cấp.
Sơ đồ thửa đất và 15 cây đào, 17 cây bưởi do Cơ quan Cảnh sát sát điều tra lập tháng 03/2018 (trái), Luật sư Công ty Luật TNHH Everest đo đạc tháng 02/2010 (phải).
Kết luận giám định số 481/KL-PC54 ngày 05/04/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang: “… dấu vết chặt chém trên các cành cây ký hiệu A1, A6, A20, A23, A27 hình thành do con dao (ký hiệu A0 - của người bị buộc tội Vũ Văn Cấp) tác động nên là phù hợp. Không đủ điều kiện để xác định dấu vết chặt, chém trên các cành cây còn lại có phải do con dao (ký hiệu A0) tác động tạo nên không”. Như vậy, hoàn toàn không có căn cứ để chứng minh: người bị buộc tội Vũ Văn Cấp là người đã chặt 32 cây đào, bưởi.
Tuy nhiên, bị hại Vũ Xuân Mơ, Trần Thị Toan, người làm chứng Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu vẫn nhiều lần tố cáo, khẳng định người bị buộc tội Vũ Văn Cấp là thủ phạm. Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của người bị buộc Vũ Văn Cấp. Chúng tôi cho rằng, đây là hành vi nhằm vu khống người bị buộc tội Vũ Văn Cấp phạm tội.
http://phaptri.vn/vu-an-huy-hoai-cay-tren-dat-cua-minh-tai-luc-nam-bac-giang-chi-huou-noi-ngua-con-gi-la-cong-ly/
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm