Quy định về thuế đất, thuế sử dụng đất

view 378
comment-forum-solid 0

Thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất của Nhà nước. Có nhiều loại thuế khác nhau, trong đó thuế đất và thuế sử dụng đất là một trong những khoản thu được nhiều người quan tâm. Vậy pháp luật hiện hành quy định về thuế đất, thuế sử dụng đất như thế nào?

Quy định về thuế đất, thuế sử dụng đất                   Luật sư tập sự Nguyễn Thị Mai - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn (24/7): 1900.6198

Thuế đất là gì? Thuế sử dụng đất là gì?

Thuế là khoản trích nộp bằng tiền, mang tính bắt buộc, tính quyền lực nhà nước, tính không đổi giá và hoàn trả trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân nộp cho Nhà nước khi đủ những điều kiện nhất định. Việc nộp thuế góp phần to lớn vào việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Theo đó, có thể hiểu, thuế đất là một khoản tiền cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức phải nộp khi có đất. Thuế sử dụng đất là khoản tiền mà người sử dụng đất nông nghiệp hay sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm theo thời hạn nộp thuế sử dụng đất do cơ quan thuế ấn định.

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, đặc biệt với một nước đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã xác định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Người dân có thể có được quyền sử dụng đất dưới nhiều hình thức như được nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận tặng cho, nhận thừa kế,...

Xem thêm nội dung: Tặng cho quyền sử dụng đất

Về bản chất, tiền thuế đất hay thuế sử dụng đất là khoản tiền điều tiết lợi ích từ việc sử dụng đất của người sử dụng đất.

Theo quy định hiện hành thì thuế sử dụng đất hiện nay được chia làm hai loại là thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Thuế đất nông nghiệp là gì?

Thuế sử dụng đất nông nghiệp là thuế thu đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp hoặc được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Mức thuế sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước quy định có sự khác nhau giữa đất trồng các loại cây khác nhau như: đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần,...

Thuế sử dụng đất nông nghiệp được cơ quan thuế thu mỗi năm từ một đến hai lần theo vụ thu hoạch chính của từng loại cây trồng ở từng địa phương.

Đối tượng thu thuế đất nông nghiệp

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 74 - NĐ-CP, tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm:

(i) Cá nhân, hộ tư nhân, các hộ gia đình nông dân.

(ii) Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất được dành cho nhu cầu công ích của xã (5%).

(iii) Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bao gồm cả nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội,...

Đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp

Bên cạnh việc quy định cụ thể về các chủ thể phải nộp thuế đất nông nghiệp, pháp luật hiện hành dựa trên nhu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất còn có quy định về việc miễn thuế đất nông nghiệp với một số đối tượng.

Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 55/2010/QH12Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 28/2016/QH14. Theo đó, các đối tượng được pháp luật ghi nhận bao gồm 3 trường hợp:

Thứ nhất, với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ việc thử nghiệm, nghiên cứu; diện tích đất được sử dụng trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất được sử dụng đất làm muối - theo Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 55/2010/QH12

Thứ hai, với các đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 28/2016/QH14:

(i) Cá nhân, hộ gia đình được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp) hoặc được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, .

(ii) Cá nhân, hộ gia đình là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định theo quy định của pháp luật.

(iii) Cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình vào việc thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

Thứ ba, nhà nước còn có chính sách ưu đãi đối với người sử dụng đất thuộc diện hộ nghèo. Theo đó, hộ nghèo được giao hoặc công nhận đất nông nghiệp - Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 55/2010/QH12.

Quy định về thuế đất, thuế sử dụng đất            Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật trên, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thuế đất phi nông nghiệp là gì?

Đất phi nông nghiệp là những loại đất được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013. Bao gồm một số loại đất như: đất thổ cư, đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất xây dựng công trình sự nghiệp,....

Thuế đất phi nông nghiệp là khoản tiền mà các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải nộp vào ngân sách nhà nước khi sử dụng các loại đất phi nông nghiệp được quy định tại điều luật trên.

Các loại đất thuộc đối tượng phải chịu thuế đất phi nông nghiệp được quy định tại Luật đất đai năm 2013. Theo đó, khi có đất thuộc đối tượng chịu thuế đất phi nông nghiệp, chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối tượng thu thuế đất phi nông nghiệp

Đối tượng chịu thuế đất phi nông nghiệp hiện nay được quy định tại Điều 2 Luật thuế phi nông nghiệp 2010. Cụ thể, các đối tượng phải chịu thuế trên bao gồm:

(i) Đất thổ cư (bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị).

(ii) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo quy định tại Khoản 2 điều luật trên.

(iii) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm đến: Thuế đất thổ cư

Đối tượng được miễn thu thuế đất phi nông nghiệp

Các đối tượng không thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 3 Luật thuế phi nông nghiệp năm 2010.

Theo đó, đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh được quy định không thu thuế bao gồm:

(i) Đất sử dụng vào mục đích công cộng như đất giao thông, đất xây dựng công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo,... và một số loại khác theo quy định tại Khoản 1 điều luật trên.

(ii) Đất do chủ thể là cơ sở tôn giáo sử dụng;

(iii) Đất sử dụng làm nghĩa trang, nghĩa địa;

(iv) Đất sông, suối,... và mặt nước chuyên dùng;

(v) Đất có công trình tìn ngưỡng là đình, đền, nhà thờ họ, miếu,...

(vi) Đất dùng để xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp hoặc đất dùng vào mục đích an ninh, quốc phòng;

(vii) Đất phi nông nghiệp khác theo quy định pháp luật.

Cách tính và mức nộp thuế đất phi nông nghiệp

Tính thuế đất không chỉ góp phần hiệu quả trong việc quản lý thuế của nhà nước mà còn khuyến khích, thúc đẩy các chủ thể sử dụng đất một cách hiệu quả. Vậy căn cứ vào đâu để tính thuế của loại đất phi nông nghiệp?

Theo quy định tại Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010, có ba căn cứ để nhà nước xác định việc tính thuế đất phi nông nghiệp, bao gồm:

(i) Đối tượng phải chịu thuế  - Điều 2 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010

(ii) Giá tính thuế - Điều 6 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 

(iii) Thuế suất - Điều 7 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo đó, khi đã xác định được đối tượng chịu thuế như đất thổ cư, đất  sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp,... việc tính thuế tiếp theo được tính dựa trên giá tính thuế và thuế suất.

Căn cứ theo quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010, cách tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được xác định như sau:

Mức thuế phải nộp = Diện tích đất chịu tính thuế x Giá của 1m2 đất x Thuế suất%.

Trong đó:

Giá tính thuế đất được xác định bằng diện tích đất chịu thuế nhân với giá của 1m2 đất.

Mức thuế suất áp dụng đối với đất ở và đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh theo quy định về biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể:

(i) Với diện tích đất tính thuế trong hạn mức (bậc thuế 1), mức thuế suất được áp dụng là 0.01%;

(ii) Với diện tích đất tính thuế là phần diện tích chưa vượt quá ba lần hạn mức (bậc thuế 2), mức thuế suất được áp dụng là 0.07%;

(iii) Với diện tích đất tính thuế là phần diện tích vượt quá ba lần hạn mức (bậc thuế 3), mức thuế suất được áp dụng là 0.15%.

Tìm hiểu thêm về: Cách tính thuế đất ở hàng năm theo quy định

Thời hạn nộp thuế đất

Thời hạn nộp thuế đất là khoảng thời gian xác định mà người sử dụng đất tính thuế phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời hạn nộp thuế trên được quy định cụ thể tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.

Thời hạn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định trên. Cụ thể

(i) Thời hạn nộp thuế lần đầu: người nộp thuế nộp tiền chậm nhất là ba mươi ngày tính từ ngày ban hành thông báo nộp thuế. Từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế nộp tiền một lần trong năm chậm nhất là ngày 31/10 năm đó.

(ii) Thời hạn nộp tiền thuế sử dụng đất chênh lệch chậm nhất là ngày 31/03 tiếp theo năm tính thuế.

(iii) Thời hạn nộp thuế với hồ sơ khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày tính từ ngày ban hành thông báo.

Thời hạn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thời hạn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Theo đó:

(i) Thời hạn nộp thuế lần đầu với người nộp thuế chậm nhất là ba mươi ngày tính từ ngày cơ quan nhà nước ban hành thông báo nộp thuế.

Từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế được chọn nộp thuế dưới hình thức nộp một lần hoặc hai lần trong năm.

Với trường hợp nộp thuế một lần trong năm thì thời hạn nộp thuế là ngày 31/05.

Còn với trường hợp nộp thuế hai lần trong năm thì thời hạn nộp thuế cho từng kỳ được xác định như sau: với kỳ thứ nhất thì thời hạn nộp 50% chậm nhất là ngày 31.5, đến kỳ thứ hai người nộp thuế nộp đủ phần còn lại trong thời hạn chậm nhất là ngày 31.10.

(ii) Với việc nộp thuế với hồ sơ khai điều chỉnh thì thời hạn chậm nhất là ba mươi ngày tính từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo nộp thuế.

(iii) Với các địa phương có mùa vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp không trùng với thời hạn nộp thuế theo quy định trên thì được phép lùi thời hạn nộp thuế.

Cơ quan thuế được phép lùi thời hạn cho người nộp khi đáp ứng điều kiện trên, tuy nhiên việc lùi không được quá 60 ngày so với thời hạn đã được quy định tại khoản này.

Quy định về thuế đất, thuế sử dụng đất       Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực được nêu trên, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Một số câu hỏi về thuế đất

Có phải đóng thuế đất rừng sản xuất không?

Theo quy định tại Điều 1 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, Điều 2 luật trên cũng quy định các loại đất dùng vào việc sản xuất phải chịu thuế đất sử dụng đất nông nghiệp. bao gồm:

(i) Đất trồng trọt,

(ii) Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản

(iii) Đất rừng trồng.

Bên cạnh đó, chỉ một số loại đất quy định tại Điều 4 mới không thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm: đất có rừng tự nhiên; đất đồng cỏ tự nhiên; đất dùng để ở; đất chuyên dùng.

Có phải đóng thuế đất vườn không?

Luật đất đai hiện hành chưa có quy định cụ thể đất vườn là đất như thế nào, nhưng theo quy định tại Quyết định số 507/1999/QĐ-TCĐC ngày 12/10/1999 của Tổng cục Địa chính, đất vườn là diện tích đất gắn liền với đất ở, thuộc khuôn viên của hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa các cây lâu năm mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại.

Hiện nay đất vườn chưa được xác định là đất phi nông nghiệp hay đất nông nghiệp theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, tùy vào mục đích sử dụng đất vườn là có sản xuất nông nghiệp hay không mà việc đóng thuế sẽ theo đó sẽ có quy định khác nhau.

Thuế đất ở nông thôn có rẻ hơn thành phố không?

Đất ở là môt trong những loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp được quy định Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, việc tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tiếp theo được tính dựa trên giá tính thuế và thuế suất.

Căn cứ theo quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, cách tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được xác định như sau:

Mức thuế phải nộp = Diện tích đất chịu tính thuế x Giá của 1m2 đất x Thuế suất%.

Trong đó, thuế suất không có sự chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Diện tích đất chịu tính thuế tùy thuộc vào hạn mức giao đất, cho thuê đất của từng địa phương. Còn giá của 1m2 đất sẽ có sự khác nhau giữa nông thôn và thành phố.

Trên thực tế, giá của 1m2 đất ở thành phố thường cao hơn và thậm chí gấp nhiều lần so với giá 1m2 đất ở nông thôn. Vì vậy, mức thuế phải nộp ở nông thôn thường sẽ rẻ hơn mức thuế phải nộp ở thành phố.

Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo một số bài viết liên quan đến lĩnh vục trên tại Luật đất đai

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Mai

Luật sư Nguyễn Thị Mai

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-mai Luật sư Nguyễn Thị Mai là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân gia đình.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.09019 sec| 1117.633 kb