Vụ án dân kiện Cảnh sát giao thông (Cầu Giấy, Hà Nội): Vì sao gọi là "vụ án... ngã ba đường"?

Bởi Trần Thu Hoài - 12/07/2021
view 881
comment-forum-solid 0

Người tham gia giao thông đã khởi kiện Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông - Công an quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) - Vụ án hành chính hy hữu xảy ra năm 2010-2012, mức phạt không quá cao 800.000 đồng, nhưng vụ việc phải giải quyết tại nhiều cấp và kéo dài đến 02 năm.

'Luật bất thành văn' đang áp dụng khá phổ biến trong vụ, việc hành chính: 'Quan' phải thắng 'Dân'. Vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội: Liệu rằng Luật 'Quan' thắng 'Dân' có áp dụng trong vụ án này hay không, khi tình tiết vụ án và quy định của pháp luật áp dụng không phải quá nhiều và phức tạp. Câu trả lời rất rõ ràng khi phán quyết của Tòa án hai cấp xét xử đi ngược lại quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Đến mức, công luận hài hước đặt tên: 'Vụ án... Ngã ba đường', hay 'Vụ án... ngã tam'.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực, 'Vụ án... Ngã ba đường' đã góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông, cho thấy yêu cầu cấp thiết của xã hội: nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân của Cảnh sát giao thông nói riêng và của công chức Việt nam nói chung. 

'Vụ án... ngã ba đường' xét xử công khai, thu hút sự quan tâm của xã hội và để lại băn khoăn về 'Lẽ công bằng'. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện - Luật sư Phạm Ngọc Minh (trái) - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- Diễn biến của 'Vụ án... Ngã ba đường':

Chiều ngày 15/11/2010, ông Nguyễn Đức Đông (địa chỉ tại huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội) điều khiển xe ô tô từ tuyến phố Phan Văn Trường, qua điểm giao với đường Xuân Thủy. Trên đường đi, ông Nguyễn Đức Đông quan sát thấy không có biển báo cấm đỗ xe nên đã đỗ xe tại lòng đường khu vực trước cửa nhà số 61-63 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Khoảng 05 phút sau đó, ông Nguyễn Đức Đông bị Đại úy Nguyễn Hồng Sơn - Cán bộ Đội cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh Công an quận Cầu giấy lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ số 406010. Ông Đông bị tạm giữ giấy phép lái xe, với lỗi "đỗ xe ở lòng đường trái quy định".

Ngày 16/11/2010, căn cứ vào biên bản vi phạm nêu trên, Công an quận Cầu Giấy ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 284587 về trật tự an toàn giao thông đường bộ do Thượng tá Nguyễn Văn Tường ký. Ông Đông bị phạt hành chính 800.000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe trong 30 ngày.

Ông Đông cho rằng: Ông không đỗ xe trái quy định bởi tại nơi ông đỗ xe không có biển báo cấm đỗ. Không đồng ý với Quyết định xử phạt hành chính nêu trên, ông Đông đã yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết:

Ngày 16/12/2010, ông Đông đã gửi đơn khiếu nại lần đầu đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 284587 đến Công an quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, đơn khiếu nại của ông Đông không được giải quyết.

Ngày 16/02/2011, ông Đông đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên của Công an quận Cầu Giấy với yêu cầu khởi kiện: (1) Yêu cầu hủy Quyết định xử phạt hành chính số 284587 của Công an quận Cầu Giấy; (2) Yêu cầu trả lại 800.000 đồng tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại là 3.600.000 đồng.

Ngày 29/6/2011, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy mở phiên tòa xét xử vụ kiện trên. Theo nhận định của tòa, việc Công an quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đông là đúng. Tòa án nhân dân quận Cầu giấy bác yêu cầu khởi kiện của ông Đông. Không đồng tình với phán quyết trên, ông Đông tiếp tục gửi đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm.

Ngày 13/9/2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm vụ án nêu trên, giữ nguyên quyết định tại Bản án sơ thẩm.

Ông Nguyễn Đức Đông sau đó tiếp tục gửi đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Người khởi kiện đi từ Phan Văn Trường rẽ trái ra đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), quan sát thấy điểm giao không có biển cấm đỗ xe - Tới đoạn đường đối diện số 61-63 phố Xuân Thủy (dấu đỏ) thì đỗ xe.

- Những vấn đề pháp lý cơ bản trong 'Vụ án... Ngã ba đường':

Đại diện Công an quận Cầu giấy cho rằng: Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định số 2053 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định 56 tuyến phố văn minh cấm xe đạp, xem máy, ô tô trên hè phố, lòng đường quy định: phố Xuân Thủy nằm trong tuyến đường phố văn minh, biển báo đã được đặt tại đầu đường, xe ô tô không được đỗ trên lòng đường. Đại diện Công an quận Cầu Giấy cho rằng việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đông là chính xác. Việc ông Đông yêu cầu Công an quận Cầu Giấy phải hủy quyết định vi phạm này, đồng thời trả lại tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại là sai và không có căn cứ.

Đồng thời, đại diện Công an quận Cầu Giấy khẳng định điểm giao giữa phố Phan Văn Trường với phố Xuân Thủy không phải là… ngã ba (?!)

Trích phần hỏi tại phiên tòa: “Vậy chiều đường ông Nguyễn Đức Đông đi có ngã ba nào không?”. Đại diện Công an quận Cầu Giấy lắc đầu. “Vậy chỗ giao giữa đường Phan Văn Trường, rẽ vào Xuân Thủy gọi là gì?”. “Tôi cho rằng đó không phải ngã ba, còn gọi là gì tôi cũng không biết, nhưng nếu là ngã ba thì Sở Giao thông vận tải phải cắm biển” (Báo Dân trí, ngày 13/9/2011) - Câu trả lời khiến cả Phòng xét xử bật cười.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện (ông Nguyễn Đức Đông) Luật sư Phạm Ngọc Minh Công ty Luật TNHH Everest cho rằng, vấn đề pháp lý quan trọng trong vụ án này là: Một là, điểm giao tại đường Xuân Thủy và phố Phan Văn Trường có phải là 'ngã ba' hay không? Hai là, nếu toàn tuyến đường (phố Xuân Thủy) cấm đỗ xe thì Luật có quy định bắt buộc phải cắm biển nhắc lại. Cụ thể:

  • Về khái niệm 'ngã ba':

Luật sư Phạm Ngọc Minh nhận định: đã đưa ra khái niệm ngã ba theo từ điển tiếng Việt: "Ngã ba là chỗ một con đường đi ra ba ngã hoặc chỗ ngoặt đi theo một hướng khác".  Hiểu đúng trong trường hợp này, nút giao giữa đường Xuân Thủy và phố Phan Văn Trường là 'ngã ba'. Đây là một khái niệm phổ thông mà bất cứ người Việt Nam bình thường nào cũng đều nhận thức rõ.

Tại thời điểm xét xử, pháp luật giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về khái niệm “ngã ba”. Nếu các bên không thống nhất được khái niệm (không được Luật giao thông đường bộ định nghĩa), thì Tòa án cần đề nghị cơ quan chuyên môn (Bộ giao thông vận tải) có văn bản hướng dẫn pháp luật để làm căn cứ xét xử và nhận định: nút giao giữa đường Xuân Thủy và phố Phan Văn Trường không phải ngã ba hay không. Tuy nhiên, Tòa án cả hai cấp xét xử bỏ qua thu thập chứng cứ này.

  • Về quy định về 'biển báo nhắc lại' tại 'ngã ba':

Biển báo và hiệu lực của biển báo được quy định tại khoản a Điều 31 Điều lệ Báo hiệu đường bộ số 22-TCN-237-01: “Biển báo cấm được đặt ở các ngã ba, ngã tư hoặc một vị trí nào đó trên đường cần cấm hoặc hạn chế thích hợp”. “Biển có hiệu lực bắt đầu từ chỗ đặt biển trở đi”. Và theo khoản e Điều 31 “Biển số …, 131 (a…,) có giá trị đến ngã ba, ngã tư tiếp giáp”.

Tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định về vị trí đặt biển báo cấm như sau: "Điều 27. Vị trí biển báo cấm theo chiều đi và hiệu lực tác dụng của biển: 27.1 Biển báo cấm được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm; Biển có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi. Nếu vì lý do nào đó, biển đặt cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển số 502 để chỉ rõ khoảng cách (ghi trên biển phụ) từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực.....27.6. Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài thì tại các nơi đường giao nhau trong đoạn cấm có xe đi vào đoạn đường ấy thì biển cấm phải được đặt nhắc lại..." .

Do vậy có thể hiểu, tại ngã ba, ngã tư phải có biển báo nhắc lại đối với biển báo cấm. Tại nút giao phố Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy, ông Nguyễn Đức Đông nhận thấy không có biển báo cấm do vậy đã đỗ xe lại. Như vậy, không có cơ sở để xử phạt ông Nguyễn Đức Đông.

Trả lời các cơ quan báo chí về vụ án này, Luật sư Phạm Ngọc Minh nêu quan điểm: Ngã ba đường, một khái niệm đơn giản, nhưng tại vụ việc này lại dường như rất khó hiểu... Vụ việc diễn ra, đã qua hai cấp xét xử, nhưng những băn khoăn, thắc mắc của người khởi kiện đề nghị làm rõ khái niệm 'ngã ba' và có cần hay không việc cắm biển tại điểm giao cắt đó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Phải chăng luật pháp đang quá khó hiểu với người dân?

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- 'Đông-ki-sốt' (Nguyễn Đức Đông) đấu với 'Cối xay gió' (Cảnh sát giao thông):

Ông Nguyễn Đức Đông (người khởi kiện) là công chức Nhà nước, nhưng cũng là thành viên của Diễn đàn Otofun - chuyên dành cho những người yêu ô tô, xe máy. Sau khi ông Nguyễn Đức Đông quyết định khởi kiện Công an quận Cầu Giấy, đã có hàng chục ngàn ý kiến của cộng đồng mạng động viên, góp ý, thậm chí không ít người còn kêu gọi đóng góp tài chính giúp đỡ ông trên đường “đi tìm công lý”.

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, phòng xử án cũng luôn chật ních các thành viên Diễn đàn Otofun. Chỉ hai ngày sau khi phiên xử phúc thẩm kết thúc, các bài viết về phiên tòa này trên diễn đàn Otofun đã có tới 5.000 ý kiến và hầu hết đều bày tỏ không đồng tình với phán quyết của Tòa án. Và cộng đồng mạng cũng đặt cho người khởi kiện cái tên mới là “Đông-ki-sốt” (trích nguồn: Báo Thanh Niên Online, ngày 19/9/2011).

Luật sư Phạm Ngọc Minh: Người khởi kiện và Luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý không vì lợi ích vật chất mà hướng tới nền hành chính và tư pháp minh bạch, thượng tôn pháp luật. Tình tiết của vụ án và quy định của pháp luật áp dụng không phải quá nhiều và phức tạp. Tuy nhiên, công luận bày tỏ rõ sự thất vọng: phán quyết của Tòa án hai cấp xét xử đi ngược lại quy định của pháp luật giao thông đường bộ, đến mức công luận hài hước đặt tên: 'Vụ án... Ngã ba đường', hay 'Vụ án... Ngã tam'. Được biết, vụ án thậm chí được nhiều cơ sở đào tạo ngành luật đưa thành ví dụ điển hình cho 'Luật bất thành văn' đang áp dụng khá phổ biến trong vụ, việc hành chính: 'Quan' phải thắng 'Dân'.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực, 'Vụ án... Ngã ba đường' đã góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông, đồng thời cho thấy yêu cầu cấp thiết của xã hội: cán bộ, công chức phải nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân. Được biết, sau khi vụ án kết thúc, ngành Cảnh sát giao thông đã có các cuộc họp nội bộ rút kinh nghiệm về thái độ ứng xử và cách thức xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ, đảm bảo chấp hành pháp luật nhưng cần chú ý tới ý nghĩa giáo dục ý thức pháp luật.

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.53048 sec| 1078.898 kb