Quá trình bào chữa cho cho người bị buộc tội (bị can, bị cáo Vũ Văn Cấp) trong vụ án: “Hủy hoại tài sản” ngày 21/03/2018 tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang", các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest thu thập và chứng minh người bị buộc tội không có tội; quá trình tố tụng có vi phạm nghiêm trọng, thể hiện sự không khách quan, vô tư của người tiến hành tố tụng; có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
http://phaptri.vn/vu-an-huy-hoai-cay-tren-dat-cua-minh-tai-luc-nam-bac-giang-chi-huou-noi-ngua-con-gi-la-cong-ly/
Ngày 18/05/2020, Công ty Luật TNHH Everest ra thông cáo, công bố thông tin, căn cứ pháp lý, kèm theo các chứng cứ quan trọng của vụ án "hủy hoại tài sản" tới các Cơ quan báo chí.
Sơ đồ thửa đất đã xảy ra vụ án: Bản do Cơ quan điều tra lập (trái), Bản do Luật sư Công ty Luật TNHH Everest lập (phải).
Dấu hiệu oan, sai thứ nhất: các cây ‘bị hủy hoại’ đều xảy ra trên 02 thửa đất liền kề (diện tích khoảng 240 m2 và khoảng 120 m2) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp, nhưng đã bị (bị hại) Vũ Xuân Mơ, Trần Thị Toan chiếm giữ trái phép.
Hồ sơ vụ án thể hiện rõ: địa điểm xảy ra vụ án nằm trong ranh giới của thửa đất có diện tích khoảng 360 m2, mục đích sử dụng: đất trồng lúa - thuộc quyền sử dụng hợp pháp của (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp, gồm 02 thửa đất liền kề nhau, có diện tích khoảng 120 m2 và có diện tích khoảng 240 m2, trong đó:
- Thửa đất thứ nhất (có diện tích khoảng 240 m2): (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp được Ủy ban nhân dân xã Bảo Sơn giao sử dụng (hợp pháp), có nộp thuế, phí (sản) liên tục từ năm 1992 cho tới nay. Thửa đất này, (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp không bán, không đổi, hoặc cho mượn, cho thuê. Bị hại là: Vũ Xuân Mơ (chồng) và Trần Thị Toan (vợ) đã lợi dụng thời điểm (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp không có nhà (vào năm 2012) để lấn chiếm, hủy hoại đất, sau đó trồng cây (cây đào, cây bưởi) lên.
- Thửa đất thứ hai (có diện tích khoảng 120 m2): thuộc quyền sử dụng hợp pháp của (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp - đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp đã thỏa thuận đổi cho bị hại “để thuận tiện cho việc canh tác”. Lời khai của (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp: hai bên đổi cho nhau trong khoảng thời gian 02 năm, từ năm 2012 đến hết năm 2013, hết thời hạn đổi (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp đã nhiều lần đòi lại đất, nhưng bị hại không trả. Bị hại khai: đã đổi lâu dài cho (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp, tuy nhiên các Bút lục số 172, 173 đã thể hiện bị hại đã hứa trả lại cho (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp nhưng không trả.
Hồ sơ vụ án không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện: (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp đồng ý cho bị hại được chuyển từ mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây khác. Kết luận của cơ quan tố tụng: "Sau khi đổi ruộng cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt… gia đình ông Mơ đã đào ao, đổ đất lên phần diện tích đất của gia đình mình và đổ đất tạo thành vườn rồi trồng cây đào, cây bưởi lên phần diện tích đất đã đổi cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt…" (Bút lục: 162-171; 184; 190; 256; 267-271) - không có sự đồng ý của (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp và là hành vi vi phạm pháp luật đất đai (chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật), thế nhưng các cơ quan này lại kết luận: “vườn của gia đình ông Mơ”.
Như vậy: kết luận tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm: “vườn của gia đình ông Mơ” (bị hại)” - đã sai lệch hoàn toàn với thực tế khác quan: toàn bộ diện tích đất trồng lúa (khoảng 360 m2) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bị cáo Vũ Văn Cấp, đã bị (bị hại) Vũ Xuân Mơ, Trần Thị Toan chiếm giữ, hủy hoại trái pháp luật. (Bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp cần xác định là bị hại.
Dấu hiệu oan, sai thứ hai: kết luận của cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sơ thẩm) 32 cây “bị hủy hoại”, nhưng thực tế các cây (cây bưởi, cây đào) chỉ bị chặt cành và đều “còn sống”.
Kết luận tại Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án hình sự sơ thẩm: “… bị chặt phá thiệt hại 100% là 32 cây…”, từ đó truy cứu trách nhiệm hình sự - hành vi hủy hoại tài sản - đối với bị can (bị cáo) Vũ Văn Cấp. Thế nhưng, các Bút lục (từ số 78 đến số 83) - ảnh chụp 32 cây (15 cây đào, 17 cây bưởi) - thể hiện: các cây còn sống và tươi tốt ít nhất cho đến ngày 08/05/2018 (thời điểm thực nghiệm hiện trường). Ngày 20/02/2020, các luật sư kiểm tra lại hiện trường nhận thấy: cây số 05, số 08 và số 14 còn sống.
Lưu ý, Bộ luật hình sự phân biệt 02 tội danh (quy định trong cùng Điều 178): “hủy hoại tài sản” và “cố ý làm hư hỏng tài sản” - hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, “hủy hoại tài sản” làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng, “hư hỏng tài sản” làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản. Với đặc tính của cây bưởi, cây đào, nếu chỉ bị chặt cành sẽ không thể chết và cũng không thể mất hoàn toàn giá trị sử dụng. Thực tế, 32 cây (15 cây đào, 17 cây bưởi) còn sống sau thời gian ít nhất là 02 tháng.
Như vậy: các chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án (nêu trên) thể hiện: các kết luận của cơ quan tố tụng đã trái ngược hoàn toàn với những tình tiết khách quan của vụ án.
Dấu hiệu oan, sai thứ ba: 26/32 cây (cây đào, cây bưởi) không phải do (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp chặt phá.
Kết luận giám định số 481/KL-PC54 ngày 05/04/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang: “… dấu vết chặt chém trên các cành cây ký hiệu A1, A6, A20, A23, A27 hình thành do con dao (ký hiệu A0 - của (bị can, bị cáo) Văn Cấp) tác động nên là phù hợp. Không đủ điều kiện để xác định dấu vết chặt, chém trên các cành cây còn lại có phải do con dao (ký hiệu A0) tác động tạo nên không”.
(Bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp - hoàn toàn không được biết về Kết luận giám định số 481/KL-PC54 từ khi xảy ra vụ án ngày 21/03/2018 đến khi kết thúc điều tra, khai: bị cáo chặt khoảng 06 đến 08 cây, gồm 04 cây đào, 04 cây bưởi (do không nhớ chính xác).
Hồ sơ vụ án thể hiện: hiện trường vụ án không được bảo vệ đúng quy định, thời điểm (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp chặt phá cây sau đó về nhà vào khoảng 08h30; khoảng 09h30 Công an xã Bảo Sơn và Trưởng thôn Yên Thiện có mặt; khoảng 11h00 Công an xã Bảo Sơn và Trưởng thôn Yên Thiện kiểm đếm, xác định có 29 cây bị chặt; khoảng 14h30 Công an huyện Lục Nam lập biên bản - xác định có 32 cây bị chặt.
Câu hỏi đặt ra: Ai là người có khả năng 26/32 cây còn lại; và: Ai là người đã chặt phá 26/32 cây còn lại.
Lời khai của người làm chứng là bà Vũ Thị Duyệt, ông Vũ Văn Bảo: sau khi (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp chặt cây rồi về nhà (từ khoảng 08h30), khi đó Vũ Văn Hoàng, Vũ Văn Hậu (con của bị hại Vũ Xuân Mơ, Trần Thị Toan) đã cầm theo dao, bị hại Trần Thị Toan đã cầm cuốc đuổi theo đòi đánh, chém (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp. Như vậy, ngoài (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp, ít nhất còn có 03 người khác có công cụ là dao, cuốc, đồng thời đây là những đối tượng có khả năng (thời gian và điều kiện) chặt 26/32 cây còn lại.
Như vậy: các cơ quan tố tụng đã “suy đoán” theo hướng “có tội”, kết luận (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp đã chặt phá (hủy hoại) 32 cây.
Các cây số: 05, số 08 và 14 còn sống, ảnh chụp ngày 20/02/2020, sau thời điểm xảy ra vụ án ngày 21/03/2018 hai năm
- Tài sản bị hủy hoại (15 cây đào, 17 cây bưởi) đã không được giám định về mức độ thiệt hại: bị mất hoàn toàn giá trị sử dụng (bị hủy hoại), hoặc giảm đáng kể giá trị sử dụng (bị hư hỏng).
- Quá trình định giá tài sản “bất thường”: Kết quả định giá lần thứ nhất vào ngày 30/03/2018 - giá trị tài sản ‘bị hủy hoại’ định giá là 2.227.700 đồng, nhưng kết quả định giá lần thứ hai vào ngày 10/06/2019 và lần thứ ba vào ngày 22/08/2019 cho kết quả khác biệt hoàn toàn giá trị định giá ban đầu, lần lượt là 17.885.000 đồng và 17.938.000 đồng. Hội đồng định giá đã xác định giá bằng phương pháp “xác định giá thị trường”. Thực tế, Hội đồng định giá đã: lấy mẫu và tham khảo giá tại thị trấn Đồi Ngô và thành phố Bắc Giang mà không phải địa điểm đã xảy ra vụ án - xã Bảo Sơn; và: thời điểm tháng 03 hàng năm tại xã Bảo Sơn hoàn toàn không có các giao dịch (hàng hóa) là loại cây bưởi, cây đào tương tự.
- (Bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp khẳng định: Biên bản ghi lời khai ngày 16/08/2018 gồm 04 (bốn) trang - đánh số Bút lục số 263 và 264 - chữ ký “Cấp” và dòng chữ viết “Vũ Văn Cấp” tại trang 01 và trang 04 không phải của (bị can, bị cáo) Vũ Văn Cấp, đồng thời đã chỉ đích danh điều tra viên Trần Văn Dũng và cán bộ điều tra Nguyễn Tuấn Vũ - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam - đã giả mạo chữ ký, chữ viết của mình. Hiện tại đơn tố giác đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết.
http://phaptri.vn/vu-an-huy-hoai-cay-tren-dat-cua-minh-tai-luc-nam-bac-giang-chu-ky-cua-bi-cao-vu-van-cap-bi-gia-mao/
Trên đây là thông cáo chính thức của Công ty Luật TNHH Everest tới các Cơ quan báo chí, kèm theo các căn cứ pháp lý và chứng cứ quan trọng của vụ án: “hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 21/03/2018 tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm