Vụ án xâm phạm mồ mả (Cao Bằng): Mê tín dị đoan, chiếm đất - sao được 'bảo kê'?

view 23236
comment-forum-solid 0

Các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest chỉ ra nhiều điểm 'bất thường' trong vụ án xâm phạm mồ mả tại Cao Bằng: hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân, chiếm đất, hủy hoại đất (biến ‘đất ở’ thành 'đất nghĩa địa’), mê tín dị đoan, không bị xử lý. Bị hại lâm vào lao lý chỉ vì thực thi quyền sở hữu và quyền phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định.

Luật sư Phạm Ngọc Minh và Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Chiếm đất của người khác để xây mồ mả cha ông (?)

Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân sử dụng ổn định, không có tranh chấp thửa đất có diện tích 800 mtại phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng từ trước những năm 1980.

Ngày 27/03/2000, bà Nguyễn Thị Xuân được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00625 QSDĐ/265 QĐ-NĐ-UB-T, thửa đất số 345, số tờ bản đồ 25, diện tích 800 m, trong đó: 40 m đất ở, 760 m là đất vườn.

Do đặc thù công việc, bà Nguyễn Thị Xuân đi làm xa, không thường xuyên có nhà. Năm 2012, bà Nguyễn Thị Xuân trở về thì thấy: trên vườn nhà mình có đến 04 công trình xây dựng bằng gạch, xi măng, cốt thép kiên cố khối trụ (vuông, tròn), gắn bia giống ‘ngôi mộ’, mặt cắt ngang khoảng 03 - 04 mét (ảnh), không biết rõ ai xây, xây lúc nào.

Sự việc đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt bình thường của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân, bởi không ai có thể chấp nhận ngay trong nhà mình tự nhiên mọc ra 04 ‘ngôi mộ’ to lù lù. Bà Nguyễn Thị Xuân đã có kế hoạch xây dựng lại nhà, bởi căn nhà cũ đã xuống cấp. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Xuân đã báo cáo sự việc với Ủy ban nhân dân phường Sông Hiến, đề nghị cơ quan này hỗ trợ di dời 04 ngôi mộ đi chỗ khác, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, đối với đề nghị của bà Nguyễn Thị Xuân, chính quyền không có động thái gì, cũng không trả lời bằng văn bản.

Khoảng năm 2018, bà Nguyễn Thị Xuân có phát hiện thấy người lạ (xưng là Đặng Văn Quân) đến thắp hương, cúng bái trên 04 ‘ngôi mộ’ này. Bà Nguyễn Thị Xuân nêu rõ quan điểm với ông Đặng Văn Quân: việc tự ý xây dựng 04 'ngôi mộ' trên đất nhà mình là trái phép, đề nghị di dời trả lại mặt bằng để bà Nguyễn Thị Xuân xây nhà. Ông Đặng Văn Quân có trình bày: thửa đất của bà Nguyễn Thị Xuân có mộ tổ của ông Đặng Văn Quân - theo theo lời của thày phong thủy. Ông Đặng Văn Quân bày tỏ mong muốn mua lại toàn bộ nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà Nguyễn Thị Xuân. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân cho rằng: từ trước đến nay chưa bao giờ nghe nói khu vực này có mộ, cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ở khu đất này có mộ. Về đề nghị mua lại nhà đất, bà Nguyễn Thị Xuân không đồng ý, vì đã sinh sống ổn định tại đây, không có nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Xuân đề nghị ông Đặng Văn Quân di chuyển 04 ‘ngôi mộ’ đi chỗ khác. Nhưng ông này không thực hiện.

Khoảng tháng 10/2018, hàng xóm của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân có nhu cầu lấy đất để san vườn. Do đó, bà Nguyễn Thị Xuân đã đồng ý để hàng xóm múc một phần đất vườn di chuyển đi nơi khác, riêng phần đất xung quanh 04 'ngôi mộ' được giữ lại. Tháng 4/2019, gia đình Đặng Văn Quân đã gửi đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng. Ủy ban nhân dân phường Sông Hiến yêu cầu hai bên tự hòa giải nhưng bà Nguyễn Thị Xuân và ông Đặng Văn Quân không tìm được điểm chung.

Khoảng tháng 04/2019, ông Đặng Văn Quân tiếp tục gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Xuân đến Công an thành phố Cao Bằng. Xác minh đơn tố cáo, Công an phường Sông Hiến và Công an thành phố Cao Bằng về tại địa chỉ nhà bà Nguyễn Thị Xuân để đo đạc, làm việc. Tại đây, bà Nguyễn Thị Xuân đã trình bày rõ về nguồn gốc 04 ‘ngôi mộ’ và nêu rõ nội dung sẽ di chuyển 04 ‘ngôi mộ’ để san gạt và xây lại nhà ở.

Sự việc đã được báo cáo tới chính quyền nhưng không giải quyết, người chiếm đất (ông Đặng Văn Quân) được yêu cầu hoàn trả lại đất đã lấn chiếm nhưng không thực hiện, buộc lòng bà Nguyễn Thị Xuân phải quyết định phá dỡ 04 công trình này.

Ngày 08/01/2020, bà Nguyễn Thị Xuân thuê máy xúc để san gạt và di dời 04 công trình. Cẩn thận hơn, bà chuẩn hương, nhang, lễ vật để cúng trước khi động thổ, còn chuẩn bị sẵn 04 chiếc tiểu, dự tính nếu có hài cốt thì sẽ đưa vào tiểu để trao trả cho người thân của họ. Bà Nguyễn Thị Xuân còn cẩn thận dùng điện thoại quay, chụp lại toàn bộ quá trình san ủi. Thế nhưng, sau gỡ bỏ khối tường của 04 ngôi mộ, đào sâu khoảng 03 mét xuống lòng đất bà Nguyễn Thị Xuân thấy: chỉ có đất đỏ và đá xít, hoàn toàn không có hài cốt hoặc tài, tiểu.

Đến khoảng 17h00 cùng ngày, Công an phường Sông Hiến đến thông báo đình chỉ việc thi công, bà Nguyễn Thị Xuân đã chấp hành.

Ngày 10/02/2020, bà Nguyễn Thị Xuân nhận được Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cao Bằng đối với bị can Nguyễn Thị Xuân: tội xâm phạm mồ mả - Khoản 1 Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015.

Clip và ảnh chụp cho thấy: chỉ có đất đỏ và đá xít, hoàn toàn không có hài cốt hoặc tài, tiểu - không có dấu hiệu của mồ, mả - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Nhiều ‘bất thường’ trong một vụ án xâm phạm mồ mả

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - được bà Nguyễn Thị Xuân đề nghị bào chữa cho rằng: có quá nhiều bất thường tới mức phi lý trong vụ án này, dường như có những thế lực bảo kê, biến ‘đen’ thành ‘trắng’, biến ‘không’ thành ‘có’.

Một là, về quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất của bà Nguyễn Thị Xuân.

Hồ sơ pháp lý trong vụ việc thể hiện rõ, bà Nguyễn Thị Xuân được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 800 m, trong đó có 40 m đất ở và 760 mlà đất vườn (một loại đất ở nông thôn) từ năm 2000. Như vậy, Nhà nước đã công nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà đất (tài sản) của bà Nguyễn Thị Xuân, bằng chứng thư pháp lý (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý” (Khoản 2 Điều 22).

Nguyên tắc hiến định này cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, cụ thể: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền sở hữu: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” (Điều 186). Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158), tội vi phạm các quy định sử dụng đất đai (hành vi chiếm đất) (Điều 228). Như vậy, hành vi người khác tự ý vào chiếm đất của bà Nguyễn Thị Xuân là trái pháp luật, cần xem xét xử lý (hành chính hoặc hình sự).

Hai là, quy định đất làm nghĩa trang, nghĩa địa trong pháp luật đất đai.

Luật Đất đai năm 2013 kế thừa các quy định của Luật Đất đai năm 2003 quy định rất cụ thể về đất làm nghĩa trang, nghĩa địa: “… Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” (Khoản 3 Điều 161). Với quy định này, bất cứ hành vi nào chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn (một loại đất ở nông thôn) thành đất nghĩa địa đều bị nghiêm cấm.

Nghiêm cấm việc lập... nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” (Khoản 3 Điều 161 Luật Đất đai năm 2013). Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Ba là, dấu hiệu mê tín, dị đoan rõ ràng.

Thông tin hiện có cho thấy: Thửa đất 800 mtrong vụ án này đã được của bà Nguyễn Thị Xuân sử dụng ổn định từ trước năm 1980, không có bất cứ dấu hiệu và bằng chứng nào thể hiện trong phạm vi thửa đất có mồ mả. Ông Đặng Văn Quân không sinh sống tại khu vực phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng. Hiện tại, ông Đặng Văn Quân không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào thể hiện: tổ tiên của ông Đặng Văn Quân chết và được chôn cất tại khu vực vườn nhà bà Nguyễn Thị Xuân tại phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng. Việc ông Đặng Văn Quân cho rằng có mộ tổ tiên chỉ hoàn toàn do tin theo lời thày địa lý - hoạt động mê tín, dị đoan.

Pháp luật quy định xử lý vi phạm đối với hành vi mê tín dị đoan. Cụ thể, Nghị định 158/2013/NĐ-CP, quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với…hành vi sau đây: (a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi” (điểm a khoản 2 Điều 15). Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…” (Điều 320). Thế nhưng, hành vi mê tín, dị đoan này không những không bị xử lý mà lại trở thành căn cứ để buộc tội người vô tội.

Bốn là, quy định về tội xâm phạm mồ mả trong pháp luật hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm mồ mả tại Điều 319. Điều luật không định nghĩa thế nào là ‘mồ’, ‘mả’. Do đó, khái niệm "mồ mả" cần đối chiếu với nghĩa thông thường trong dân sự. Từ điển Tiếng Việt Chủ biên Giáo sư Hoàng Phê, có định nghĩa mồ mả như sau: “Mồ mả (danh từ): Nơi chôn cất người chết, Mồ mả cha ông”; “Mồ”: Mộ, Nấm mộ, Nhà mộ; Mộ; “Mộ”: Nơi chôn cất (hoặc chôn cất tượng trưng) người chết, được đắp hoặc xây cao hơn xung quanh; “Mả”: Chỗ chôn người chết được đắp cao.

Với định nghĩa rõ ràng như vậy, không phải cứ công trình (đắp hoặc xây cao) có hình dáng giống “mồ mả” thì trở thành “mồ mả”. Để được coi là "mồ mả" thì phải là “nơi chôn cất (hoặc chôn cất tượng trưng) người chết”. Hiện tại, không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh có 04 công trình xây dựng bị bà Nguyễn Thị Xuân phá dỡ có “chôn cất” người chết, hoặc “chôn cất tượng trưng” người chết. Cuối cùng, lập "mồ mả" cũng đảm bảo phù hợp với pháp luật. Nếu không có "mồ mả", thì không thể có hành vi “xâm phạm mồ mả”.

Năm là, dấu hỏi về công lý và lẽ công bằng.

Như đã phân tích ở trên, hành vi: xâm phạm chỗ ở của công dân, chiếm đất, hủy hoại đất (biến ‘đất ở’ thành đất ‘nghĩa địa’), mê tín dị đoan, không bị xử lý. Vụ việc đã được bà Nguyễn Thị Xuân thông báo với chính quyền. Và: chính quyền với chức năng quản lý nhà nước đương nhiên phải biết. Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng từ năm 2012 đến nay, hành vi vi phạm vẫn không bị xử lý, cuối cùng là dẫn đến hệ lụy vụ án hình sự.

Bà Nguyễn Thị Xuân thực thi quyền sở hữu, quyền phòng vệ chính đáng được pháp luật quy định thì lại bị cáo buộc phạm tội. Giả thiết, bà Nguyễn Thị Xuân bị phán quyết có tội, đây sẽ trở thành án lệ có hệ lụy vô cùng xấu. Rất nhiều người có thể sẽ sử dụng ‘chiêu thức’ này để chiếm đoạt đất công, hoặc nhà đất của người khác.

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  • Bài viết trong lĩnh vực pháp luật đất đai được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  • Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.74743 sec| 1075.227 kb