Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật hình sự

view 2085
comment-forum-solid 0

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là các hành vi xâm phạm sự đúng đắn của họat động tố tụng và thi hành án. Các tội phạm này được quy định tại các điều từ Điều 367 đến Điều 291 - Chương XXIV Bộ luật hình sự (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp - xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động hoạt động tố tụng và thi hành án

Tính đúng đắn của hoạt động tư pháp ở đây được hiểu: là hoạt động theo đúng pháp luật, trên cơ sở pháp luật và theo tinh thần của pháp luật. Xâm phạm sự đúng đắn là việc không tuân thủ đúng các quy định pháp luật của các chủ thể trong  hoạt động tố tụng và thi hành án.

Bộ luật hình sự quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án (Điều 367). So với quy định tại Bộ luật hình sự cũ (năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009), tại Bộ luật hình sự (mới) phạm vi của nhóm các tội phạm này được mở rộng hơn.

Thứ nhất, điều luật không liệt kê các chủ thể cụ thể (cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án) mà quy định rõ đối tượng là hoạt động tố tụng và thi hành án. Bởi, ngoài hoạt động tư pháp, các cơ quan tư pháp còn có hoạt động khác như: hành chính, dân sự (không phải là hoạt động tư pháp), nên không thể coi tất cả hoạt động của cơ quan tư pháp đều là hoạt động tư pháp, mà chỉ những hoạt động tố tụng và thi hành án mới trở thành đối tượng của nhóm tội phạm này.

Thứ hai, khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, ngoài hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và hoạt động thi hành án (hình sự, dân sự), còn có các chủ thể khác cũng tham gia vào hoạt động tố tụng, như: (i) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các cơ quan trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra); (ii) các chủ thể tham gia tố tụng (người bào chữa, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, dịch thuật…); (iii) các chủ thể có nhiệm vụ bổ trợ hoạt động tư pháp (công chứng, giám định tư pháp…) hoặc hỗ trợ hoạt động tư pháp (cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp).

Thứ ba, ngoài hoạt động xét xử, Tòa án còn tiến hành các hoạt động khác, như: điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu của các vụ án dân sự, hành chính, tiến hành hòa giải hoặc ban hành các quyết định tố tụng khác… cũng là hoạt động tư pháp. Do đó, những chủ thể và hoạt động nêu trên mà xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án đều có thể trở thành chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Vì vậy, tội xâm phạm hoạt động tư pháp hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các tội được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự mà còn một số tội phạm quy định tại các chương khác của Bộ luật hình sự, nếu hành vi phạm tội đó xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Ví dụ: Người tiến hành tố tụng phạm tội Nhận hối lộ (Điều 353 Bộ luật hình sự)… Những tội phạm này cũng xâm hại trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án, về bản chất cũng là một trong những tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Do vậy, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Điều 20), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 163), Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (Điều 30) đều đã thống nhất quy định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, cụ thể là: các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

- Bốn yếu tố cấu thành nên các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

  • Khách thể:

Khách thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tố tụng: điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án được luật hình sự bảo vệ. Các tội phạm này không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khái niệm cá nhân rộng hơn khái niệm công dân).

Ngoài ra, hoạt động tư pháp còn bao gồm các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp có liên quan trực tiếp và là căn cứ quan trọng để cơ quan tư pháp xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Do vậy, các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp cũng là khách thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Ví dụ: Giám định viên làm sai lệch kết luận giám định hoặc từ chối kết luận giám định (Điều 382, Điều 383 Bộ luật hình sự) hoặc cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có hành vi nhục hình người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 373 Bộ luật hình sự).

Ghi chú: Trong khoa học luật hình sự, khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.

  • Chủ thể: 

Đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, chủ thể của tội phạm có thể là: (1) chủ thể đặc biệt, hoặc (2) chủ thể thường, tùy thuộc vào từng nhóm tội phạm và từng tội cụ thể. Chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là những chủ thể sau: (i) Người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan nhà nước khác hoặc tổ chức; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Chánh án, Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên...); (ii) Người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, giám định, phiên dịch…); (iii) Người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khác hoặc là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (Tội không tố giác tội phạm, tội che giấu tội phạm…).

Ghi chú: Trong khoa học luật hình sự, chủ thể của tội phạm được hiểu là người có năng lực trách nhiệm hình sự đạt một độ tuổi nhất định.

  • Mặt khách quan:

Hành vi (khách quan) của các tội xâm phạm hoạt động là hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động tư pháp. Đó có thể là: các quy định pháp luật về nội dung hoặc pháp luật về hình thức trong tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, đất đai...

Hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp: (i) có thể dưới dạng hành động (truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, ra bản án trái pháp luật...), (ii) cũng có thể được thực hiện bằng không hành động (thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn; không tố giác tội phạm)

Xét về tính chất, hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là: (i) Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm quy định pháp luật; (ii) Lợi dụng chức vụ quyền hạn ép buộc, mua chuộc để người khác vi phạm pháp luật; (iii) Hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các phán quyết của cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án; (iv) Hành vi không thực hiện nghĩa vụ công dân giúp đỡ các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hậu quả của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp: có thể là dấu hiệu bắt buộc hoặc không (phụ thuộc vào tội danh). Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà các tội xâm phạm hoạt động tư pháp gây ra hoặc có thể gây ra trước hết là thiệt hại cho hoạt động tư pháp. Thiệt hại này có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như làm sai lệch tiến trình tố tụng, cản trở quá trình tố tụng.

Ghi chú: Trong khoa học luật hình sự, mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài thế giới khách quan bao gồm: hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giũa hành vi và hậu quả, công cụ phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, hoàn cảnh, địa điểm phạm tội.

  • Mặt chủ quan:

Hầu hết các tội xâm phạm hoạt động tư pháp đều được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên mong muốn hậu quả xảy ra hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra.

Ngoại lệ, tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376) được thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; hoặc: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Động cơ và mục đích phạm tội: Đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Người phạm tội có động cơ khác nhau khi thực hiện hành vi phạm tội.

Ghi chú: Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm. Đó là những biểu hiện về mặt tâm lý của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900.6198

- Phân loại các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Căn cứ vào chủ thể thực hiện hành vi phạm tội mà các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được phân thành 03 (ba) nhóm sau:

(i) Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này) bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385. Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

(ii) Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người tham gia tố tụng (có 5 tội thuộc nhóm này) bao gồm các Điều 380, 382, 283, 386, 388. Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với người tham gia tố tụng có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

(iii) Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên (có 5 tội thuộc nhóm này) bao gồm các điều: Điều 384, Điều 387, Điều 389, Điều 390, Điều 391. Nhóm tội phạm này là các tội quy định đối với người có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

- Một số tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp điển hình

  • Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội:

Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được quy định tại Điều 368 Bộ luật Hình sự: "... Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...". Hành vi của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã khởi tố, kết luận điều tra, truy tố đối với người mà mình biết rõ là không có tội.

  • Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội:

Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội được quy định tại Điều 369 Bộ luật Hình sự: "... Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm". Trái ngược với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã không khởi tố, không truy tố đối với người mà mình biết rõ là có tội.

  • Tội ra bản án trái pháp luật:

Tội ra bản án trái pháp luật được quy định tại Điều 370 Bộ luật Hình sự: "... Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...". Hành vi ra bản án trái pháp luật là hành vi là hành vi của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ký vào bản án và ban hành bản án mà biết rõ là áp dụng không đúng với quy định của pháp luật.

  • Tội bức cung:

Tội bức cung được quy định tại Điều 374 Bộ luật Hình sự: "... Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...".

- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp

Nhằm ngăn chặn các hành vi làm mất sự đúng đắn của hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân trong xã hội việc phát hiện và xử lý là vô cùng quan trọng.

Pháp luật của từng lĩnh vực: hình sự (Bộ luật Tố tụng hình sự), dân sự (Bộ luật Tố tụng dân sự), hành chính (Luật Tố tụng hành chính), đều có các quy định về việc khiếu nại, tố cáo hành vi của Cơ quan có thẩm quyền tố tụng.

Thứ nhất, thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trước tên thuộc về người đứng đầu các cơ quan tiến hành như: Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân. Đây là những người đứng đầu các cơ quan rực tiếp thực hiện hoạt động tố tụng do vậy, họ có đủ khả năng giải quyết các khiếu nại, tố cáo về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Thứ hai, thẩm quyền của Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, có một cơ quan chuyên thực hiện việc xử lý đó là Cục điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao nằm chuyên biệt việc thực hiện việc điều tra những chủ thể có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Cục điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Việt Nam) ban hành ngày 19/8/2010 kèm theo Quyết định số 1169/2010/VKSTC-C6).

Thứ ba, chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Chức năng giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân thể hiện vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Giám sát là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, đáng giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo pháp luật.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.58116 sec| 1108.313 kb