Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay trong phạm vi di sản do người chết để lại bao gồm: người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật.
Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Quan hệ vay tiền giữa các chủ thể với nhau dựa trên Hợp đồng vay tài sản.
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
Từ khái niệm trên có thể thấy nghĩa vụ của bên vay là thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác". Như vậy khi hết thời hạn vay, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền cho bên cho vay.
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về hình thức của hợp đồng vay tiền, do vậy hợp đồng vay có thể dưới dạng miệng hoặc văn bản. Khi các bên trong hợp đồng vay giao kết về việc vay tiền thì theo đó cũng phát sinh các quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay theo quy định pháp luật.
Theo Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: "1- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; 2- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại; 3- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Thừa kế có hai loại là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Thứ nhất, trường hợp thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Như vậy, căn cứ vào quy định của Điều 614, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015: Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi tài sản mình đã nhận trong khối di sản của người chết để lại. Do đó, gia đình người mất có nghĩa vụ trả nợ cho người đã mất và việc trả nợ sẽ được thực hiện trong phạm vi di sản thừa kế mà người đã mất để lại.
Trường hợp người chết không có bất cứ di sản nào để lại, thì gia đình không có nghĩa vụ phải trả các khoản nợ do họ không được hưởng thừa kế, không phát sinh nghĩa vụ trả nợ thay.
Thứ hai, đối với thừa kế theo di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trong di chúc, người để lại di sản sẽ chỉ định người thừa kế và phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Do vậy, áp dụng quy định Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm