Trên thị trường, có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động kinh doanh, trong đó một số doanh nghiệp sau khi hoạt động có nhu cầu bán lại doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân khác. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ tiến hành ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Vậy, họ cần chú ý những gì?
Bài viết được thực hiện bởi: Trần Hồng Sơn – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được dịch từ cụm từ tiếng Anh là Merger & Acquisition hay còn được viết tắt là M&A.
Khi một công ty mua lại hoặc thôn tính một công ty khác và đặt mình vào vị trí chủ sở hữu mới thì thương vụ đó được gọi là mua bán. Về pháp lý, công ty bị mua lại không còn tồn tại, còn công ty tiến hành mua lại sẽ ‘tiếp quản” toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty kia. M&A có liên quan đến 4 lĩnh vực pháp luật khác nhau: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, luật Chứng khoán và pháp luật Dân sự.
Sáp nhập là sự kết hợp của 2 hay nhiều doanh nghiệp, thông thường giống nhau về quy mô để tạo thành 1 doanh nghiệp mới.
Mục đích của hoạt động mua bán doanh nghiệp là giành quyền kiểm soát đơn vị doanh nghiệp ở mức độ nhất định chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp như các nhà đầu tư nhỏ, lẻ.
Vì vậy, khi một nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường.
Khi tiến hành hoạt động M&A, doanh nghiệp cần lưu ý một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng như giá chuyển nhượng, phương thức và thời gian thanh toán, … để hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Về chủ thể
Cần ghi rõ thông tin của các bên như: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật, số CMND (hoặc số hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật, mã số thuế doanh nghiệp, … theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Khi tiến hành giao kết hợp đồng, các bên có thể liên hệ và yêu cầu đối tác cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo đúng thông tin và thẩm quyền ký kết.
Giá chuyển nhượng:
Cần ghi rõ tổng giá trị của hợp đồng. Doanh nghiệp cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp được Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Thông tư 32/2013/TT- NHNN.
Phương thức và thời gian thanh toán
Các bên cần ghi rõ phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt) và thời gian thanh toán cụ thể với số tiền thanh toán của từng đợt. Để đảm bảo an toàn, các bên nên yêu cầu một tổ chức uy tín có thẩm quyền thực hiện dịch vụ tài chính trung gian. Bên thứ ba này sẽ đứng ra đảm bảo các bên trong hợp đồng thực hiện đúng thỏa thuận và hợp pháp.
Điều kiện, thời hạn chuyển giao tài sản:
Đối với bên mua, cần quy định rõ những điều kiện kèm theo và thời điểm cụ thể trong tiến trình M&A để bên bán thực hiện nghĩa vụ trong việc chuyển giao tài sản, cổ phần, cổ phiếu theo quy định của hợp đồng.
Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên
Các bên cần chi tiết hóa các quyền và nghĩa vụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt cụ thể.
Điều khoản ràng buộc trách nhiệm
Các bên có thể dự trù các tình huống đối phương có thể vận dụng để không thực hiện hợp đồng mà soạn thảo những điều khoản thích hợp, như trách nhiệm của bên mua khi không thanh toán, hoặc trách nhiệm của bên bán khi không chuyển giao đối tượng của hợp đồng.
Thời hạn thực hiện hợp đồng
Trong hợp đồng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và chấm dứt, hoặc những căn cứ phát sinh dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực.
Điều khoản giải quyết tranh chấp
Trong trường hợp các bên xảy ra tranh chấp, có thể ưu tiên sự thương lượng, hòa giải hoặc sử dụng một trong các phương thức giải quyết như Tòa án hoặc Trọng tài thương mại.
Tuyên bố và cam kết của hai bên về tình trạng doanh nghiệp
Hợp đồng cần có điều khoản quy định bên bán phải khẳng định và cam kết về các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc này nhằm hạn chế tranh chấp và rủi ro đối với bên mua.
Ngoài các điều khoản cơ bản nêu trên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề như sau: nguyên tắc hợp tác; phương án sử dụng lao động; lưu ý đối với một số cụm từ như “trừ những thiếu sót không đáng kể mà không gây ra tổn thất hay trách nhiệm pháp lý đối với”, “hợp đồng chấm dứt khi các bên hoàn thành các công việc và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng”, …
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm