Hạn chế tranh chấp hợp đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19

Bởi Trần Thu Thủy - 07/04/2020
view 1313
comment-forum-solid 0

Covid-19 có tác động mạnh tới nền kinh tế thể giới cũng như kinh tế Việt Nam, không ít doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản, nhiều vấn đề phát sinh cũng như là tranh chấp hợp đồng đối với các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Do đó, những quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này là hết sức quan trọng, cụ thể là pháp lý liên quan đến sự kiện bất khả kháng.

Tùy từng loại hợp đồng có những tranh chấp khác nhau. Có thể kể đến những loại hợp đồng như Hợp đồng vận chuyển; Hợp đồng gia công; Hợp đồng gửi giữ; Hợp đồng thuê khoán; Hợp đồng mua bán hàng hoá; Hợp đồng cung ứng dịch vụ… thì xảy ra những tranh chấp phổ biến như: vi phạm thời gian giao hàng; vi phạm nghĩa vụ không giao đúng, đủ số lượng hàng hóa; vi phạm nghĩa vụ thanh toán; vi phạm các thỏa thuận khác ghi trong hợp đồng... Vậy, doanh nghiệp phải làm sao để được miễn trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và cần làm gì để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các tranh chấp hợp đồng trong và sau Covid-19?

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Covid-19 có được coi là sự kiện bất khả kháng?

Hiện nay, trên thế giới hơn 200 bị thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, tổng thống Mỹ đã tuyên bố Covid-19 được coi là thảm họa...Căn cứ theo pháp luật Việt Nam thì Covid-19 có được xác định là sự kiện bất khả kháng để mình có thể được áp dụng để miễn trừ trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng thương mại hay không?

Theo Bộ luật dân sự 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, sự kiện bất khả kháng phải có 3 điều kiện: (1) xảy ra một cách khách quan, (2) không lường trước được; và (3) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trong bối cảnh hiện tại, việc Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra lệnh không cho hoạt động, cách ly bao gồm các hoạt động lưu thông hàng hoá, người, dịch vụ giữa các vùng nhất định chịu ảnh hưởng hoặc có nguy cơ chịu ảnh hưởng của dịch được coi là đáp ứng quy định về “yếu tố khách quan” và “không thể lường trước được”. Từ đó có khả năng dẫn đến yếu tố giao dịch thương mại “không thể thực hiện được, không thể khắc phục được”.

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg công bố Covid-19 là “Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đưa ra lệnh không cho hoạt động, cách ly bao gồm các hoạt động lưu thông hàng hoá, người, dịch vụ giữa các vùng nhất định chịu ảnh hưởng hoặc có nguy cơ chịu ảnh hưởng của dịch. Do đó, Covid-19 là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia hợp đồng, các bên không thể lường trước được hậu quả mà Covid-19 gây ra.

Có thể thấy “yếu tố khách quan” và “không thể lường trước được” là tương đối rõ ràng và không cần phải tranh cãi. Tuy nhiên, yếu tố “không thể khắc phục được” sẽ là điều làm nảy sinh tranh chấp pháp lý chủ yếu bởi các bên phải chứng minh được là không thể khắc phục được tình hình mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình và Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.

Doanh nghiệp cần căn cứ quy định tại hợp đồng. Nếu có điều khoản quy định về sự kiện bất khả kháng và hậu quả pháp lý khi xảy ra sự kiện đó, các bên thực hiện theo thỏa thuận. Khi đó, nếu chứng minh được Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng với mình, các bên hoàn toàn có thể được miễn trừ nghĩa vụ nếu vi phạm hợp đồng.

Như vậy, Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng để bên có nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm hay không, còn phụ thuộc vào từng loại hợp đồng đã ký kết, phạm vi nghĩa vụ phải thực hiện. Nếu Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, thì Covid 19 sẽ không được xem xét là sự kiện bất khả kháng.

Cần làm gì để được miễn trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các tranh chấp hợp đồng?

Trường hợp Covid-19 trở thành sự kiện bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm, thì các bên có thể đàm phán sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 do hoàn cảnh thay đổi. Bởi mục đích giao kết hợp đồng có đạt được hay không, không chỉ phụ thuộc vào việc tuân thủ hợp đồng, thực hiện nội dung của hợp đồng, mà còn bị chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh khách quan mang lại.

Thứ nhất, cần xem xét lại hợp đồng để xác định rõ tình trạng pháp lý làm căn cứ giải quyết.

Trường hợp hợp đồng có điều khoản quy định: "Bất khả kháng" là những việc xảy ra ngoài mong muốn và vượt quá sự kiểm soát hợp lý của các bên, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành như: động đất, thiên tai, dịch bệnh, sự thay đổi về chính sách, các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Không bên nào phải chịu trách nhiệm với việc không thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng này nếu như có nguyên nhân từ trường hợp bất khả kháng". Như vậy, nếu một trong hai bên không thể thực hiện được nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng này vì lý do bất khả kháng phải thông báo bằng văn bản để hai bên có phương án giải quyết.

Có trường hợp hợp đồng không quy định điều khoản về trường hợp bất khả kháng. Khi đó, các bên có thể viện dẫn những quy định của pháp luật để giải thích và áp dụng. Bởi vì Luật Thương mại có quy định: Việc xảy ra sự kiện bất khả kháng thuộc trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm.

Thứ hai, thu thập chứng cứ chứng minh là đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được.

Doanh nghiệp cần lưu lại các bằng chứng thể hiện được rằng doanh nghiệp đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thực hiện được phần nghĩa vụ của doanh nghiệp theo hợp đồng. Việc lưu giữ bằng chứng này là hết sức quan trọng để xác định yếu tố “Không thể thực hiện được” của trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, cần thông báo kịp thời bằng văn bản cho bên kia biết về trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được nghĩa vụ của hợp đồng.

Bên không thực hiện được phần nghĩa vụ theo hợp đồng cần nhanh chóng thông báo cho bên còn lại của hợp đồng về ảnh hưởng của sự kiện được coi là bất khả kháng đối với việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình để giảm bớt tối đa nhất những thiệt hại sẽ phát sinh.

Thứ tư, cần đưa ra phương án, đề xuất giải quyết hậu quả pháp lý. Các bên có thể kéo dài thời hạn hoặc từ chối thực hiện hợp đồng theo Luật Thương mại. Việc kéo dài thời hạn theo điều luật này có thể lên tới 8 tháng.

Trong trường hợp nhận thấy khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên, thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây: (1) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng; (2) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng. Việc đàm phán lại hợp đồng đối với phần nghĩa vụ có thể không thực hiện được do dịch Covid-19 gây ra là điều cần thiết. Có thể coi đây là phương án được ưu tiên đầu tiên trước khi tính đến yếu tố pháp lý.

Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định, hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Xem thêm: Chính sách hỗ trợ người lao động mùa Covid - Lưu ý để không mất quyền lợi

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật dân sự và thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.89114 sec| 1030.984 kb