Trong đời sống hôn nhân không tránh khỏi những lúc bất hòa, trong nhiều trường hợp, khi vợ chồng bất hòa sẽ dẫn tới tình trạng ly thân. Vậy ly thân là gì? Quy định của pháp luật về ly thân như thế nào? Trong bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết những câu hỏi trên.
Ly thân là gì? Quy định của pháp luật về ly thân
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề ly thân của các cặp vợ chồng, lý do là khi họ chưa có ý định ly hôn thì Tòa án không thể can thiệp vào quan hệ vợ chồng được.
Có thể hiểu ly thân là một trong các dấu hiệu phản ánh nên tình trạng khủng hoảng trong hôn nhân, đó là mối quan hệ vợ chồng rạn nứt, bất hòa. Họ không muốn sống chung với nhau nữa mà sẽ sống riêng. Tuy nhiên, trên phương diện về mặt pháp lý thì họ vẫn đang là vợ chồng, vẫn còn trong mối quan hệ hôn nhân.
Ly thân thể hiện thông qua các hình thức khác nhau như vợ chồng sống riêng, tách nhà, thuê nhà ở riêng hoặc vẫn có những trường hợp sống chung một nhà nhưng ăn ngủ riêng,...
Ly thân đang là một vấn đề thực tiên, nó là giải pháp của nhiều cặp vợ chồng khi lựa chọn giải quyết mâu thuẫn bằng cách ly thân mà chưa muốn ly hôn. Bên cạnh đó, việc ly thân cũng là một giải pháp rất hữu ích cho cộng đồng người Công giáo vì theo giáo lý thì họ không được phép ly hôn.
Ngoài ra, đây cũng là một giải pháp giúp cho các cặp vợ chồng giải quyết mẫu thuẫn trong hòa bình, tránh được tình trạng bạo lực gia đình, tạo thêm điều kiện cho các cặp vợ chồng có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến tới quyết định ly hôn.
Đặc biệt, ly thân còn giúp cho các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ chồng thực hiện được minh bạch hóa, đảm bảo được quyền lợi của các con.
Trong nhiều trường hợp, sau thời gian ly thân các cặp vợ chồng hóa giải được mâu thuẫn và quay về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, giảm thiểu được tình trạng ly hôn, tránh được việc các con thiếu tình yêu thương của cha mẹ khi cha mẹ ly hôn.
Hiện nay, cụm từ ly thân được sử dụng khá phổ biến nhưng cụm từ này vẫn chưa được pháp luật quy định hay ghi nhận chế định này trong Luật hôn nhân và gia đình. Vì vậy, trên thực tế nếu vợ chồng yêu cầu Tòa án công nhận ly thân thì các Tòa án sẽ giải quyết theo hướng bác yêu cầu của họ. Còn nếu vợ chồng muốn sống riêng và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án sẽ áp dụng quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để giải quyết yêu cầu của vợ chồng.
Ly thân bao lâu thì được ly hôn?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì chỉ cần chứng minh được đời sống vợ chồng đang lâm vào trình trạng trầm trọng, không thể kéo dài khi sống chung, mục đích hôn nhân không thể đạt được thì việc ly thân có thể dẫn đến thực hiện thủ tục ly hôn.
Có thể nói việc ly thân không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Đây chưa phải là ly hôn nên cha và mẹ thì ai cũng có quyền được nuôi con. Chỉ trong trường hợp sau khi ly thân dẫn tới tình trạng ly hôn mà cha mẹ thỏa thuận hoặc Tòa án mới đưa ra quyết định ai là người trực tiếp nuôi con.
Khi chưa dẫn tới tình trạng ly hôn kể cả đã ly thân rồi thì pháp luật vẫn không quy định ai là người có quyền nuôi con. Việc nuôi con khi ly thân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của vợ và chồng dựa trên sự cân nhắc những điều kiện tốt nhất cho con nhằm tạo được cho con môi trường lành mạnh và ổn định để con phát triển.
Khi vợ chồng ly thân thì không bắt buộc phải làm đơn. Trong trường hợp vợ chồng muốn xác nhận đã ly thân trước cơ quan có thẩm quyền thì vẫn có thể viết đơn ly thân và cơ sở địa phương xác nhận.
Hiện không có bất kỳ văn bản nào ban hành kèm theo mẫu đơn xin ly thân theo quy định của pháp luật. Vì vậy, vợ chồng có thể tham khảo những nội dung trong mẫu đơn xin ly thân sau đây.
Thông tin Quốc hiệu và tiêu ngữ;
Thông tin của người viết đơn: Đối với thông tin của người viết đơn thì cần ghi rõ đầy đủ thông tin Họ và tên của người viết đơn (viết hoa có dấu); Ngày, tháng, năm sinh của người viết đơn theo giấy khai sinh cũng như viết thông tin về chỗ ở hiện tại theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đã được cơ quan có thẩm quyền cấp đang có giá trị sử dụng.
Thông tin của vợ hoặc chồng người viết đơn: Tại mục này cần ghi rõ thông tin Họ và tên của vợ hoặc chồng (viết hoa có dấu) và ghi cụ thể chính xác về ngày, tháng, năm sinh của vợ hoặc chồng cũng như chỗ ở hiện tại của vợ hoặc chồng.
Thông tin về đăng ký kết hôn: Người làm đơn cần ghi rõ, chính xác thời gian đăng ký kết hôn, địa điểm tiến hành đăng ký kết hôn đúng trong giấy chứng nhận kết hôn đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thông tin về tình trạng hôn nhân của vợ chồng: Tại mục này cần trình bày rõ mẫu thuẫn vợ chồng như vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình nhiều lần không thay đổi; có hành vi ngoại tình đã tha thứ và hứa hẹn chấm dứt nhưng lại vẫn tiếp tục hành vi ngoại tình;...
Lý do xin ly thân của vợ chồng:
Lý do xin ly thân cần trình bày rõ lý do mà vợ chồng muốn ly thân tại thời điểm này.
Thời gian ly thân của vợ chồng: Thời gian bắt đầu ly thân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng. Nếu không có thỏa thuận về thời gian bắt đầu thì thời gian ly thân sẽ tính kể từ ngày hai bên vợ chồng ký vào đơn xin ly thân.
Chữ ký của hai bên vợ chồng.
Không có quy định nào quy định về việc ly thân không được sống chung nhà nên sau khi ly thân thì vợ chồng vẫn có thể sống chung một nhà để chăm sóc các con của mình. Tuy vậy, khi cha mẹ không còn tình cảm nhưng vân sống chung vì con hay vì danh dự của hai bên gia đình thì chỉ khiến cho không khí gia đình thêm nặng nề, căng thẳng hơn mà không có niềm vui thật sự, điều này sẽ khiến cho con cái không cảm nhận được hạnh phúc gia đình thật sự.
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm