Nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi cần có điều kiện gì?

view 614
comment-forum-solid 0

Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ, chồng làm con nuôi sẽ giúp trẻ sống với gia đình gốc của mình, dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống mới nhanh chóng hơn. Đây là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc có ý nghĩa không chỉ đối với các cá nhân tiến hành nhận nuôi con nuôi, trẻ em được nhận nuôi mà còn có ý nghĩa đối với xã hội về sự đùm bọc, yêu thương nhau.

Nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi cần có điều kiện và thủ tục gì? Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ, chồng làm con nuôi sẽ giúp trẻ sống với gia đình gốc của mình, dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống mới nhanh chóng hơn. Đây là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc có ý nghĩa không chỉ đối với các cá nhân tiến hành nhận nuôi con nuôi, trẻ em được nhận nuôi mà còn có ý nghĩa đối với xã hội về sự đùm bọc, yêu thương nhau.

Điều kiện đối với người được nhận nuôi là con riêng của một bên vợ, chồng

Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định chung về người được nhận làm con nuôi, người con riêng cần phải đáp ứng được điều kiện về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi. Đó là: Người được nhận làm con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi 2010 là trẻ em dưới 16 tuổi. Trẻ em dưới 16 tuổi là người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, họ chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình, việc thiết lập quan hệ nuôi con nuôi sẽ được đảm bảo cho người con nuôi có được sự giám hộ của cha mẹ nuôi. Quy định góp phần thưc hiện cam kết quốc tế trong trường hợp nước ta gia nhập Công ước La Haye năm 1993.

Tuy nhiên, việc cha dượng hoặc mẹ kế nhận con nuôi là con riêng của một bên vợ, chồng lại là một trường hợp ngoại lệ về độ tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;...”. Quy định này nhằm đảm bảo cho họ được chăm sóc, giáo dục trong một môi trường gia đình, đảm bảo tính nhân đạo của việc nuôi con nuôi. Nó tạo điều kiện cho trẻ được sống trong gia đình có mối quan hệ huyết thống, đây là môi trường sống mà trẻ đã quen thuộc nên việc hòa nhập với gia đình mới sẽ dễ dàng hơn.

Điều kiện đối với cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của một bên vợ, chồng làm con nuôi

Điều kiện chung đối với người nhận con nuôi trong các trường hợp được quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010:

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này."

Do đó, cha dượng, mẹ kế muốn nhận con riêng của một bên vợ chồng vẫn phải tuân thủ các điều kiện trên nhưng theo khoản 3 Điều 14 thì trong trường hợp này, họ không phải đáp ứng quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này. Như vậy, quy định này nhằm đảm bảo cho con nuôi được sống trong môi trường gia đình với những người thân thuộc dù người nhận nuôi là cha dượng, mẹ kế không có đủ điều kiện về khoảng cách tuổi.

Về quy định không phải đáp ứng điều kiện sức khỏe, kinh tế,chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi là để tạo điều kiện cho trẻ được sống cùng cha đẻ hoặc mẹ đẻ, đảm bảo được quyền lợi cho trẻ cũng như sự thích nghi môi trường mới thuận lợi hơn. Điều đó phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc, vừa phù hợp với các văn bản pháp lý quốc tế về nuôi con nuôi.

Xem thêm: Nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Điều kiện về sự tự nguyện trong việc nuôi con nuôi

Trong trường hợp trẻ em còn cha, mẹ đẻ thì việc cho nhận con nuôi chỉ hợp pháp khi cha mẹ đẻ của trẻ thể hiện sự đồng ý của họ (khoản 1 Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 ). Điều này nhằm tăng tính công khai cho việc nhận nuôi con nuôi.

Thêm vào đó, trường hợp nhận trẻ em từ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì ý chí của trẻ đối với việc làm con nuôi cũng phải được xác định. Khoản 3 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010: “Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”.

Sự tự nguyện ở đây là rất cần thiết, đáp ứng được mục đích cho nhận con nuôi, là yếu tố quyết định việc xác lập quan hệ cha mẹ và con được tốt đẹp. Khoản 4 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi: “Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày”.

Hồ sơ nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi

Thủ tục nhận nuôi con nuôi trong trường hợp nhận con riêng của vợ, chồng làm con nuôi được quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể:

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

Vậy trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 sẽ không phải đáp ứng yêu cầu hồ sơ tại khoản 5 điều 17.

Xem thêm: Có được đăng ký nhận nuôi con nuôi trên 18 tuổi không?


Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Bích Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-bich-phuong/ Luật sư Nguyễn Bích Phượng có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest: Xử lý các vụ án liên quan đến tranh chấp về thừa kế, hôn nhân- gia đình, dân sự, lao động, doanh nghiệp.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.47156 sec| 1037.563 kb