Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198
Ly thân là một dấu hiệu khá rõ nét cho thấy đời sống hôn nhân đang gặp khủng hoảng. Ly thân là trạng thái khi mà vợ chồng không chung sống cùng nhau, không ăn chung, ở chung, sinh hoạt vợ chồng.
Ly thân là hiện tượng khá phổ biến trong đời sống vợ chồng hiện nay. Ly thân chưa được cụ thể hóa trong luật Hôn nhân và gia đình cũng như bất kỳ các văn bản pháp luật nào khác. Điều đó có nghĩa là khi ly thân, vợ và chồng vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân, có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Các quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng đối với nhau, với con chung, với tài sản chung vì thế không bị mất đi. Cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định đó theo luật Hôn nhân và gia đình.
Nhiều trường hợp vợ chồng ly thân là để chuẩn bị ly hôn, không còn tình cảm với nhau, không có ý định quay lại sống chung. Tuy nhiên, việc sống ly thân không làm mất đi các quyền và nghĩa vụ mà các bên phải tuân thủ cũng có nghĩa cả hai đều không được ngoại tình hoặc có quan hệ ngoài luồng, chung sống chung với người khác như vợ chồng. Trường hợp đang ly thân mà một bên sống chung với người khác như vợ chồng tức là đã vi phạm điều cấm của luật. Người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, kể cả trong thời gian ly thân.
Việc ly thân giữa vợ và chồng không phải là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Vì vậy bạn không thể yêu cầu tòa án giải quyết việc ly thân của mình. Quá trình ly thân do vợ chồng tự bàn bạc thỏa thuận. Vợ chồng có thể thỏa thuận việc ly thân bằng văn bản thông qua một mẫu đơn ly thân.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà nội dung thỏa thuận có thể khác nhau. vợ chồng có thể thỏa thuận về các vấn đề:
Tiền cấp dưỡng con cái (mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng); quyền nuôi con (vợ hoặc chồng thỏa thuận để một bên nuôi dưỡng, chăm sóc con trong thời gian này); quyền thăm nom (thời gian, số lần thăm…); thỏa thuận về tài sản cá nhân; thỏa thuận về các tài sản chung (do ai trực tiếp sử dụng, bảo quản…); thỏa thuận về việc trả nợ chung; trách nhiệm của từng bên khi trong thời gian ly thân một bên phát sinh nợ; thỏa thuận về việc vợ hoặc chồng có được hay không được phép đến nơi làm việc, chỗ ở của nhau; các thỏa thuận khác…
Văn bản thỏa thuận ly thân chỉ có giá trị pháp lý khi cả 2 vợ chồng đồng ý và ký tên. Để tăng giá trị pháp lý và đảm bảo tính chắc chắn khi lập văn bản thỏa thuận này, vợ chồng có thể nhờ người làm chứng hoặc công chứng, chứng thực chữ ký.
Ngoài ra, ly thân chưa được quy định trong bất cứ chế định pháp luật nào nên thủ tục thỏa thuận này không cần cơ quan nhà nước nào xác nhận. Chính điều này cũng dẫn đến nhiều trường hợp một trong các bên sau khi ký thỏa thuận lại không thực hiện hoặc hoàn toàn phủ nhận các nội dung đã thỏa thuận khi phát sinh tranh chấp sau này.
Thời gian ly thân có thể rất ngắn hoặc kéo dài thậm chí là năm năm, mười năm. Bạn không thể chắc chắn được rằng trong thời gian ly thân, một bên chồng/ vợ có phát sinh trách nhiệm pháp lý với bên thứ ba nào khác hay không (chẳng hạn như vay nợ). Và như đã phân tích ở trên, ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân, do đó bạn vẫn có thể phải chịu trách nhiệm cùng với chồng/ vợ của bạn đối với bên thứ ba nếu không đưa ra được các chứng cứ nhằm loại trừ trách nhiệm của mình.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm