Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì muốn bảo vệ cho quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà đã tiến hành chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích nói trên.
Bài tư vấn được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm".
Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
(2) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
(3) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
(4) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Lưu ý: Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ (tham khảo Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành).
Thứ nhất, phòng vệ chính đáng là hành vi chống một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích chính đáng của mình, còn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Thứ hai, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi của mình.
Trong thực tiễn các trường hợp có nhiều khó khăn trong việc phân biệt, đánh giá giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là những trường hợp mà hành vi phòng vệ lớn hơn hành vi xâm hại, việc đánh giá gặp rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều quan điểm khác nhau.
Theo như quy định trên thì phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm lợi ích chính đáng. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác.
Phòng vệ chính đáng là tình tiết làm loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thông qua việc ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền hoặc lợi ích chính đáng của chính người đã phòng vệ hoặc của người khác. Vì vậy, đây là hành vi mang tính tích cực và Nhà nước khuyến khích công dân thực hiện nhưng phải trong khuôn khổ pháp lý nhất định.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm