Quy định pháp luật về gia hạn tạm giam trong hình sự

view 450
comment-forum-solid 0

Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Pháp luật quy định rõ về đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam, thẩm quyền ra lệnh, thời hạn tạm giam, gia hạn thời hạn tạm giam...Bài viết này làm rõ vấn đề gia hạn tạm giam.

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tạm giam là gì ?

Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tạm giam là một trong những biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự.

Tạm giam là một biện pháp để cách ly bị cáo và bị can với xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Tạm giam nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi của bị can, bị cáo khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Khi áp dụng biện pháp tạm giam, người bị tạm giam bị hạn chế một số quyền như quyền tự do thân thể, đi lại, cư trú,…

Thời hạn tạm giam

Thời hạn tạm giam được quy định cụ thể tại từng giai đoạn tố tụng, cụ thể như sau:

  • Thời hạn tạm giam để điều tra

Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.Trong đó:

(i) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

(ii) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

(iii) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

(iv) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

  • Thời hạn tạm giam để truy tố

Điều 241 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: "Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 240 của Bộ luật này".

Đối chiếu quy định tại Điều 240, như vậy, thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố là 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

  • Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử

Thời hạn tạm giam tạm giữ để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau: (i) Đối với tội ít nghiêm trọng: không quá 30 ngày; (ii) Đối với tội nghiêm trọng: không quá 45 ngày; (iii) Đối với tội rất nghiêm trọng: không quá 2 tháng; (iv) Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng: không quá 3 tháng.

Quy định gia hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Căn cứ Khoản 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

(i) Gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng với tội phạm ít nghiêm trọng.

(ii) Gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng với tội phạm nghiêm trọng.

(iii) Gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng với tội phạm rất nghiêm trọng.

(iv) Gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Các trường hợp đặc biệt, việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam quy định trên đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 01 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.

Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.

Thẩm quyền gia hạn tạm giam

Căn cứ Khoản 3,4,5,6 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thẩm quyền gia hạn tạm giam như sau:

(i) Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát:

Đối với đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam.

Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

(ii) Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương với trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra.

(iii) Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia và cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn.

Hết thời hạn tạm giam mà cơ quan chức năng chưa trả tự do cho bị can, bị cáo, xử lý thế nào?

Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng và theo quy định pháp luật, bị can, bị cáo hoặc người bào chữa có thể:

  • Thực hiện quyền khiếu nại

Khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại: "1. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này".

Nếu hết thời hạn tạm giam mà cơ quan chức năng chưa trả tự do cho bị can, bị cáo thì người bị tạm giam hoặc nhân thân người bị tạm giam có thể khiếu nại.

Theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại liên quan đến tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp; trong giai đoạn xét xử là Tòa án nhân dân

Khiếu nại được thực hiện bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp và phải được giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại. Trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá 03 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

  • Thực hiện quyền tố cáo

Điều 478 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về người có quyền tố cáo: "Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".

Căn cứ Khoản 4 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được tố cáo. Trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.”

– Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Yến

Luật sư Nguyễn Thị Yến

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-yen/ Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Yến có hơn 5 năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.19352 sec| 1070.758 kb