Nội dung bài viết [Ẩn]
“Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở, vị trí nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin làm chủ đầu tư” (gọi tắt: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”) - danh nghĩa bảo vệ “tính mạng con người và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân”
Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long cho rằng: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” có căn cứ pháp lý - Điểm e Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai: “… trường hợp thu hồi đất do:… (e) đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người”.
Người bị thu hồi đất (một số hộ dân sinh sống tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong) cho rằng: Tên gọi của “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” không thể hiện bản chất thực sự của Dự án, mà chỉ là cái 'cớ'.
Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người bị thu hồi đất trong "Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” đã chỉ ra: có nhiều căn cứ thể hiện rõ nét việc: 'dàn dựng', 'lạm quyền', 'cài đặt lợi ích nhóm'.
Sự thật được phơi bày khi Công ty Luật TNHH Everest hỗ trợ gia đình anh Vũ Bá Quang - chị Vũ Thị Thanh tổ chức họp báo ngày 24/12/2018.
Năm 2014, khi xây dựng tuyến đường khai thác than, Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin không tuân thủ quy định về an toàn xây dựng. Thay vì vận chuyển đất đá thải đi nơi khác, Công ty này đã gạt thẳng xuống dưới chân đồi. Trong khoảng thời gian từ ngày 25/07/2015 đến ngày 03/08/2015, khối đất đá này bị mưa lớn cuốn 'sạt' xuống khu vực Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong (chân đồi), làm hư hại tài sản của một số hộ dân.
Nguyên nhân dẫn đến 'sạt lở' do việc khai thác than đã được Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinancomin xác nhận bằng Công văn số 772/VHTC-ĐM - "việc đền bù hỗ trợ bồi thường, hỗ trợ cho 14 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở".
Giai đoạn 2016 đến nay, tại địa bàn Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong không ghi nhận bất cứ trường hợp sạt lở đất nào. Đây là bằng chứng cho thấy, 'sạt lở đất' không phải bản chất, mà chỉ là sự kiện đơn lẻ và có nguyên do từ lỗi của con người - 'Nhân họa'. Xem thêm tại đây.
Công văn số 772/VHTC-ĐM của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin "xác nhận việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng" cho "14 hộ dân".
Nhiều người chưa thể quên sự kiện thiên tai vào cuối tháng 07, đầu tháng 08/2015. Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Nguồn tin từ Báo chí: “Mưa lũ lớn nhất 50 năm ở Quảng Ninh" (VnExpress.net), “Toàn cảnh mưa lũ lịch sử tàn phá Quảng Ninh” (Vietnamnet.vn), “Mưa lũ lịch sử khiến Quảng Ninh tê liệt" (Dantri.vn): “… trận mưa lịch sử đã khiến Quảng Ninh chìm trong biển nước, hàng chục người chết và mất tích, hàng nghìn tỷ đồng mất trắng...”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thời điểm này đã trực tiếp đi thực địa tại vùng sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng. Phường Hà Phong (Quốc lộ 18) có một số điểm ngập lụt sâu. Tuy nhiên, khu vực Tổ 30 khu 4A phường Hà Phong không có thiệt hại nghiêm trọng, do địa chất chắc chắn. Riêng nhà của anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh, bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh - đã trực tiếp đến thăm hỏi, thì thấy rõ: không bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thứ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh và bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tháng 07 và 08/2015 (Dân trí)
Thửa đất 779 m2 của anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh (nằm trong Dự án, đã bị thu hồi) đã sử dụng với mục đích ở từ những năm 1970. Sau khi mua lại năm 2014, anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh đã xây dựng căn nhà 03 tầng kiên cố, tiện nghi trên nền của căn nhà cũ.
Căn nhà 03 tầng xây dựng theo hình thế 'Tọa sơn - Hướng thủy' - tiêu chuẩn vàng trong phong thủy. Có thể thấy hàng ngàn căn nhà kiểu này tại Quảng Ninh. Ví dụ: 200 căn biệt thự của Dự án FLC HaLong Bay Golf Club & Luxury Resort, mệnh danh: “Biệt thự nghỉ dưỡng trên đồi”, “có vị trí đắc địa trên khu vực đỉnh đồi Văn Nghệ hướng trọn Vịnh Hạ Long… phong thủy hài hòa 'Tọa sơn - Hướng thủy', thế đất hình Rồng, mang đến Tài lộc - Phú Quý - Trường tồn cho cư dân tương lai…”.
Với “địa thế vàng” và minh chứng là người dân nơi đây đã sinh sống ổn định suốt gần 50 năm, với câu hỏi: “Có hay không đất sạt lở '… nguy hiểm không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản…’ như tên gọi của Dự án?", câu trả lời sẽ là: “Đây chỉ là câu chuyện được dàn dựng”. Xem thêm tại đây.
Cùng vị trí "Tọa sơn - Hướng thủy", căn biệt thự trên đồi của dự án FLC Hạ Long mang đến "Tài lộc - Phú Quý - Trường tồn", còn căn nhà 03 tầng của anh Vũ Bá Quang - chị Vũ Thị Thanh thì "nguy hiểm, không thể ở".
Ngày 04/05/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1357/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm…”, có hai nội dung: Một là, triển khai Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn… giai đoạn 2013 - 2015…” (nội dung chính); Hai là, “di dân” vùng “sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than…” (Phụ lục 1). Quyết định này là cơ sở pháp lý để thành phố Hạ Long thực hiện “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”.
Lưu ý rằng, đối với kế hoạch di dân khỏi vùng sạt lở "chân bãi thải, khai trường khai thác than…”, thì không thể áp dụng căn cứ pháp lý - Điểm e Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai. Bởi về bản chất, đây hoạt động kinh doanh (có lợi nhuận). Doanh nghiệp phải thỏa thuận với người bị mất đất phương án và đơn giá bồi thường. Nhà nước không thể dùng quỹ đất tái định cư hoặc tiền ngân sách - để bồi thường 'hộ' cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh - trao đổi với Báo Dantri.vn: "... thời điểm trước đó qua kiểm tra mặc dù căn biệt thự của gia đình anh Vũ Bá Quang có nằm trong khu vực thực hiện 'Đề án di dân' nhưng xét thấy không có nguy cơ bị ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở, lún sụt do thiên tai nên đã yêu cầu Ủy ban nhân dân Hạ Long, Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin rà soát, kiểm tra, nếu đúng thì phải đưa ra khỏi Đề án. Trong trường hợp muốn giải phóng mặt bằng, mở rộng sản xuất thì phải thực hiện đúng trình tự luật pháp...” . Xem thêm tại đây.
Đường công vụ nối từ khai trường của than Núi Béo sang than Hà Tu nếu trước 2015 được kè chắc chắn (như ảnh) thì sẽ không có việc 'sạt lở', 'ngập lụt' trong trận mưa lũ lịch sử tháng 07, tháng 08/2015.
Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long giao thủ tục thẩm định, xác định mức độ sạt lở nguy cơ “không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản…” cho Phòng Quản lý đô thị. Đối chiếu với Điểm a Khoản 5 Điều 13 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT, Phòng Quản lý đô thị thực hiện nhiệm vụ này là đúng chức năng.
Thế nhưng điều khó hiểu: cơ quan này đã thực hiện một quy trình 'lạ', mở 02 cuộc họp lấy ý kiến của một số cơ quan liên quan, gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân phường Hà Phong, Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin vào các ngày 07/06/2017 và 27/07/2017.
Dù không có bất cứ số liệu, cơ sở khoa học nào, nhưng các cơ quan này kết luận: Tổ 30, khu 4A phường Hà Phong là khu vực nguy hiểm, phải di dời. Những căn nhà chưa từng một lần bị sạt lở, qua quy trình thẩm định ‘bằng mắt’ và ‘bằng mồm’ này trở thành “không thể ở, đe dọa tính mạng con người và tài sản…”.
Mực nước của Suối Lộ phong (giữa) thấp hơn nền của Khai trường của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin (trái) 04-05 mét, và thấp hơn nền nhà (đã bị phá hủy) của anh Vũ Bá Quang (phải) 10 mét.
Tại Bản tự khai ngày 10/08/2018 Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long cho rằng: “Đối với 22 hộ còn lại tại tổ 30, khu 4A phường Hà Phong phía dưới đường công vụ của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin. Do vị trí này có nguy cơ sạt lở cao, bị ảnh hưởng của bụi, đất đá rơi vãi phát sinh do các phương tiện mỏ lưu thông trên đường công vụ...”; Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh sau khi thực hiện thủ tục thẩm định sơ sài, đã kết luận: "... ngày 24/03/2017, cơ quan có thẩm quyền rà soát, kiểm tra cho thấy: … tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong có hai khe nước có độ dốc lớn… đi qua nhà ở, đất ở của các hộ dân… ngoài ra các hộ dân còn xây dựng nhà ở ven suối rất nguy hiểm khi nước suối dâng cao trong mùa mưa...".
Thế nhưng, thực tế cho thấy đường công vụ của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin phía trên đồi, nay đã được làm kè đá chắc chắn và cách xa khu dân cư (khoảng 200 mét). Suối Lộ Phong chảy qua khu vực này đã được kè hai bên bằng bê tông. Khu dân cư cũng cao hơn so với mặt nước suối khoảng 05 đến 10 mét và cao hơn nhiều so với xưởng sản xuất than của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin (nếu ngập lụt, xưởng sản xuất than sẽ bị ảnh hưởng trước).
Mực nước của Suối Lộ phong (giữa) thấp hơn nền nhà (đã bị phá hủy) của anh Vũ Bá Quang khoảng 10 mét
Ngày 14/12/2018, được sự chấp thuận của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, khoảng 30 nhà báo, phóng viên của hàng chục cơ quan báo chí đã có mặt tại cuộc Họp báo do anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh tổ chức với sự hỗ trợ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest.
Hơn 30 nhà báo, phóng viên tham gia buổi họp báo đã tận mắt chứng kiến những ‘điểm mờ’ tới mức phi lý của “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”: Một là, địa điểm thực hiện Dự án có mặt địa chất vững chắc, không có sạt lở, càng không thể nguy hiểm đe dọa tính mạng con người và tài sản (không thể ở); Hai là, tại khu tái định cư, người bị thu hồi đất chỉ được bố trí lô đất tái định cư 85 m2/ 01 hộ gia đình (Quyết định số 1357/QĐ-UBND quy định mức bình quân là 200 m2), đến nay vẫn không đồng bộ hạ tầng, không có điện, nước, ‘chưa thể ở’.
Các nhà báo, phóng viên chính là những nhân chứng tin cậy, chứng minh cho căn cứ khiếu kiện của người bị thu hồi đất là chính xác. Xem thêm tại đây.
Công ty Luật TNHH Everest hỗ trợ hộ gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh tổ chức họp báo ngày 14/12/2017
Quan điểm của hộ gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh cùng nhiều hộ dân tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong là ủng hộ chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Ninh, nhưng việc bồi thường phải thỏa đáng và đúng pháp luật. Bản chất, đây là Dự án kinh tế. Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin phải là đơn vị đứng ra bồi thường trên cơ sở, đàm phán thỏa thuận với người bị mất đất.
Hiện tại, hộ gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh bị thu hồi thửa đất có diện tích 779 m2 chỉ được bố trí tái định cư 85 m2, bồi thường: bằng tiền, đơn giá: 860.000 đồng/m2 đối với 200 m2 đất ở (rẻ hơn hàng chục lần so với giá thị trường), 234 m2 đất ở - bị xác định đất trồng cây lâu năm, đơn giá: 65.000 đồng/m2, diện tích còn lại không bồi thường đất ở (lý do nằm trong hành lang đường sắt, đường điện...). Căn nhà 03 tầng bị cưỡng chế, phá hủy không được bồi thường. Ngày 15/12/2017 (sau 15 ngày kể từ ngày cưỡng chế), Ủy ban nhân dân phường Hà Phong mới gửi "Thông báo tạm cư" cho hộ gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh.
Các hộ gia đình khác trong "Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong” sẽ không tránh khỏi thiệt thòi, khi Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long áp dụng phương thức và đơn giá đền bù nêu trên. Xem thêm tại đây.
Ngày 28/11/2017, ông Cao Đăng Long - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hà Phong - đã ký Thông báo số 122-TB-UBND về việc “bảo vệ mặt bằng” gửi tới hộ gia đình ông Vũ Bá Quang - bà Vũ Thị Thanh, nhưng không nêu rõ có nội dung.
Ngày 30/11/2017, ông Cao Đăng Long đã trực tiếp chỉ huy bảo vệ mặt bằng, thực chất đã cưỡng chế, phá dỡ nhà toàn bộ căn nhà 03 (ba) tầng của hộ gia đình anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh, trong khi cả gia đình vắng mặt.
Công ty Luật TNHH Everest đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác minh, xử lý hành vi có dấu hiệu rõ ràng “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (tội phạm quy định tại Điều 282 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009) của ông Cao Đăng Long.
Sau khi "bảo vệ mặt bằng", gia đình anh Vũ Bá Quang - chị Vũ Thị Thanh rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất"
Ngày 16/12/2019, vụ án hành chính yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất - người khởi kiện là anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh, người bị kiện Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, đã kết thúc bằng Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội - bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện.
Những nội dung (nêu trên), đã được người khởi kiện và các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest trình bày chi tiết, kèm theo các tài liệu chứng cứ, nhưng không được Tòa án xem xét một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai.
Đại diện cho Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, ông Đặng Quốc Hưng - Phòng tài nguyên Môi trường - tại Tòa án đã đưa ra những lập luận rất ‘lạ’, diễn giải quy định của Điểm e Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai: ‘đất ở có nguy cơ sạt lở… đe dọa tính mạng con người, thì… thu hồi, không phân biệt do thiên tai hay nhân họa’. Vị này ‘quên’ rằng: Nhà nước không thể dùng quỹ đất tái định cư để bồi thường thay cho sai phạm của doanh nghiệp.
Những luận điểm ‘phi lý’ của Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, như: khe nước (nhỏ) có nguy cơ gây ra “lũ quét”, “sạt lở” [?]; Suối Lộ Phong (đã có kè bê tông chắc chắn, có mực nước thấp hơn cả chục mét) nhưng có thể gây nguy hiểm cho khu dân cư [?], thì đều được Tòa án chấp nhận.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ được thi hành. Thế nhưng, người khởi kiện gọi đây là “Bản án bỏ túi”. Bởi, Bản án phúc thẩm dài hơn 10 trang A4 được Thẩm phán tuyên ngay sau khi Nghị án khoảng 10 phút, hoàn toàn không dựa trên diễn biến tại phiên Tòa.
Tóm tắt vụ việc:
Năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long thông báo về việc thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong để thực hiện: “Dự án thu hồi các thửa đất sạt lở… tại phường Hà Phong”).
Trong các năm 2016, 2017, 2018 và Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long ban hành các quyết định thu hồi đất; quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với 29 gia đình, cá nhân sinh sống tại tổ 30, khu 4A, phường Hà Phong.
Nhiều trường hợp như: Hộ gia đình bà Đoàn Thị Thái bị thu hồi nhà và toàn bộ 140 m2 đất, nhưng toàn bộ tiền bồi thường, hỗ trợ chỉ có 100 triệu đồng; Hộ gia đình như anh Vũ Bá Quang và chị Vũ Thị Thanh, ông Vũ Bá Quy và bà Nguyễn Thị Liền…, sau 03 năm bị thu hồi đất vẫn trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm