Thu hồi đất tại Cát Hải (Dự án Deep C III): Không có 'hợp đồng thuê đất', chỉ có 'hợp đồng thuê cơ sở mặt nước'

view 5459
comment-forum-solid 0

Tại "Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng” (gọi tắt là “Dự án Deep C III”), đơn giá đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản được Nhà nước áp dụng để bồi thường khi thu hồi đất là 48.000 đồng/m2, tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất được tính bằng 05 (năm) lần giá đất.

Như vậy, tổng cộng người bị thu hồi đất lẽ ra được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ là 288.000 đồng/m2 đất nuôi trồng thủy sản bị Nhà nước thu hồi. Thế nhưng, hàng trăm hộ nông dân nuôi trồng thủy sản bị thu hồi đất cho Dự án Deep C III chỉ được bồi thường mức 9.600 đồng/m2, nghĩa là chỉ bằng 3,3% mức bồi thường, hỗ trợ là 288.000 đồng (nêu trên).

Lý giải cho việc hàng trăm hộ nông dân nuôi trồng thủy sản bị thu hồi đất cho Dự án Deep C III chỉ được bồi thường rẻ mạt, mức 9.600 đồng/m2 - không bằng ‘giá mớ rau muống’ tại Cát Hải - Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải cho rằng: đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản của các hộ nông dân bị thu hồi đất thuộc diện "đất thuê của Nhà nước". Áp dụng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai năm 2013 thì người bị thu hồi đất “không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại” khi Nhà nước thu hồi đất" (bằng mức 20% giá đất).

Về nội dung này, các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest bảo vệ quyền lợi cho khách hàng (người bị thu hồi đất) khẳng định: đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản của các hộ nông dân bị thu hồi đất tại Dự án Deep C III phải được xác định là đất ‘khai hoang’, sử dụng trước năm 1993. Áp dụng Khoản 1 Điều 75, Khoản 2 Điều 77 và Khoản 1 Điều 83 Luật Đất đai năm 2013, người bị thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Hồ sơ vụ việc cũng thể hiện: không có các “hợp đồng thuê đất” của Nhà nước, mà chỉ có các “Hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản” ký giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và người nuôi trồng thủy sản.

Câu hỏi đặt ra: [?] Tại sao nông dân cả nước được giao đất nông nghiệp, nhưng nông dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Cát Hải không được giao đất, mà phải thuê đất; [?] Tại sao tại huyện Cát Hải có những hợp đồng ‘lạ’ với tên gọi: “Hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”; [?] Tại sao không có “hợp đồng thuê đất” mà Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải vẫn khẳng định đất nuôi trồng thủy sản bị Nhà nước thu hồi để triển khai Dự án Deep C III thuộc trường hợp “đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm”.

Những 'nông dân không đất' ở Cát Hải phản ánh với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) Những 'nông dân không đất' ở Cát Hải phản ánh với Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- Vì sao không phải là “hợp đồng thuê đất”, mà lại là “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”?

Đối thoại, tranh luận với người bị thu hồi đất khiếu kiện, đại diện của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải (ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải)  đã phải thừa nhận: “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản” không phải là “hợp đồng thuê đất”. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng (kiểm sát viên Phạm Thị Hồng Thúy) kiểm sát việc tuân theo pháp luật các vụ án hành chính “khiếu nại quyết định hành chính thu hồi đất” xác nhận: “có sai sót” trong các “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật đất đai thì thấy rằng: các quy định của pháp luật đất đai thể hiện, có sự phân biệt rõ ràng giữa các khái niệm: “đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản”“mặt nước”, “đất có mặt nước”, “mặt nước nội địa”, “mặt nước ven biển”.

Cụ thể, về các khái niệm này tại Luật Đất đai năm 1987: “Đất nông nghiệp… nuôi trồng thuỷ sản” (Điều 23), “Đất chuyên dùng là đất được xác định dùng vào các mục đích không phải là nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc đất khu dân cư như: ... đất có mặt nước sử dụng vào các mục đích không phải là nông nghiệp” (Điều 36);

Luật Đất đai năm 1993: “Đất nông nghiệp… nuôi trồng thuỷ sản” (Điều 42). “Việc sử dụng mặt nước nội địa để nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và vào các mục đích khác được quy định như sau: 1- Ao, hồ, đầm không thể giao hết cho một hộ gia đình, một cá nhân thì giao cho nhiều hộ gia đình, nhiều cá nhân hoặc tổ chức kinh tế sử dụng…” (Điều 47);

Luật Đất đai năm 2003: “Đất nuôi trồng thủy sản” (Điểm e Khoản 1 Điều 13), “Việc sử dụng đất có mặt nước nội địa để nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp được quy định như sau: 1- Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao, cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản…” (Điều 78), “Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…” (Điều 79).

Luật Đất đai năm 2013: “Đất nuôi trồng thủy sản” (Điểm e Khoản 1 Điều 10), “Đất có mặt nước nội địa: 1- Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao theo hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản... Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân…” (Điều 139), “Đất có mặt nước ven biển: 1- Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân… để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…” (Điều 140).

Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật đất đai qua các thời kỳ đều phân biệt rõ khái niệm: “đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản” với: “mặt nước”, “đất có mặt nước” “mặt nước nội địa”, “mặt nước ven biển”.

Tại hồ sơ vụ việc các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản “khiếu kiện các quyết định hành chính” mà Công ty Luật TNHH Everest đang thụ lý, thể hiện các chứng cứ mà Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải (người bị kiện) đưa ra để chứng minh: đây thuộc trường hợp “đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm” (theo Điểm c, Khoản 1 Điều 76 Luật đất đai năm 2013) là các “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”, mà không phải "hợp đồng thuê đất".

Do đó, người khởi kiện (người bị thu hồi đất) là ông Trần Đức Vệ và bà Bùi Thị Chuyền, ông Nguyễn Văn Trọng và bà Nguyễn Thị Hợp trong vụ án hành chính "khiếu kiện các quyết định hành chính thu hồi đất", cho rằng: "Hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản” - không phải là “hợp đồng thuê đất”.

Những 'nông dân không đất' ở Cát Hải phản ánh với Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

- "Đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản" bị thu hồi tại Dự án Deep C III cần được xác định chính xác là "đất khai hoang".

Câu hỏi đặt ra: "đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản" mà hộ gia đình, cá nhân tại huyện Cát hải bị thu hồi để triển khai Dự án Deep C III có tính chất pháp lý như thế nào (?). Vấn đề này, đối chiếu với quy định của pháp luật đất đai, các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest cho rằng: đây cần được xác định là "đất khai hoang". Cụ thể:

  • Về việc Ủy ban nhân nhân huyện Cát Hải không giao "đất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản" cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

Ngày 15/10/1993, Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64-CP ngày 27/09/1993 về việc ban hành quy định “giao nhất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp”) có hiệu lực thi hành. Các văn bản pháp luật này quy định rõ: nhằm bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất, Nhà nước giao hết đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã (không quá 5% quỹ đất nông nghiệp).

Ngày 04/01/1994, để triển khai Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64-CP, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 03/QĐ-UB về việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Thế nhưng thực tế là, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải chỉ tiến hành giao đất trồng lúa và đất làm muối cho các hộ gia đình, cá nhân các xã khu vực Cát Hải và giao đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm cho các hộ gia đình, cá nhân các xã khu vực Cát Bà, không giao đất nuôi trồng thủy sản (một loại đất nông nghiệp) cho các hộ gia đình, cá nhân trong huyện Cát Hải. Huyện Cát Hải tiếp tục giữ lại toàn bộ đất đầm hồ nuôi trồng thủy sản và cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đầm, hồ để nuôi trồng thủy sản bằng hình thức ký các hợp đồng thuê khoán có thời hạn 05 năm/lần.

Có thể  Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện Cát Hải sau khi rà soát lại các "hợp đồng thuê khoán" đất nuôi trồng thủy sản (vào khoảng những năm 2005-2006) đã nhận ra: không căn cứ pháp luật để cho thuê các thửa đất “nuôi trồng thủy sản”. Bởi, đây là đất nông nghiệp theo quy định phải giao hết đất cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp sử dụng. Chính quyền huyện Cát Hải đã ‘lấp’ thiếu sót này bằng cách: thay vì ký với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản “hợp đồng thuê đất”, thì chuyển thành “hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản”.

  • Quy định của pháp luật về đất khai hoang:

Việc “khai hoang” đất là hoạt động được khuyến khích trong quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ: Điều 2 Luật Đất đai năm 1987, Điều 5 Luật Đất đai năm 1993, Điều 12 Luật Đất đai năm 2003, Điều 9 Luật Đất đai năm 2013.

Thuật ngữ “khai hoang” không định nghĩa trong pháp luật đất đai cho tới ngày 29/12/2014 được quy định tại Thông tư số 52/2014/TT-BTNMT. Trong khi đó, khái niệm “khai hoang” thông thường trong tiếng Việt hiểu là: mở mang, khai phá ruộng đất. Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, được Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng xem và lưu bút tích ngày 07/03/1987 - Nhà xuất bản Hồng Đức định nghĩa: (i) “khai” - “mở cho lối thoát, bằng cách gạt bỏ những vật chắn, vật cản trở”; “Mở ra, làm cho bắt đầu tồn tại và hoạt động”; (ii) “khai hoang” - “khai phá vùng đất hoang”.

Thực tế, thời điểm người dân thị trấn Cát Hải “khai hoang” “đất nuôi trồng thủy sản” từ trước năm 1990, ban đầu vào khoảng năm 1985, người dân địa phương Cát Hải đã đánh bắt tự nhiên, tới thời điểm năm 1990 đã thực hiện phân định ranh giới, vây lưới để nuôi thả rau câu, tới thời điểm từ 1995 be bờ, đắp đập, đào đầm... Đây phải được hiểu chính xác là hoạt động “khai hoang” đất. Nội dung này đã thể hiện rõ tại các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Ví dụ cụ thể: cùng một “Đầm Công an” (thị trấn Cát Hải), nhưng một phần diện tích đầm lại xác định là “khai hoang” (diện tích do ông Bùi Đức Chỉnh khai hoang), một diện tích lại xác định là “hồ dự trữ nước và tiêu thoát nước” - trái với thực tế khách quan.

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.88603 sec| 1072.039 kb