Tổng hợp các vấn đề pháp lý nổi bật về pháp nhân

view 774
comment-forum-solid 0

Trong kinh doanh nói riêng và các vấn đề khác nói chung, tư cách pháp nhân là một thuật ngữ dùng để phân biệt các chủ thể doanh nghiệp là tổ chức với cá nhân trong quan hệ pháp luật. Bài viết dưới đây xin phép cung cấp một vài thông tin theo quy định của pháp nhân.

pháp nhân Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Bích Phượng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Pháp nhân là gì? 

Tuy không quy định cụ thể về khái niệm, nhưng qua các điều kiện được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 thì có thể đưa ra một khái niệm cơ bản của pháp nhân:

Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác.

Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định. Ví dụ như: Công ty TNHH, Công ty cổ phần…

Điều kiện để doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

Thứ nhất, pháp nhân là một chủ thể pháp luật được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

Pháp nhân không phải là một cá nhân mà phải là một tổ chức. Pháp nhân có thể được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

Như vậy, một doanh nghiệp có thể được coi là có tư cách pháp nhân tại thời điểm doanh nghiệp đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tức là được pháp luật công nhận việc khai sinh ra doanh nghiệp. Nhưng không phải bất kỳ tổ chức nào được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam  cũng có tư cách pháp nhân (Doanh nghiệp tư nhân).

Pháp nhân phải đảm bảo một số quy định khác về tên gọi, trụ sở,…

Pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Theo Điều 83 Bộ luật dân sự năm 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lý chặt chẽ:

Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

Điều lệ của pháp nhân do các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên xây dựng và thống nhất thông qua. Nếu pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều lệ do cơ quan nhà nước đã thành lập xây dựng.

Pháp nhân có con dấu riêng do người đại diện của tổ chức quản lý và sử dụng.

Như vậy một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân.

Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với các tài sản đó

Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.

Đối với công ty cổ phần, các cổ đông mua cổ phần, góp vốn vào công ty, thì tài sản này phải độc lập với tài sản của các cổ đông. Hoặc một trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân dù được thành lập hợp pháp là doanh nghiệp tư nhân, vì tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách biệt với tài sản cá nhân– chủ doanh nghiệp tư nhân đó.

Pháp nhân có quyền nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật

Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật. Người này là một cá nhân có quyền thực hiện mọi giao dịch dân sự phát sinh trong quá trình hoạt động. Tham gia với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước tòa án, trọng tài và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật bị bắt giam, bị bỏ tù, bị chết hoặc không còn đủ khả năng đại diện nữa thì pháp nhân đó có quyền bầu ra người đại diện theo pháp luật mới để tiếp tục hoạt động.

Để tìm hiểu thêm các điều kiện cụ thể để thành lập pháp nhân, mời bạn đọc xem thêm bài viết: Phân tích các điều kiện để trở thành pháp nhân

Phân loại pháp nhân

- Pháp nhân thương mại là gì?

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại có thể là doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế.

- Pháp nhân phi thương mại là gì?

Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại có thể là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, quỹ xã hội v.v...

Tìm hiểu các đặc điểm để so sánh hai loại pháp nhân này, xem ngay tại: So sánh pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại

Điều lệ của pháp nhân được quy định như thế nào?

Tùy từng loại pháp nhân cụ thể, điều lệ là một trong các giấy tờ bắt buộc phải có của pháp nhân. 

Điều lệ của pháp nhân sẽ có các nội dung chủ yếu như sau:

(i) Tên gọi

(ii) Mục đích và phạm vi hoạt động

(iii) Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện

(iv) Vốn điều lệ (nếu có)

(v) Đại diện theo pháp luật

(vi) Cơ cấu tổ chức

(vii) Điều kiện để trở thành thành viên

(viii) Quyền và nghĩa vụ của các thành viên pháp nhâ

(ix) Thể thức thông qua quyết định

(x) Thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ

(xi) Điều kiện tổ chức lại pháp nhân.

Quy định pháp luật về pháp nhân?

- Tên gọi của pháp nhân

Về tên gọi của pháp nhân, pháp luật quy định pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng việt, tên gọi nêu rõ loại hình của pháp nhân để phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.

Khi thực hiện giao dịch dân sự, pháp nhân sẽ sử dụng tên gọi của mình

Tên gọi của pháp nhân được pháp luật bảo vệ và công nhận.

- Trụ sở của pháp nhân

Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Nếu có thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải thông báo công khai. Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân.

- Quốc tịch của pháp nhân

Theo nguyên tắc nơi thành lập pháp nhân, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Tài sản của pháp nhân

Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp và các tài sản được xác lập quyền sở hữu của các thành viên pháp nhân.

- Thành lập, đăng ký pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước.

Việc đăng ký phải được công khai.

Xem ngay bài viết về pháp nhân nước ngoài tại: Các quy định pháp lý về pháp nhân nước ngoài?

Trách nhiệm dân sự của pháp nhân như thế nào?

Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Các cách tổ chức lại pháp nhân?

- Hợp nhất

 Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới.

Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

- Sáp nhập

Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập).

Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.

- Chia 

 Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.

Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

- Tách

 Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân.

Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

- Chuyển đổi hình thức

Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác.

Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi.

Tổ chức không có tư cách pháp nhân thì sẽ như thế nào: Tổ chức không có tư cách pháp nhân

Khi nào pháp nhân bị giải thế?

- Những trường hợp giải thể pháp nhân

(i) Theo quy định của điều lệ;

(ii) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(iii) Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(iv)Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể

Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây: (1) Chi phí giải thể pháp nhân; (2) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (3) Nợ thuế và các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc pháp luật có quy định khác.

- Pháp nhân nước ngoài có quy định gì khác so với pháp nhân Việt Nam không?

Theo cách xác định quốc tịch theo nguyên tắc thành lập, nếu pháp nhân nước ngoài thành lập theo pháp luật nước ngoài thì sẽ có quốc tịch nước ngoài.

Tài sản của pháp nhân nước ngoài chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Pháp nhân nước ngoài được phép thành lập và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam cho phép.

Xem thêm các vấn đề liên quan về dân sự tại đây!

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

Luật sư Nguyễn Bích Phượng

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-bich-phuong/ Luật sư Nguyễn Bích Phượng có 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty Luật TNHH Everest: Xử lý các vụ án liên quan đến tranh chấp về thừa kế, hôn nhân- gia đình, dân sự, lao động, doanh nghiệp.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.31780 sec| 1094.477 kb