Vụ án "chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn" (Quảng Ngãi): hủy bản án sơ thẩm do sai nghiêm trọng cả nội dung và tố tụng

view 2814
comment-forum-solid 0

Xét xử phúc thẩm vụ án: "chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn" tại thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, Hội đồng xét xử nhận định: Bản án sơ thẩm số 01/2020/HNGĐ-ST ngày 17/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (nay là Tòa án nhân dân thị xã Đức Phổ) đã vi phạm nghiêm trọng cả nội dung và tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích của đương sự, quyết định hủy toàn bộ để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Trước đó, Bản án sơ thẩm có nội dung: người chồng (bị đơn) được chia mảnh đất không có giấy tờ, còn phải thối lại cho vợ hơn 231 triệu đồng - gần như trắng tay. Người vợ (nguyên đơn) được chia mảnh đất trị giá 1,2 tỷ đồng, được giữ số tiền mặt 2,59 tỷ đồng, nhận số tiền chồng thối lại 231 triệu đồng - tổng cộng hưởng bốn (04) tỷ đồng (làm tròn).

Các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest trong quá trình tranh tụng cấp phúc thẩm đã nhận định: Tài sản chung của vợ chồng trong thời hôn nhân thuộc “sở hữu chung hợp nhất”, thế nhưng trong phương án giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét tổng thể khối tài sản chung, nghĩa vụ chung, mà tách riêng từng tài sản và nghĩa vụ như đối với trường hợp sở hữu chung theo phần. Sai lầm về phương án giải quyết vụ án dẫn đến sai phạm nghiêm trọng cả nội dung và tố tụng.

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

- Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét tổng thể khối tài sản chung và nghĩa vụ chung, mà tách riêng từng tài sản và nghĩa vụ như đối với trường hợp sở hữu chung theo phần

Điều 210 Bộ luật dân sự năm 2015: “Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung”.

Khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng”.

Trên căn cứ đó, khi nguyên đơn và bị đơn yêu cầu chia tài sản chung sau khi ly hôn, Tòa án cần xác định chính xác toàn bộ khối tài sản chung (nghĩa vụ chung, nếu có) để phân chia. Trường hợp một bên đề nghị tách một hoặc một số tài sản, nghĩa vụ khỏi khối tài sản chung, không yêu cầu Tòa án giải quyết, về nguyên tắc phải được bên còn lại chấp nhận.

Hồ sơ vụ án thể hiện, nguyên đơn và bị đơn khai (có quan điểm khác nhau) về tài sản chung và các khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm:

Nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) trình bày khác biệt với bị đơn về các tài sản chung: 01 căn nhà trên thửa đất nhận chuyển nhượng của bà Lê Thị Hảo tại khu dân cư làng cá Sa Huỳnh và các khoản nợ chung như nợ: bà Bùi Thị Lệ 02 cây vàng 9999 và 50.000.000 đồng; bà Đỗ Thị Liễu 100.000.000 đồng; ông Phan Dư Anh 350.000.000 đồng; ông Phạm Ngọc Quân 400.000.000 đồng - mua vỏ tàu; ông Nguyễn Thành Tâm 50.000.000 đồng; ông Nguyễn Tấn Thập 210.000.000 đồng; bà Nguyễn Thị Thủy 120.000.000 đồng; ông Trần Quốc Vị 55.000.000 đồng…”.

Trong khi đó, bị đơn (anh Nguyễn Mai) cho rằng: 01 căn nhà trên thửa đất nhận chuyển nhượng của bà Lê Thị Hảo tại khu dân cư làng cá Sa Huỳnh được mua bằng tiền của bố mẹ đẻ của nguyên đơn (là ông Nguyễn Mới và bà Trần Thị Thạnh). Sự thật là có việc giao tiền giữa ông Nguyễn Mới, bà Trần Thị Thạnh cho bị đơn Nguyễn Mai, có người chứng kiến, không có việc tặng cho tài sản (cả bằng miệng và văn bản). Bị đơn (anh Nguyễn Mai) cũng cho rằng: không biết đến những khoản nợ của bà Bùi Thị Lệ, bà Đỗ Thị Liễu, ông Phan Dư Anh, ông Phạm Ngọc Quân, ông Nguyễn Thành Tâm, ông Nguyễn Tấn Thập, bà Nguyễn Thị Thủy, ông Trần Quốc Vị.

Như vậy, khi giải quyết vụ án, Tòa án sơ thẩm cần phải xác định và đưa vào phân chia toàn bộ các tài sản (chung) và nợ chung (nếu có). Thế nhưng, Tòa án sơ thẩm đã: (i) đình chỉ giải quyết với yêu cầu chia tài sản đối với một số tài sản như giường, tủ, bàn ghế theo yêu cầu của nguyên đơn (lý do nguyên đơn rút yêu cầu); (ii) đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu chia số tiền bán tàu cá và tiền dầu hỗ trợ đánh bắt xa bờ theo yêu cầu bổ sung của bị đơn, (lý do: “Tòa án đã triệu tập hợp lệ anh Nguyễn Mai đến lần thứ hai nhưng anh Mai vẫn vắng mặt tại phiên tòa không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”). Đây là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự (chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích hệ lụy phần tiếp theo).

- Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng sai pháp luật, coi ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu phản tố, đã quyết định sai về nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí và đình chỉ một phần yêu cầu phân chia tài sản chung.

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định: yêu cầu giải quyết phần tài sản giá trị 2.558.000.000 đồng của bị đơn (anh Nguyễn Mai) tại Đơn khởi kiện ngày 14/04/2019 (Bút lục 287) là yêu cầu phản tố là không đúng bản chất.

Yêu cầu giải quyết phần tài sản giá trị 2.558.000.000 đồng (nêu trên) của bị đơn (anh Nguyễn Mai) không thuộc các trường hợp phản tố theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung này, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán ngày 03/12/2012 trong Phần thứ hai, cũng đã hướng dẫn rất rõ ràng tại Khoản 2 Điều 12: “Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập)”.

Yêu cầu của bị đơn (anh Nguyễn Mai) trong vụ án này là cùng yêu cầu với nguyên đơn - chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Bị đơn nêu ý kiến bổ sung về khối tài sản chung và nghĩa vụ chung cần chia. Chúng tôi nhận định: Yêu cầu này được coi là ý kiến của bị đơn (không phải là yêu cầu phản tố) và phải được xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Việc Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định sai về ý kiến của bị đơn (anh Nguyễn Mai), coi đây là yêu cầu phản tố, dẫn đến xác định sai nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí đối với bị đơn (anh Nguyễn Mai), buộc bị đơn (anh Nguyễn Mai) phải nộp số tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố số tiền 31.579.980 đồng, rồi tiếp đó đình chỉ vụ án với lý do: “Tòa án đã triệu tập hợp lệ anh Nguyễn Mai đến lần thứ hai nhưng anh Mai vẫn vắng mặt tại phiên tòa không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”. Đây là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định đúng tư cách của những người tham gia tố tụng, bỏ sót "người làm chứng" và “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan’’

• Về tài sản chung: Lời khai của nguyên đơn và bị đơn chưa thống nhất về quá trình sử dụng số tiền bán tàu cá và tiền dầu hỗ trợ đánh bắt xa bờ, cụ thể:

(1) Đối với khoản tiền dầu được hỗ trợ 100.000.000 đồng khi bán tàu cá cho ông Nguyễn Lực: Nguyên đơn khai “chia cho bạn đi tàu hết”. Còn bị đơn chỉ biết “số tiền này chị Tân giữ” (Bút lục số 312).

(2) Đối với khoản tiền bán tàu cá cho ông Bùi Văn Trọng 615.000.000 đồng: nguyên đơn và bị đơn cùng thừa nhận: Anh Trọng chuyển 600.000.000 đồng vào số tài khoản của nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) và đưa 15.000.000 đồng tiền mặt cho bị đơn (anh Nguyễn Mai). Nhưng nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) khai: “Chị rút số tiền này đưa cho anh Mai đi trả nợ chung”, còn bị đơn (anh Nguyễn Mai) khai: “chị Tân sử dụng, anh không biết” (Bút lục số 312).

(3) Đối với khoản tiền dầu hỗ trợ 628.000.000 đồng: nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) khai “số tiền này chị trả nợ chung”, bị đơn (anh Nguyễn Mai) cho rằng “Tiền chị Tân nhận thì chị Tân giữ, anh không biết sử dụng vào mục đích gì” (Bút lục số 312).

• Về các khoản nợ chung:

Bị đơn và nguyên đơn cùng công nhận (từng) có khoản nợ chung là tiền nợ ông Trần Quốc Sang 320.000.000 đồng (Bút lục số 312) và chỉ còn nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 200.000.000 đồng (Bút lục số 326). Nhưng nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) cho rằng: “chị đã trả cho ông Sang rồi”, còn bị đơn (anh Nguyễn Mai) yêu cầu: “chia đôi khoản nợ trên” (Bút lục số 285).

Nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) nêu ra một số khoản nợ chung (Bút lục 326): Nợ bà Bùi Thị Lệ 02 cây vàng 9999 và 50.000.000 đồng; Nợ bà Đỗ Thị Liễu 100.000.000 đồng; Nợ ông Phan Dư Anh 350.000.000 đồng; Nợ ông Phạm Ngọc Quân 400.000.000 đồng - mua vỏ tàu; Nợ ông Nguyễn Thành Tâm 50.000.000 đồng; Nợ ông Nguyễn Tấn Thập 210.000.000 đồng; Nợ bà Nguyễn Thị Thủy 120.000.000 đồng; Nợ ông Trần Quốc Vị 55.000.000 đồng…” (Bút lục 326).

Trong khi đó, bị đơn (anh Nguyễn Mai) phủ nhận các khoản nợ này (Bút lục 326), bị đơn không được biết nguyên đơn đã dùng khoản tiền bán tàu cá và tiền hỗ trợ dầu vào những việc gì (Bút lục 311).

Lời khai giữa các đương sự còn nhiều mâu thuẫn, quá trình sử dụng số tiền trên chưa minh bạch, chưa được xác minh làm rõ. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ chưa xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng. Những người có tên trong danh sách nợ nguyên đơn nêu ra có quyền lợi liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án.

Ngoài ra, cần làm rõ hành vi của nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân), có hay không hành vi sử dụng tài sản chung vào mục đích riêng, có vượt quá phạm vi đại diện giữa vợ và chồng. Thậm chí, chúng tôi thấy rằng: cần thiết chuyển vụ việc với cơ quan điều tra xác minh, làm rõ quá trình nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) đã sử dụng khoản tiền này, có hay không dấu hiệu lừa đảo, giấu giếm nhằm tránh phân chia, độc chiếm tài sản của nguyên đơn.

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây: “(c) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện quy định này này.

- Tòa án cấp sơ thẩm đã phân chia tài sản chung khi chưa làm rõ tính chất pháp lý và nguồn gốc hình thành của tài sản này

Bảng ước tính giá trị nhà cửa, vật kiến trúc. Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Về số tiền mua đất và xây nhà: Nguyên đơn (chị Văn Thị Kim Tân) cho rằng đất, nhà trên đất là tài sản chung của vợ chồng và “Toàn bộ số tiền mua đất, làm nhà đều là của tôi và anh Mai, không liên quan gì đến ông Nguyễn Mới” (Bút lục 322) nhưng không nêu được căn cứ chứng minh.

Trong khi đó, bị đơn (Nguyễn Mai) khẳng định đây không phải tài sản chung, nguồn gốc số tiền là do “ông Nguyễn Mới đã đưa tôi 500.000.000 đồng để mua đất và cất nhà” (Bút lục 81).

Đồng thời, ông Nguyễn Mới và bà Trần Thị Thạnh khẳng định: “việc giao tiền cho Nguyễn Mai mua đất có sự chứng kiến của người mua đất của tôi là ông Lê Đạm, ở thôn Thạch By 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Ngoài ra nhiều người còn biết vụ này”, “chưa hề có bất kỳ văn bản hay tuyên bố bằng miệng với ai về việc tặng cho luôn vợ chồng ông Mai, bà Tân số tiền 500.000.000 đồng cũng như quyền sử dụng thửa đất mua của bà Hảo cũng như quyền sở hữu nhà trên thửa đất” (Bút lục 302 và 303).

Như vậy, trong vụ án này, có ba (03) khả năng về tài sản nhà và đất nhận chuyển nhượng từ bà Lê Thị Hảo ở khu dân cư làng cá Sa Huỳnh: (1) tài sản này là tài sản chung của nguyên đơn và bị đơn trong thời kỳ hôn nhân mua bằng tiền tích lũy của nguyên đơn và bị đơn; (2) đây là tài sản của ông Nguyễn Mới và bà Trần Thị Thạnh; (3) đây là tài sản chung của nguyên đơn và bị đơn nhưng có nguồn gốc từ khoản tiền do ông Nguyễn Mới và bà Trần Thị Thạnh đưa cho (mượn, vay).

Thế nhưng, Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ dựa vào giấy chuyển nhượng có nội dung “bà Lê Thị Hảo cùng gia đình đồng ý chuyển nhượng lại thửa đất nói trên cho ông Nguyễn Mai, bà Văn Thị Kim Tân…” để kết luận: nhà, đất chuyển nhượng này là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của nguyên đơn và bị đơn là không khách quan, không đầy đủ, chưa xem xét, xác minh toàn bộ lời khai và các chứng cứ của các đương sự khác.

Hồ sơ vụ án thể hiện: Thửa đất nhận chuyển nhượng này chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai. Ủy ban nhân dân xã Phổ Thạnh cũng xác định đất này chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận. Tại Công văn số 3895/UBND của Ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ ngày 03/12/2018 về việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ, Ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ đã nêu rõ: “chưa đủ cơ sở để Ủy ban nhân dân huyện kết luận xem xét đủ hay không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (Bút lục số 252). Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm nhận định: “diện tích đất này là tài sản chung của anh Mai, chị Tân và giao cho một bên quản lý, sử dụng thì đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và xác định thửa đất này là đất ở, dự tính lệ phí khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận là 400.000 đồng/m2 và định giá đất ở giá trị 1.458.000.000 đồng – là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của đương sự.

Căn cứ Luật đất đai năm 2013, việc xác nhận thửa đất có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền xác nhận tình trạng nguồn gốc sử dụng đất tại địa phương, có hay không có tranh chấp đất đai. Như vậy, việc khắng định thửa đất đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận, thẩm định giá tài sản và phân chia tài sản khi chưa có kết luận cuối cùng, chưa có ý kiến giải quyết của cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ (huyện Đức Phổ cũ) theo Bản án sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này đúng ra, Tòa án sơ thẩm tạm đình chỉ giải quyết vụ án căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”.

Chúng tôi cũng cho rằng: cần triệu tập Ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Xem thêm:

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật hôn nhân được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Luật sư Phạm Ngọc Minh

https://everest.org.vn/luat-su-pham-ngoc-minh/ Luật sư Phạm Ngọc Minh - CEO Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.19161 sec| 1104.055 kb