Ai là người có quyền nuôi con sau ly hôn? Đây là một vấn đề được các cặp vợ chồng đặc biệt quan tâm khi cuộc hôn nhân của họ không thể tiếp tục được.
Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn, vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án công nhận việc thỏa thuận nuôi con hoặc giải quyết tranh chấp về nuôi con (trong trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận được). Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục ly hôn, vợ hoặc chồng cũng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ việc liên quan đến thỏa thuận nuôi con hoặc giải quyết tranh chấp về nuôi con. Để đảm bảo quyền lợi của con cũng như tạo điều kiện tốt nhất để con có thể có được môi trường phát triển, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định khá rõ về vấn đề này.
Luật sư Trần Đình Thanh - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198
Theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ:
"1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội".
Quy định này phù hợp với nét văn hóa truyền thống của Việt Nam: cha mẹ chăm lo, nuôi dưỡng con cái; con cái khi trưởng thành có trách nhiệm báo hiếu với cha mẹ; khi cha mẹ chết đi thì có trách nhiệm, bổn phận thờ cúng theo phong tục của địa phương... Theo quy định của pháp luật, việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái không chỉ là quyền (được làm) mà còn là nghĩa vụ (phải làm) của cha mẹ. Quyền và nghĩa vụ đối với con luôn đặt ra với người làm cha, làm mẹ không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha và mẹ còn tồn tại hay đã chấm dứt. Do đó, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan (Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn liên quan đều có quy định thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận của vợ chồng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Có nghĩa là, khi ly hôn hoặc sau khi đã hoàn thành thủ tục ly hôn, cha mẹ đều có quyền được Tòa án công nhận thỏa thuận nuôi con. Bởi việc vợ chồng tự thỏa thuận được vấn đề nuôi dưỡng, giáo dục con cái sẽ là cơ sở để con được sống trong môi trường tốt đẹp nhất, được phát triển bình thường nhất, không bên nào trong quan hệ bị gò ép, bó buộc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi mục đích hôn nhân không đạt được, người cha hoặc người mẹ lại muốn giành quyền nuôi con cho riêng mình. Cụ thể về điều kiện được nuôi con sau ly hôn như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi:
Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".
Như vậy, đối với trường hợp này, người mẹ được ưu tiên việc trực tiếp được nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Tuy nhiên, người mẹ cũng cần đáp ứng những điều kiện về thu nhập, chỗ ở, không bị xử lý về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe,...
Cũng theo đó, nếu người bố muốn giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chứng minh việc người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cụ thể:
Thứ hai, đối với con từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi
Đối với trường hợp này, Tòa án sẽ xem xét việc bên nào có điều kiện tốt hơn, môi trường sống phù hợp,... để quyết định giao con cho bên đó chăm sóc.
Các điều kiện cơ bản như: về thu nhập của vợ/chồng; tính chất công việc; thời gian giành cho con; môi trường học tập, sinh sống hiện tại của con; nhân cách đạo đức của cha, mẹ;...
Do đó, cha mẹ muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh được điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con của mình tốt hơn, đảm bảo cuộc sống tốt nhất và điều kiện phát triển của con hơn.
Thứ ba, đối với con đủ 07 tuổi trở lên
Cũng giống trường hợp con từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi, cha mẹ muốn giành quyền nuôi con đủ 07 tuổi trở lên thì phải chứng minh được điều kiện nuôi con tốt hơn bên còn lại. Tuy nhiên, ngoài việc xem xét về điều kiện nuôi con, Tòa án cũng sẽ xem xét về nguyện vọng của con. Do đó, mặc dù có điều kiện tốt hơn đối phương, nhưng nguyện vọng của con là được ở với họ thì Tòa án cũng sẽ xem xét giao con cho người có điều kiện kém hơn.
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình (24/7): 1900 6198
Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ sau đây: (1) Cha, mẹ có thỏa thuận; (2) Cha/mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi trên phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: (1) Người thân thích; (2) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; (3) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; (4) Hội liên hiệp phụ nữ.
Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Đối với người không trực tiếp nuôi con, việc cấp dưỡng được luật quy định vừa là quyền (được làm), vừa là nghĩa vụ (phải làm). Sau ly hôn, họ sẽ phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
Trước hết, mức cấp dưỡng sẽ do hai bên (cha và mẹ) thỏa thuận căn cứ vào thu nhập thực tế, khả năng tài chính của người cấp dưỡng cũng như nhu cầu chi tiêu của người con. Đặc biệt, khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng cũng do các bên thỏa thuận. Chỉ khi không thể thỏa thuận được, Tòa án mới quyết định áp dụng mức cấp dưỡng cho các bên. Các phương thức cấp dưỡng cũng khá linh hoạt; có thể cấp dưỡng định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận. Thực tế, Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm