Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, được quy định như thế nào?

Bởi Trần Thu Hoài - 08/07/2020
view 1458
comment-forum-solid 0

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có thể bị phạt tới 07 năm tù.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Trần Thị Thu Hoài - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn  (24/7): 1900 6198

- Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là gì?

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: "Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt: 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; c) Vì động cơ đê hèn; d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt".

Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được hiểu là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

- Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt khi đáp ứng các yếu tố cấu thành như sau:

Khách thể của tội phạm

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội; phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam đối với thi thể, mồ mả, hài cốt của người đã chết.

Đối tượng của tội  xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là thi thể, mồ mả, hài cốt. Hiện nay, Điều luật 319 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không định nghĩa thế nào là ‘mồ’, ‘mả’. Do đó, khái niệm “mồ mả” cần đối chiếu với nghĩa thông thường trong dân sự.

Từ điển Tiếng Việt Chủ biên Giáo sư Hoàng Phê, có định nghĩa mồ mả như sau: “Mồ mả (danh từ) là nơi chôn cất người chết, mồ mả cha ông”; “Mồ” nghĩa là mộ, nấm mộ, nhà mộ, là nơi chôn cất (hoặc chôn cất tượng trưng) người chết, được đắp hoặc xây cao hơn xung quanh; “Mả” là chỗ chôn người chết được đắp cao. Như vậy, các khái niệm đều chỉ ra rằng, "mồ", "mả" phải có hài cốt của người chết.

Chủ thể của tội phạm

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thuộc vào phần các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng chính vì vậy chủ thể của tội này không cần thiết phải là chủ thể đặc biệt tức là người phạm tội chỉ cần đạt đến độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự thì đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm. Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được thể hiện ở các việc bao gồm:

(i) Đào, phá mồ mả. Đây được coi là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mả không còn nguyên vẹn như trước. Hành vi đào, phá mồ mả được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ và mục đích khác nhau. Ví dụ: để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố; đề che dấu hành vi phạm tội,...

Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không bị coi là hành vi phạm tội. Ví dụ: đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài họa tiết trang trí trên mộ,...

(ii) Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ. Đây là hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ và thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt những đồ vật để trong quan tài), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để trong mộ. Ví dụ: lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) để chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, đi ảnh,...).

(iii) Các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Ở đây, các hành vi khác nói đến là bất cứ hành vi nào mà xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt. Có thể kể đến như: đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia sẻ hài cốt,...

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội phạm có cấu thành hình thức chính vì vậy hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này hay nói cách khác tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện một trong những hành vi nêu ở trên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Tức là người phạm tội nhận thức rõ việc làm của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc để mặc hậu quả xảy ra.

Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có thể xuất phát từ những động cơ, mục đích khác nhau như vụ lợi, trả thù cá nhân, mê tín, dị đoan…

- Hình phạt đối với tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Khung hình phạt cơ bản của tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trong trường hợp hành vi của người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; vì động cơ đê hèn; chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt thì sẽ có tình tiết định khung tăng nặng với hình phạt tù từ 02 đến 07 năm.

Xem thêm: 

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.51176 sec| 1044.688 kb