Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Căn cứ để tiến hành việc ly hôn là giữa vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, tình trạng hôn nhân rơi vào căng thẳng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình hạnh phúc không đạt được.
Tuy nhiên, có những trường hợp ly hôn trên thực tế không phải vì tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài mà vì mục đích khác. Đó chính là ly hôn giả tạo.
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn giả tạo như sau: "Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân"
Rõ ràng, ly hôn giả tạo khác với trường hợp ly hôn thông thường. Thực chất của việc ly hôn giả tạo là nhằm mục đích khác chứ không phải chấm dứt tình trạng hôn nhân trầm trọng để giải thoát cho mỗi bên, để họ có cuộc sống riêng. Các mục đích hướng tới khi ly hôn giả trên thực tế có thể kể đến như:
(i) Trốn tránh nghĩa vụ về tài sản như: ly hôn để cho vợ/chồng toàn bộ tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ,…
(ii) Vi phạm chính sách, pháp luật về dân số
(iii) Để đạt được mục đích khác như: Ly hôn để lấy chồng nước ngoài sau đó bảo lãnh sang nước ngoài theo diện bảo lãnh….
Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp cấm kết hôn, trong đó có liệt kê trường hợp ly hôn giả tạo tại điểm a khoản này.
Như vậy, ly hôn giả tạo là hành vi vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, xâm phạm tới trật tự quản lý xã hội và chế độ hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay. Việc cấm ly hôn giả tạo là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ hôn nhân là chuyện trăm năm của đời người, nếu ly hôn xảy ra hậu quả nghiêm trọng rồi mới yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ, khi đó những hệ lụy của nó tác động đến vợ chồng và con cái là rất khó khắc phục.
Vợ, chồng ly hôn nếu được Tòa án chấp nhận thì vẫn tiến hành giải quyết bình thường và hậu quả là quan hệ về nhân thân và quan hệ tài sản của vợ, chồng sẽ chấm dứt. Trong trường hợp Tòa án xem xét thấy rằng việc ly hôn là giả tạo, nhằm thực hiện mục đích khác, tình trạng vợ chồng chưa trầm trọng, chưa có căn cứ ly hôn thì sẽ không chấp nhận yêu cầu ly hôn đó.
Theo quy định của pháp luật, ly hôn giả tạo là hành vi bị pháp luật cấm và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 48 của Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 110/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ly hôn giả tạo như sau:
"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân"
Như vậy, ly hôn giả tạo có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả của hành vi đó.
Ly hôn giả tạo như con dao hai lưỡi, dù giúp cho vợ chồng đạt được mục đích của mình, tuy nhiên khi đã tiến hành ly hôn thì pháp luật không thể bảo vệ quyền làm chồng hay làm vợ của những người đã ly hôn.
Xem thêm: Chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn sẽ phải chịu những loại lệ phí gì?
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm