Khoản nợ của người vay tiền đã chết sẽ tiếp tục được thanh toán trong phạm vi di sản mà họ để lại. Theo đó nội dung về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người đã chết được quy định rõ ràng tại Điều 615, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật dân sự, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Theo Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản được hiểu là: "sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Chủ thể của hợp đồng vay: bên cho vay và bên vay. Hợp đồng vay tài sản thường có hai loại: hợp đồng vay tài sản có lãi và hợp đồng vay tài sản không có lãi. Hợp đồng vay tài sản bao gồm một số đặc điểm như sau:
(i) Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ
Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ: hợp đồng vay có hiệu lực từ thời điểm bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay thì chỉ có bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay.
Thứ hai, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ: hợp đồng vay có hiệu lực từ thời điểm giao kết thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển giao tài sản vay; còn bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay.
(ii) Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù
Thứ nhất, hợp đồng vay có đền bù là vay có lãi. Khoản lãi này là lợi ích vật chất mà bên cho vay nhận được từ hợp đồng vay. Lãi trong hợp đồng vay do các bên tự thỏa thuận.
Thứ hai, hợp đồng không có đền bù là hợp đồng mà bên cho vay không lấy lãi đối với bên vay. Thông thường hợp đồng vay không có đền bù được xác lập với những người có quan hệ thân tích, tình cảm,.... và mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Xem thêm: Hợp đồng cho vay tài sản
Khoản nợ của người đã chết là nghĩa vụ tài sản mà lẽ ra khi sống người đó phải có trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay thì theo Điều 615, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định chủ thể và các trường hợp thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
(i) Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Theo đó, trách nhiệm của người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại chỉ áp dụng với người hưởng di sản thừa kế. Nếu người thừa kế đã từ chối quyền hưởng di sản thì họ không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.
Những người hưởng thừa kế thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của người chết để lại. Sau khi thanh toán toàn bộ nghĩa vụ của người chết để lại và những chi phí khác liên quan đến di sản thừa kế, nếu tài sản không còn thì khi đó không còn tài sản để chia thừa kế, nếu tài sản còn (dù ít hay nhiều) thì đây mới được gọi là di sản thừa kế.
(ii) Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trong trường hợp di sản chưa được chia có nghĩa là khối tài sản này chưa xác định rõ ràng phần quyền của những người thừa kế. Khi đó, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của người thừa kế sẽ do những người thừa kế thỏa thuận trong phạm vi di sản mà người chết để lại và được tất cả những người hưởng di sản thực hiện.
(iii) Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Mỗi người thừa kế chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần di sản mà người đó được hưởng trên toàn bộ khối tài sản.
(iv) Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Người thừa kế là cá nhân, pháp nhân, các cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác đều là người có quyền được hưởng di sản thừa kế của người chết để lại. Theo đó, họ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, kể cả Nhà nước. Những người thừa kế này chỉ thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết trong phạm vi di sản mà họ được hưởng theo di chúc.
Tham khảo: Tôi không muốn thừa kế tài sản, vậy phải làm thế nào?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 422, Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại thì sẽ xảy ra hai trường hợp:
(i) Hợp đồng vẫn có hiệu lực nếu có thể do cá nhân, pháp nhân khác thực hiện
(ii) Hợp đồng sẽ chấm dứt nếu hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện
Đây là trường hợp hợp đồng không thể chuyển giao sang cho chủ thể khác thực hiện được ví dụ như hợp đồng liên quan đến bí mật của bên có quyền, liên quan đến khả năng thực hiện của bên có nghĩa vụ,....
Theo quy định tại Điều 620, Bộ luật Dân sự năm 2015, người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Khi người vay tiền chết, bên cho vay có quyền yêu cầu người thừa kế của người vay trả tiền. Trường hợp người thừa kế cố ý không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đối với người nhận di sản của người chết.. Bị đơn có thể bao gồm tất cả những người thừa kế trong trường hợp người chết không có lập di chúc; trường hợp người chết có lập di chúc cho một hoặc một số cá nhân nào đó để hưởng di sản thì những người hưởng thừa kế theo di chúc sẽ là bị đơn trong vụ án nêu trên.
Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người vay tiền chết để lại là: người vay tiền chết phải có di sản thừa kế, đã giải quyết chi trả các nghĩa vụ theo thứ tự thanh toán bao gồm: chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động; tiền bồi thường thiệt hại; thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước và khối sản còn dư ra. Do vậy, khi khởi kiện thì bên cho vay cần phải cung cấp các giấy tờ chứng minh về việc vay tiền; tài liệu, chứng cứ chứng minh là người vay tiền chết có để lại di sản thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, những người thừa kế theo pháp luật của người vay tiền đã chết hoặc di chúc, người được thừa kế theo di chúc…
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm