Ký hợp đồng, nhận đặt cọc 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) để chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn nhà LK05-204 Khu đô thị Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội (gọi tắt là Căn nhà LK05-204 Khu đô thị Gamuda Gardens), nhưng đến sát thời hạn ký hợp đồng công chứng, ông Nguyễn Thành Công (Bên nhận đặt cọc) lấy lý do "đọc không kỹ hợp đồng đặt cọc", đã 'nhầm lẫn' để từ chối ký hợp đồng chuyển nhượng. Vấn đề ở đây: dù nại ra lý do 'nhầm lẫn', nhưng ông Nguyễn Thành Công không trả lại tiền đặt cọc, dù đã nhiều lần được Bên đặt cọc yêu cầu hoàn trả.
Bà Nguyễn Mai Hoa (Bên đặt cọc, tên đã thay đổi) cho rằng: việc ông Nguyễn Thành Công từ chối giao kết hợp đồng mua bán Căn nhà LK05-204 Khu đô thị Gamuda Gardens, là hành vi vi phạm hợp đồng đặt cọc. Trường hợp, Bên nhận đặt cọc (ông Nguyễn Thành Công) không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ phạt cọc, bà Nguyễn Mai Hoa sẽ yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thế nhưng, việc ông Nguyễn Thành Công không bán căn nhà LK05-204 Khu đô thị Gamuda Gardens, nhưng không hoàn trả tiền (đặt cọc, 500.000.000 đồng) cho bà Nguyễn Mai Hoa, trong khi cho rằng mình đã 'nhầm lẫn' là dấu hiệu rõ ràng của hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản của người khác" (tội phạm quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự). Công ty Luật TNHH Everest đã có công văn báo tin tới Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Ảnh minh họa bởi: Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198. Chú thích: một góc Khu đô thị Gamuda Gadens, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ngày 22/7/2021, bà Nguyễn Mai Hoa (Bên đặt cọc, Bên A) và ông Nguyễn Thành Công (Bên nhận đặt cọc, Bên B) ký Hợp đồng đặt cọc “về việc mua bán chuyển nhượng nhà, đất”. Hợp đồng ghi rất rõ ràng các điều khoản (ảnh):
Bà Nguyễn Mai Hoa và ông Nguyễn Thành Công thỏa thuận: ngày 27/07/2021, hai Bên sẽ có mặt tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, phòng giao dịch Gamuda, địa chỉ số 15 đường Khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội để làm thủ tục ký hợp đồng mua bán căn nhà (công chứng) và giao tiền mua bán căn nhà.
Tuy nhiên, đến ngày 27/07/2021 ông Nguyễn Thành Công nhắn tin: “xin lỗi về sự tắc trách, khi không đọc kỹ hợp đồng đặt cọc…”, và không có mặt theo thỏa thuận (xác nhận bằng Công văn số 51/CV của Văn phòng Công chứng Lê Xuân).
Ảnh minh họa bởi: Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198. Chú thích: Văn phòng Công chứng Lê Xuân (Công chứng viên Đặng Thị Thu Hòa) xác nhận ông Nguyễn Thành Công không có mặt để ký công chứng mua bán căn nhà; Biên nhận Công an quận Hoàng Mai về báo tin hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của ông Nguyễn Thành Công.
Sau ngày 27/7/2021, bà Nguyễn Mai Hoa đã nhiều lần liên hệ, gửi tin nhắn vào số điện thoại 0932.621.268 (ông Nguyễn Thành Công thường dùng để liên lạc với bà Nguyễn Mai Hoa), yêu cầu ông Nguyễn Thành Công hoàn trả lại số tiền đặt cọc, gặp mặt để trao đổi, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Công không nghe điện thoại, không trả lời về việc hoàn trả số tiền đã đặt cọc và hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Thành Công sau đó nhắn tin, yêu cầu bà Nguyễn Mai Hoa trực tiếp làm việc với Luật sư đại diện của ông Nguyễn Thành Công.
Ngày 30/07/2021, Công ty Luật TNHH Everest đã gửi Công văn số 63-2021/CV-EVER để yêu cầu ông Nguyễn Thành Công hoàn trả tiền đặt cọc (thông qua Luật sư đại diện).
Ngày 02/08/2021 và ngày 03/08/2021 Công ty Luật TNHH Everest tiếp tục gửi văn bản tới ông Nguyễn Thành Công (nhắn tin theo số điện thoại: 0932.621.268) và luật sư đại diện để yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc trước 16 giờ 00 phút ngày 04/08/2021, đồng ý giảm tiền phạt cọc nếu ông Nguyễn Thành Công thực hiện đúng thời hạn. Hết thời gian nêu trên, Công ty Luật TNHH Everest không không nhận được phản hồi từ ông Nguyễn Thành Công.
Ngày 11/08/2021, chúng tôi tiếp tục yêu cầu ông Nguyễn Thành Công hoàn trả ngay lập tức cho bà Nguyễn Mai Hoa số tiền cọc trên (thông qua Luật sư đại diện), đồng thời yêu cầu luật sư đại diện cung cấp ủy quyền của ông Nguyễn Thành Công nhưng đều chưa có phản hồi.
Đặc biệt, địa chỉ của ông Nguyễn Thành Công tại Hợp đồng đặt cọc chỉ ghi chung chung “Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội”. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa hiện không biết chính xác ông Nguyễn Thành Công ở địa chỉ nào, điện thoại gọi đổ chuông, nhưng không nghe máy.
Ảnh minh họa, bởi: Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198. Chú thích: Hợp đồng đặt cọc ngày 22/07/2021 ghi rất rõ ràng điều khoản về đối tượng hợp đồng, giá mua bán, quyền nghĩa vụ của các bên.
Đại diện cho khách hàng, Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest - nhận định: ông Nguyễn Thành Công nhận tiền đặt cọc nhưng sau đó từ chối giao kết hợp đồng mua bán Căn nhà LK05-204 Khu đô thị Gamuda Gardens có thể xác định là hành vi vi phạm hợp đồng đặt cọc. Trường hợp, ông Nguyễn Thành Công không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ phạt cọc, bà Nguyễn Mai Hoa sẽ yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đây. Sau nhiều lần, bà Nguyễn Mai Hoa yêu cầu ông Nguyễn Thành Công hoàn trả tiền đặt cọc thì ông này không trả, ủy quyền cho Luật sư trả lời: nếu ký thanh lý hợp đồng đặt cọc (hướng không phạt cọc) thì mới hoàn trả tiền đặt cọc (500.000.000 đồng). Chúng tôi đặt ra ba (03) giả thiết:
Trường hợp thứ nhất: Bên nhận đặt cọc đã đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật (không có ý định bán nhà, nhưng đưa ra thông tin cần bán nhà), làm cho Bên đặt cọc tin đó là thật và giao tiền (tài sản) cho Bên nhận đặt cọc. Bên nhận đặt cọc như vậy có hành vi gian dối xảy ra trước khi giao kết hợp đồng đặt cọc, để chiếm đoạt tài sản của người đặt cọc, thì phải coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tội phạm quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự).
Trường hợp thứ hai: Bên nhận đặt cọc sau khi nhận tiền (tài sản) đặt cọc, tức là đã có tài sản một cách hợp pháp, nhưng sau đó nảy sinh ý định gian dối, ví dụ sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, thì phải coi là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (tội phạm quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự).
Trường hợp thứ ba: Bên nhận đặt cọc sau khi nhận tiền (tài sản) đặt cọc, nhưng sau đó không giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán nhà và nại ra lý do: "nhầm lẫn". Có nghĩa là, cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu sau khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu nhận lại tài sản đó, dẫn tới việc người bị hại phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu lấy lại tài sản. Đây phải coi là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản (tội phạm quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự).
Do đó, ít nhất, ông Nguyễn Thành Công đã có hành vi chiếm giữ (trái phép) khoản tiền đặt cọc - 500.000.000 đồng của bà Nguyễn Mai Hoa, mặc dù chủ sở hữu sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó - dấu hiệu rõ ràng của hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Ngày 05/08/2021, Công ty Luật TNHH Everest đã gửi Công văn số 66-2021/CV-EVER báo tin về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của ông Nguyễn Thành Công đến cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội).
Ảnh minh họa bởi: Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198. Chú thích: Công ty Luật TNHH Everest đã nhiều lần gửi công văn (thông qua Luật sư đại diện của ông Nguyễn Thành Công, dán trực tiếp tại địa chỉ LK05-204 Khu đô thị Gamuda Gardens).
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm