Nội dung bài viết [Ẩn]
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 là một trong số các tội phạm lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Người phạm tội sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, xâm hại trật tự an toàn xã hội. Hình phạt cao nhất đến 07 năm tù.
Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198
Mạng máy tính, mạng viễn thông là những khái niệm mới lạ, mang tính đặc thù. Khái niệm mạng máy tính, mạng viễn thông chỉ được quy định tại Luật viễn thông năm 2009 và Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10 tháng 09 năm 2012 như sau:
Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông (Khoản 10 Điều 3 Luật viễn thông năm 2009).
Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau (Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tích số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông).
Mạng máy tính, mạng viễn thông gọi chung là cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số (Khoản 4 Điều 4 Luật công nghệ thông tin năm 2006).
Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, có 03 nhóm hành vi phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông:
Một là, đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật.
Thông tin trái với quy định pháp luật được hiểu là thông tin có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; kích động tội ác, tệ nạn xã hội, thuần phong mỹ tục…
Lưu ý: Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật trong phạm vi Điều 288 này không bao gồm: Các hành vi được quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015 (phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, thông tin có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý…); Các hành vi được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (làm nhục người khác bằng cách đưa thông tin xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác); Các hành vi tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (Hành vi vu khống người khác bằng cách bịa đặt thông tin nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác hoặc tố cáo người khác phạm tội với cơ quan nhà nước; Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015).
Hai là, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu hoặc người quản lý thông tin đó.
Theo đó, thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ (Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông).
Liên quan đến quy định này, Khoản 15 Điều 3 Luật an toàn thông tin năm 2015 đã định nghĩa: Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. Những thông tin cá nhân thường được nhắc đến bao gồm: họ tên, ngày sinh, địa chỉ nơi ở, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại cá nhân, thư điện tử, số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số chứng minh nhân dân, thông tin trong hồ sơ y tế v.v..
Vậy, thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức cá nhân được pháp luật bảo vệ như tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ, bí mật đời tư của cá nhân; thông tin, bí mật của tổ chức; các thông tin khác được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự…quy định bảo vệ.
Ba là, các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Tính đến hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định cụ thể hành vi nào thuộc nhóm các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Thực tiễn cho thấy, một số hành vi thuộc nhóm này như theo dõi thu thập thông tin bất hợp pháp về cá nhân, tổ chức khác; không được phép sử dụng thông tin nhưng vẫn sử dụng; không đăng ký, chưa được cấp phép nhưng vẫn sử dụng thông tin…
Hành vi thuộc một trong ba nhóm hành vi nêu trên chỉ bị coi là tội phạm và xử lý theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 nếu hành vi gây ra hậu quả cụ thể: Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên; Gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Dẫn đến biểu tình; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Có thể hiểu, thu lợi bất chính là khoản tiền, lợi ích thu được từ hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra.
Thiệt hại là lợi ích vật chất bị hủy hoại, hư hỏng, mất mát do hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra. Nói đến thiệt hại thì câu hỏi đặt ra: Ai là người bị hại? Việc xác định người bị hại đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông). Cụ thể:
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự về các tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp để xác minh, lấy lời khai người bị hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp vì lý do khách quan, không thể xác định được người bị hại (do người bị hại sống ở nước ngoài; không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được họ tên và địa chỉ thật của người bị hại do người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng Internet, mạng viễn thông; người bị hại không hợp tác vì không muốn lộ danh tính, số tiền thiệt hại không nhiều...), nhưng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có cơ sở xác định bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì việc không xác định được người bị hại hoặc xác định không đủ số người bị hại không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật.
Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Thị Ngân - Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
– Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 2 khung hình phạt chính,:
+ Khung 1: Mức hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một trong những trường hợp phạm tội sau: Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
+ Khung 2: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông (là trường hợp người phạm tội đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử để phạm tội); Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát (là trường hợp do bị xâm phạm bí mật cá nhân nên người bị xâm phạm đã có hành vi tự sát, không kể người đó có bị chết hay không); Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Dẫn đến biểu tình (biểu tình là việc một số lượng người tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm