Quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam của Luật sư

view 819
comment-forum-solid 0
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Luật sư có quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Quy định này đã tạo điều kiện cho Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo.

1- Căn cứ pháp lý về quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam của Luật sư

- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; 

- Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; 

- Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. 

2- Quy định về bị can, bị cáo, người bào chữa 

Khoản 1 Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự".

Khoản 1 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: "Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử".

Như vậy người bị buộc tội sẽ có tư cách khác nhau tùy từng giai đoạn của quá trình tố tụng. Đối với người bị buộc tội bị cơ quan cảnh sát đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, sẽ tham gia tố tụng với tư cách là bị can. Trường hợp, Tòa án đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, người bị buộc tội sẽ tham gia tố tụng với tư cách bị cáo.

Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về người bào chữa như sau: "Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa".

Người bào chữa có thể là: Người đại diện của người bị buộc tội, Luật sư, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến quyền của người bào chữa trong việc gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam.

Quy định về bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Tạm giam là một trong những biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự. Khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giam bị cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại …Cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng biện pháp tạm giam phải nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và xem xét việc có cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam.

Đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam: Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Những người không phải là bị can, bị cáo thì không bị áp dụng biện pháp tạm giam. Theo quy định pháp luật, bị can là là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Tuy nhiên, biện pháp tạm giam chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo là cá nhân (người), không áp dụng với pháp nhân.

Điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể bị can, bị cáo có thể bị bắt để tạm giam trong những trường hợp nào nhưng không phải mọi bị can, bị cáo đều bị bắt để tạm giam mà chỉ bắt tạm giam bị can, bị cáo nếu xét thấy cần thiết. Vì trước hết, đối với các tội phạm gây nguy hại lớn hay đặc biệt lớn cho xã hội, pháp luật quy định việc xử lý rất nghiêm khắc do tính chất, mức độ nguy hiểm cao của chúng. Mặt khác, phần lớn người phạm tội cũng nhận thức được trách nhiệm pháp lý mà họ phải chịu vì đã thực hiện hành vi phạm tội đó là rất nặng nề cho nên thường tìm mọi cách để trốn tránh, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cho việc bắt để tạm giam là đúng đắn và thực sự cần thiết, các điều kiện nói trên thường được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Tạm giam áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm giam khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.

Mục đích của việc quy định Luật sư có quyền gặp bị can, bị cáo bị tạm giam: Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: "Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa...".

Pháp luật quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa. Do vậy, để Luật sư thực hiện có thể trao đổi, tìm ra sự thật vụ án và có định hướng bào chữa cho người bị buộc tội, việc Luật sư gặp người bị buộc tội là quan trọng.

Do vậy, pháp luật quy định về quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam của Luật sư và phù hợp với những quy định pháp luật. Quy định này đã tạo điều kiện cho Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo.

Việc người bào chữa gặp bị can, bị cáo bị tạm giam là rất cần thiết, với kinh nghiệm nghề nghiệp và sự hiểu biết, người bào chữa góp phần vào việc xác định sự thật của vụ án được đúng đắn, không để bị can, bị cáo bị oan sai.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Quy định pháp luật về việc người bào chữa gặp bị can, bị cáo bị tạm giam

Khoản 1 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, theo đó, người bào chữa có quyền: "Gặp, hỏi người bị buộc tội".

Điều 80 Bộ luật Tố Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam:

"1. Để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

2. Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật".

Quyền gặp bị can, bị cáo của Luật sư chỉ phát sinh khi Luật sư đã hoàn thiện thủ tục đăng ký bào chữa. Cuộc gặp, làm việc riêng, Luật sư có quyền chủ động thực hiện. Theo đó cơ sở giam giữ phải giải quyết yêu cầu gặp mặt của người bào chữa.

4- Thủ tục người bào chữa gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam

Căn cứ Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, để gặp  bị can, bị cáo đang bị tạm giam, Luật sư cần xuất trình giấy tờ sau:

- Văn bản thông báo người bào chữa; 

- Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân. 

Như vậy, để gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, Luật sư chỉ cần xuất trình 02 loại giấy tờ trên. Cơ quan quản lý bị can, bị cáo đang bị tạm giam không được yêu cầu Luật sư xuất trình bất kỳ loại giấy tờ nào khác.

Điều 12 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định về tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Theo đó khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể:

"1. Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh.

Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

2. Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ".

Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC năm 2018 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam quy định:

"1. Việc phối hợp, tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa thực hiện theo quy định tại Điều 80 của Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 22, Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

3.Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý".

So với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những thay đổi tiến bộ liên quan đến quy định về việc Luật sư gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, cụ thể:

Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam:

"1. Khi người bào chữa có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra cho gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì Cơ quan điều tra làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam; nếu từ chối cho gặp thì phải thông báo cho người bào chữa biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

2. Trước khi cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người bào chữa quy định tại Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự; phối hợp với Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phổ biến cho người bào chữa nội quy, quy chế của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trong quá trình người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Nhà tạm giữ, bị can theo nội quy và quy chế của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nhằm bảo đảm việc tuân thủ quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm các quy định của pháp luật thì phải dừng ngay việc gặp người bị tạm giữ, bị can của người bào chữa và lập biên bản, báo cáo Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý".

Như vậy, hiện nay, pháp luật quy định về thủ tục Luật sư gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam như sau:

Luật sư có quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; 

Để gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, Luật sư cần xuất trình các giấy tờ: Văn bản thông báo người bào chữa; Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân; 

Nếu xét thấy cần thiết, Cơ quan đang quản lý bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp. Luật sư có thể thông báo trước việc gặp bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Do vậy có thể hiểu, việc giám sát cuộc gặp giữa bị can, bị cáo và Luật sư của Cơ quan đang thụ lý vụ án là không cần bắt buộc, chỉ khi cần thiết, Cơ quan đang thụ lý vụ án mới tham gia.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest. 

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam của Luật sư được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam của Luật sư có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Yến

Luật sư Nguyễn Thị Yến

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-yen/ Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Yến có hơn 5 năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.70726 sec| 1092.172 kb