Để thực hiện việc đăng ký tên cha trong giấy khai sinh của con trong trường hợp các bên không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công dân phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con.
Nhiều lý do khác nhau như: nam nữ chung sống tuy nhiên không đăng ký kết hôn; nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn,... do vậy khi đăng ký khai sinh cho con thường không có tên cha. Pháp luật quy định về trình tự, thủ tục để đăng ký tên cha trong giấy khai sinh của con trong trường hợp các bên không đăng ký kết hôn.
Điều 13 Luật trẻ em năm 2016 quy định về quyền được khai sinh của trẻ em như sau: “Điều 13. Quyền được khai sinh và có quốc tịch: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật".
Để đảm bảo quyền công dân của người con thì sẽ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ (đã đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa) cũng như không phụ thuộc vào độ tuổi của cha và mẹ mà con khi được sinh sẽ có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên và quốc tịch, được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.
Để đăng ký được tên cha trong giấy khai sinh khi không đăng ký kết hôn bao gồm hai bước: (i) Thực hiện thủ tục nhận cha cho con; (ii) Thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Trong trường hợp này, căn cứ theo Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính Phủ về hướng dẫn Luật hộ tịch năm 2014 thì Ủy ban nhân dân sẽ kết hợp giải quyết việc nhận cha, con và đăng ký khai sinh.
Bước 1: Thực hiện thủ tục nhận cha cho con
Khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau: "3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này….”.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có trách nhiệm kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh cho con.
Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký đăng ký nhận cha, mẹ, con:
Đầu tiên, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Thứ hai, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp những giấy tờ cụ thể như:
– Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định;
– Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch được quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP bao gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản quy định nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Bước 2: Thủ tục đăng ký tên cha trong giấy khai sinh cho con
Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Xem thêm: Thủ tục làm giấy khai sinh cho con
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm