Bộ luật hình sự năm 2015: Giảm hình phạt tử hình

Bởi Trần Thu Thủy - 03/01/2020
view 621
comment-forum-solid 0
Theo quy định của BLHS 2015 thì số lượng điều không áp dụng hình phạt tử hình giảm xuống. Bên cạnh đó, đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình được bổ sung thêm một đối tượng là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Đồng thời BLHS 2015 cũng mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình là trường hợp là người từ đủ 75 tuổi trở lên và trường hợp là người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất (3/4) ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cụ thể, bảy tội danh có hình phạt tử hình đã được bỏ trong Bộ luật hình sự 2015, đó là: “Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch”.

Như vậy, so với đề xuất ban đầu của Ban soạn thảo thì Quốc hội đã bổ sung thêm hai tội danh là Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Tội chiếm đoạt chất ma túy; nhưng đồng thời loại bỏ năm tội danh trong số 10 tội danh Ban soạn thảo đề xuất, đó là: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Theo đó, án tử hình vẫn sẽ áp dụng cho Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 lại mở ra “lối thoát hiểm” cho những người bị kết án tử hình khi phạm tội tham ô tài sản và nhận hối lộ (tham nhũng). Cụ thể, điểm c khoản 3 Điều 40 luật mới, quy định: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không áp dụng hình phạt tử hình mà chuyển thành tù chung thân.

Giảm hình phạt tử hình với 7 tội danh: Sự điều chỉnh phù hợp!

Tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các chế tài hình sự. Ở nước ta, sự tồn tại của hình phạt tử hình gắn liền với lịch sử đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ đất nước từ thời phong kiến và xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh của đất nước qua các thời kỳ.

Người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ có thể thoát chết nếu nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 30/6/2014, có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ bãi bỏ hình phạt tử hình trên luật hoặc trên thực tế, trong đó có 100 nước bãi bỏ hoàn toàn; 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; 07 nước bãi bỏ án tử hình đối với tội thông thường và duy trì án tử hình đối với tội ngoại lệ như một số tội theo luật quân sự trong những hoàn cảnh đặc biệt; 37 nước và lãnh thổ vẫn duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm thông thường. Trong 10 nước ASEAN, có 02 nước bãi bỏ hoàn toàn, 03 nước còn duy trì hình phạt tử hình nhưng không áp dụng.

Ở nước ta, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, hình phạt này đã đem lại những tác dụng nhất định trong việc trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật; việc áp dụng đúng đắn hình phạt tử hình được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tử hình là hình phạt tước đi quyền sống – quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án.

Theo nhận định của các chuyên gia tư pháp, không có một nền tư pháp nào trên thế giới có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, không có oan sai. Việc oan sai trong áp dụng hình phạt tù và các hình phạt không tước tự do thì có thể khắc phục được, còn oan sai trong việc áp dụng hình phạt tử hình (nhất là trường hợp đã thi hành) thì không còn khả năng khắc phục sai lầm. Do vậy, cùng với sự phát triển văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.61141 sec| 1000.172 kb