Áp dụng bảo lĩnh để được tại ngoại, pháp luật quy định thế nào?

view 607
comment-forum-solid 0

Áp dụng bảo lĩnh là biện pháp thay thế tạm giam trong tố tụng hình sự. Cá nhân hoặc tổ chức dùng uy tín của mình để bảo lĩnh, đảm bảo cho bị can, bị cáo đủ điều kiện được tại ngoại, đồng thời cam đoan phải có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác.

Tại ngoại (không phải thuật ngữ pháp lý) được hiểu là trạng thái bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm và không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900.6198

- Điều kiện áp dụng bảo lĩnh

Khoản 1 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh".

Đây là quy định khá chung chung, không xác định rõ trường hợp tội phạm nào thì được áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tội phạm được phân thành bốn loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, bảo lĩnh được áp dụng phần lớn đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Các trường hợp khác được xem xét áp dụng phụ thuộc vào ý chí của cơ quan tiến hành tố tụng.

Về nhân thân: Biện pháp này thường được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ thành khẩn khai báo, người chưa thành niên hoặc bị can, bị cáo phạm tội có vấn đề về sức khỏe như bị ốm đau, bệnh tật nặng…

- Cá nhân, tổ chức nào đủ điều kiện nhận bảo lĩnh?

Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành ghi nhận 02 hình thức bảo lĩnh: cơ quan, tổ chức bảo lĩnh và cá nhân bảo lĩnh.

Về cơ quan, tổ chức:

Khoản 2 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức".

Pháp luật chưa có quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào đủ điều kiện nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo. Liệu có phải tất cả cơ quan, tổ chức: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo... đều có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo của tổ chức mình khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội? Thực tế cho thấy, chỉ một số cơ quan, tổ chức uy tín mới được cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận nhận bảo lĩnh và phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó.

Về cá nhân:

Cá nhân nhận bảo lĩnh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

(i) Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh;

(ii) Bị can, bị cáo được bảo lĩnh là người thân thích của họ (bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột)

(iii) Có ít nhất 02 người cùng nhận bảo lĩnh.

Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. 

- Nghĩa vụ của người được bảo lĩnh

Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

(i) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

(ii) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

(iii) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Lưu ý: Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam. Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh mà để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì cá nhân hoặc tổ chức đó bị tước quyền nhận bảo lĩnh và tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người được áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh không bị hạn chế quyền công dân mà vẫn thực hiện quyền này miễn sao không gây trở ngại cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. 

- Về thẩm quyền và thủ tục áp dụng bảo lĩnh

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 - người có thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì có thẩm quyền ra quyết định bảo lĩnh, cụ thể: 

(i) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

(ii) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

(iii) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Như vậy, tùy vào giai đoạn của vụ án, người có thẩm quyền có thể ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo đủ điều kiện.

- Về thời hạn áp dụng biện pháp bảo lĩnh

Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử, cụ thể:

(i) Thời hạn điều tra vụ án hình sự: không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra + thời hạn gia hạn thời hạn điều tra.

(ii) Thời hạn truy tố: Không quá 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra + thời hạn gia hạn quyế định việc truy tố.

(iii) Thời hạn chuẩn bị xét xử: Không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án + thời hạn gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

- Tránh nhầm lẫn 'bảo lĩnh' và 'bảo lãnh'

Về mặt pháp luật, hai thuật ngữ này lại là hai chế định hoàn toàn khác nhau: Bảo lãnh chỉ có trong quan hệ pháp luật dân sự, còn bảo lĩnh chỉ có trong tố tụng hình sự. 

Một số quy định về bảo lãnh như sau:

Bảo lãnh là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trong đó người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) trong trường hợp đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Chế định bảo lãnh trong quan hệ pháp luật dân sự được quy định rất cụ thể (từ Điều 335 đến Điều 343 Bộ luật dân sự năm 2015): hình thức bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh, thù lao, quan hệ giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh, quyền yêu cầu của bên bảo lãn, miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, chấm dứt việc bảo lãnh...

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Luật sư Nguyễn Thị Yến

Luật sư Nguyễn Thị Yến

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-yen/ Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Everest. Luật sư Yến có hơn 5 năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.18307 sec| 1062.086 kb