Tạm giam, tạm giữ - Nhìn nhận từ góc độ thực tế

Bởi Trần Thu Hoài - 18/08/2021
view 242
comment-forum-solid 0

Tạm giam, tạm giữ là hai trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Mục đích của việc áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ nhằm để kịp thời ngăn chặn tội phạm; Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Trần Thị Thu Hoài - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Mục đích của việc áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ

Tạm giam, tạm giữ là hai trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Mục đích của việc áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ nhằm:

  • Để kịp thời ngăn chặn tội phạm
  • Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội
  • Để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp trong đó có biện pháp tạm giam, tạm giữ.

Quy định pháp luật về tạm giữ

Tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người bị bắt trốn tránh việc điều tra; để xác minh tội phạm và để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự (khởi tố bị can) đối với họ.

  • Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ trong tố tụng hình sự

Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ bao gồm: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

  • Thẩm quyền áp dụng tạm giữ trong tố tụng hình sự

Những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ được quy định tại Điều khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm: (i) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; (ii) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; (iii) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

  • Thời hạn tạm giữ

Theo quy định pháp luật, thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Quy định pháp luật về tạm giam

Tạm giam là một trong những biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự. Khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giam bị cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại …Cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng biện pháp tạm giam phải nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự và xem xét việc có cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam.

  • Đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam

Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Những người không phải là bị can, bị cáo thì không bị áp dụng biện pháp tạm giam. Theo quy định pháp luật, bị can là là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Tuy nhiên, biện pháp tạm giam chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo là cá nhân (người), không áp dụng với pháp nhân.

  • Điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể bị can, bị cáo có thể bị bắt để tạm giam trong những trường hợp nào nhưng không phải mọi bị can, bị cáo đều bị bắt để tạm giam mà chỉ bắt tạm giam bị can, bị cáo nếu xét thấy cần thiết. Vì trước hết, đối với các tội phạm gây nguy hại lớn hay đặc biệt lớn cho xã hội, pháp luật quy định việc xử lý rất nghiêm khắc do tính chất, mức độ nguy hiểm cao của chúng. Mặt khác, phần lớn người phạm tội cũng nhận thức được trách nhiệm pháp lý mà họ phải chịu vì đã thực hiện hành vi phạm tội đó là rất nặng nề cho nên thường tìm mọi cách để trốn tránh, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cho việc bắt để tạm giam là đúng đắn và thực sự cần thiết, các điều kiện nói trên thường được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Tạm giam áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm giam khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.

  • Thẩm quyền ra lệnh tạm giam

Thẩm quyền ra lệnh, quyết định tạm giam thuộc về các chủ thể có thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: (i) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; (ii) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; (iii) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

  • Thời hạn tạm giam

Thời hạn tạm giam được quy định phụ thuộc vào từng giai đoạn của quá trình tố tụng. Cụ thể: (i) Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (ii) Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra không quá 20 ngày, trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày....

Bất cập trong việc áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ từ các vụ án thực tế

Trong quá trình các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest tham gia giải quyết các vụ án của khách hàng, các Luật sư nhận thấy những bất cập trong việc áp dụng biện pháp tạm giam của cơ quan tiến hành tố tụng như sau:

Vụ án "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" và "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"

Vụ án nêu trên xảy ra tại huyện X, tỉnh Y, anh N.H.T bị khởi tố về tội "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Khoản 2 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nội dung cụ thể như sau:

Đầu năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Y đã tiến hành điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao (cụ thể: Một số đối tượng đã sử dụng dịch vụ thuê sim code, lấy mã OTP, lập các tài khoản ảo mạng xã hội (Facebook), lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Y đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Qua điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Y đã bắt, tạm giữ anh N.V.Q, đồng thời xác định vụ án có liên quan đến dịch vụ server hosting mà anh N.H.T cung cấp anh N.V.Q.

Ngày 01/02/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Y ban hành Lệnh tạm giam đối với anh N.H.T  với thời gian tạm giam là 02 tháng 27 ngày (hai tháng hai mươi bảy ngày) tháng. Sau đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Y ban hành Quyết định gia hạn tạm giam đối với anh N.H.T . Chúng tôi nhận thấy, việc áp dụng biện pháp tạm giam trong vụ án này đối với anh N.H.T  là không hợp lý bởi lẽ:

Thứ nhất, trường hợp của anh N.H.T không thể áp dụng biện pháp tạm giam.

Tại thời điểm anh N.H.T bị bắt, anh N.H.T đã nhận được thông báo bằng điện về nội dung vụ việc. Anh N.H.T lúc đó đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lập tức quay trở về Hà Nội. Dù không nhận được Giấy mời hay Giấy triệu tập từ cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng anh N.H.T đã chủ động liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra, phối hợp cung cấp thông tin phục vụ điều tra, giải quyết vụ án.

Anh N.H.T bị khởi tố theo Khoản 2 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, đây là tội phạm nghiêm trọng. Theo quy định về tạm giam, biện pháp tạm giam chỉ áp dụng đối với tội phạm nghiêm trọng khi thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 như: Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng muốn áp dụng biện pháp tạm giam, anh N.H.T phải thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, anh N.H.T được biết đến là một người có lý lịch rõ ràng, nhân thân tốt. Đồng thời, anh N.H.T có nơi cư trú rõ ràng, có thái độ hợp tác với Cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án, không có ý định bỏ trốn. Việc áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp này là không có căn cứ, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của anh N.H.T.

Thứ hai,anh N.H.T là một doanh nhân có uy tín, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp tạm giam có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của anh N.H.T.

Như đã phân tích ở trên, việc Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Y tiến hành tạm giam đối với anh N.H.T là không có cơ sở. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự thể hiện: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Do vậy, được hiểu một người khi không có bản án, kết luận của Tòa án sẽ được xem là không có tội, việc áp dụng biện pháp tạm giam một cách tùy tiện sẽ gây ảnh hưởng đến công dân.

Anh N.H hiện tại đang làm việc tại một doanh nghiệp lớn, có uy tín tại Hà Nội, bản thân anh N.H.T cũng là một doanh nhân thành đạt, có uy tín. Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giam không theo đúng quy định pháp luật làm cho công việc của anh N.H.T bị ảnh hưởng, uy tín của anh N.H.T cũng từ đó bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng, một số quyền nhân thân không được đảm bảo.

Thứ ba, mục đích của việc áp dụng biện pháp tạm giam nhằm mục đích gì?

Chúng tôi nhận thấy, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Y đã có dấu hiệu lạm dụng biện pháp tạm giam. Việc áp dụng biện pháp tạm giam trong vụ án này có thể ảnh hưởng đến tinh thần của người bị buộc tội dẫn đến việc người bị buộc tội sợ hãi, dẫn đến việc nhận tội hoặc đưa ra những lời khai chống lại mình, lời khai không khách quan.

Tạm giữ, tạm giam sai quy định - Nhà nước có phải chịu trách nhiệm?

Việc áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ cần căn cứ vào các quy định pháp luật và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định. Trường hợp bị can, bị cáo phát hiện việc áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ không đúng, có thể thực hiện việc kiến nghị, khiếu nại đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

Trường hợp tạm giữ, tạm giam trái quy định pháp luật, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường:

- Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước:

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.

- Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:

  • Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định;
  • Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

- Các trường hợp được bồi thường:

  • Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
  • Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

- Mức bồi thường do việc tạm giữ, tạm giam không đúng quy định pháp luật:

Đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Pháp luật quy định việc bồi thường thiệt hại đối với trường hợp tài sản bị phát mại, bị mất, bị hư hỏng, thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản, trường hợp người bị thiệt hại không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế đã có hiệu lực và đã phải thanh toán tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế,...(Điều 23 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017)

Đối với thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí bồi dưỡng sức khỏe...

Đối với thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất: Trong thời gian tạm giam, tạm giữ, người bị tạm giam, tạm giữ bị thiệt hại do việc không thể tiếp tục thực hiện công việc. Người bị tạm giam, tạm giữ được bồi thường các khoản sau:

(i) Thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

(ii) Thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

(iii) Thu nhập không ổn định theo mùa vụ được xác định là thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Đối với thiệt hại về tinh thần: Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;

Mức lương cơ sở hiện nay được xác định là 1.490.000 đồng/tháng. Như vậy 01 ngày lương cơ sở là: 49.667 đồng/ngày

Chi phí khác được bồi thường: Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.

Chi phí quy định trên được xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự. Trường hợp không chứng minh được số người, số lần thăm gặp thực tế thì chi phí này được xác định theo số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi hành án hình sự.

- Thẩm quyền giải quyết: là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.52730 sec| 1122.633 kb