Vốn đóng vai trò số 1 với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) thì đây yếu tố quyết định sự sống còn. Ngoài việc các thành viên, đối tác cùng nhau góp vốn, vay mượn người thân, tổ chức tín dụng, thì các doanh nghiệp start-up cũng hướng đến việc gọi vốn từ xã hội (các nhà đầu tư, quỹ tài chính…). Quá trình huy động vốn cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý và tiến trình thực hiện nhất định.
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các nội dung liên quan tới chào bán cổ phần, trong đó:
Theo Điều 122, Luật Doanh nghiệp 2014, Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Căn cứ Ðiều 123, Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty cổ phần (không phải đại chúng) có thể phát hành thêm cổ phiếu để chào bán cho các nhà đầu tư (không phải cổ đông hiện hữu) nhằm tăng vốn điều lệ và thu lại thặng dư cổ phần (chênh lệch giữa giá bán cổ phần thực tế so với mệnh giá cổ phần).
Như vậy, để thực hiện việc huy động vốn thông qua phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ, doanh nghiệp start-up phải tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần. Start-up cần xây dựng phương án chào bán cho nhà đầu tư, đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ với cơ quan có thẩm quyền và có kế hoạch xử lý thặng dư cổ phần theo quy định.
Trường hợp chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.
Khi xây dựng và thực hiện phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, xử lý thặng dư cổ phần, doanh nghiệp cần dựa trên các quy định tương tự tại Nghị định 58/2012/NÐ-CP, Nghị định 60/2015/NÐ-CP, Thông tư 162/2015/TT-BTC và Thông tư 19/2003/TT-BTC.
Có rất nhiều mô hình gọi vốn khác nhau trong đó việc chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu có thể được coi là phương tiện gọi vốn được sử dụng phổ biến trong hầu hết các mô hình, phương thức gọi vốn phổ biến hiện nay.
Với việc chào bán cổ phần, doanh nghiệp start-up huy động được nguồn vốn mới từ nhiều đối tượng khác nhau (cổ đông chiến lược, cổ đông lớn, các nhà đầu tư cá nhân) với chi phí hợp lý phục vụ cho các dự án tiềm năng trong tương lai.
Bên cạnh lợi ích cho doanh nghiệp về việc tiếp cận – tăng vốn, phát hành cổ phiếu còn giúp doanh nghiệp tăng trưởng quy mô, hình ảnh doanh nghiệp trở nên uy tín hơn, thông tin về doanh nghiệp cũng minh bạch hơn...
Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Luật sư Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Việc huy động vốn có tác động quan trọng đến tiến trình phát triển của doanh nghiệp, tuy nhiên, các sáng lập viên start-up cần am hiểu các quy định pháp luật liên quan, để tránh các rủi ro pháp lý về sau. Cụ thể, các sáng lập viên start-up cần chú ý những vấn đề pháp lý sau:
Các doanh nghiệp khởi nghiệp nên thỏa thuận khung xác lập đầu tư với các nhà đầu tư trước khi thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ. Bởi chào bán thực hiện cổ phần riêng lẻ không được quảng cáo, nhà đầu tư thường đã được xác định từ trước. Vì vậy ý nghĩa của việc thỏa thuận khung xác lập đầu tư là việc xác nhận quyết tâm mua cổ phần của nhà đầu tư khi doanh nghiệp triển khai phương án chào bán, có thể được đảm bảo bằng một khoản tiền cụ thể (sau này có thể khấu trừ vào tiền mua cổ phần).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Công ty có quyền bán cổ phần sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trong mẫu thông báo chào bán riêng lẻ theo quy định, hiện không thể hiện ngày kết thúc của đợt chào bán. Tuy nhiên theo quy định pháp luật, các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng.
Theo quy định pháp luật liên quan, doanh nghiệp không được quảng cáo, quảng bá việc chào bán cổ phần riêng lẻ. Danh sách nhà đầu tư mua cổ phần chào bán riêng lẻ mặc định là đã được doanh nghiệp xác lập cụ thể. Doanh nghiệp nên xác định nhà đầu tư tiềm năng, thuyết phục, thỏa thuận để có thể gọi vốn thành công.
Thứ nhất là giá bán, giá mua cổ phần thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với mệnh giá cổ phần quy định, do các bên tự thoả thuận với nhau.
Thứ hai là số lượng thực tế cổ phần chào bán thành công. Theo quy định, doanh nghiệp phải có phương án điều chỉnh trong trường hợp không bán hết khi đã kết thúc thời điểm chào bán. Do đó, cần phải làm báo cáo điều chỉnh gửi Sở Kế hoạch và Ðầu tư kèm theo hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ sau khi chào bán.
Thứ ba là thặng dư cổ phần - phần chênh lệch giữa giá bán thực tế với mệnh giá cổ phần, được hạch toán vào tài khoản vốn của công ty và được công ty sử dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh theo phương án chào bán. Sau 1 năm kể từ ngày chào bán, công ty có thể phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ bằng giá trị phần thặng dư đó, tỷ lệ cổ phần tăng thêm cho các cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần họ đang sở hữu.
Cuối cùng, Hợp đồng chào bán cổ phần chỉ được ký và thực hiện sau khi thông báo đăng ký chào bán nộp Sở Kế hoạch và Ðầu tư được chấp thuận, không bị phản đối.
Xem thêm: Nhượng quyền thương mại, các vấn đề pháp lý phải biết
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm