Chế định riêng về hình phạt dành cho người dưới 18 tuổi

Bởi Trần Thu Hoài - 22/09/2021
view 256
comment-forum-solid 0

Trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo áp dụng việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt người dưới 18 tuổi một cách hiệu quả, từ đó góp phần làm giảm số vụ việc người dưới 18 tuổi phạm tội, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của người phạm tội, nguy cơ tái phạm thấp…

Hình phạt người dưới 18 tuổi Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Trần Thị Thu Hoài - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đai tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái niệm hình phạt

Trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế nhà nước, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất. Tính nghiêm khắc nhất của hình phạt thể hiện ở nội dung tước bỏ, hạn chế quyền và lơi ích của người bị kết án như quyền sở hữu, quyền tự do và có thể cả quyền sống của con người,.. cũng như ở hậu quả pháp lí kèm theo mà họ phải gánh chịu là án tích. Là biện pháp cưỡng chế nhà nước, hình phạt được bảo đảm thi hành bằng bộ máy cưỡng chế của Nhà nước.

Hình phạt chỉ có thể do Tòa án nhân danh nhà nước áp dụng đối với chính người phạm tội nhằm mục đích trừng trị và giáo dục họ. Qua đó, hình phạt cũng nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, tham gia tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với mục đích như vậy, hình phạt được quy định trong luật hình sự Việt Nam không có tính chất nhục hình, đày đọa thể xác và chà đạp phẩm giá con người.

Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Toà án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.

Xem ngay về các loại hình phạt được quy định theo pháp luật hiện hành.

Nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội

So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có sự thay đổi về tên gọi từ “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi” và đề cao nguyên tắc bảo vệ lợi ích tốt nhất khi áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định bảy nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

(i) Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

(ii) Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này.

(iii) Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

(iv) Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

(v) Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

(vi) Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

(vii) Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Những biện pháp phi hình phạt áp dụng người dưới 18 tuổi

Đây là biện pháp khá mới được quy định trong luật nên trong quá trình triển khai thực hiện cần có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo áp dụng việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi một cách hiệu quả, từ đó góp phần làm giảm số vụ việc người dưới 18 tuổi phạm tội, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của người phạm tội, nguy cơ tái phạm thấp…

Khiển trách

Khiển trách là gì?

Kế thừa nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi theo hướng cụ thể hơn Bộ luật Hình sự năm 1999 và khẳng định nguyên tắc: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Theo đó, trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có quyền quyết định áp dụng biện pháp khiển trách, khi người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhằm mục đích để người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả người dưới 18 tuổi phạm tội đều được áp dụng biện pháp khiển trách, mà họ chỉ được áp dụng biện pháp khiển trách khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều kiện khiển trách là gì?

Căn cứ theo Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các điều kiện như sau thì mới có thể được xem xét áp dùng hình phạt khiển trách:

(i) Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng; b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

(ii) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

(iii) Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

(iv) Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.

Hòa giải cộng đồng

Hòa giải tại cộng đồng là một biện pháp hoàn toàn mới được quy định để áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ Luật hình sự. Khác với biện pháp khiển trách, nhà làm luật không nêu rõ mục đích của biện pháp hòa giải tại cộng đồng mà đi thẳng vào nội dung cụ thể của biện pháp.

Điều kiện áp dụng hòa giải cộng đồng

Tại Điều 94 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về hòa giải tại cộng đồng, cụ thể như sau:

(i) Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

(ii) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

(iii) Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

Trường hợp áp dụng hòa giải cộng đồng

Hòa giải tại cộng đồng áp dụng trong trường hợp đối với 02 nhóm đối tượng sau:

Trường hợp thứ nhất: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 141 (Tội hiếp dâm), 171 (Tội cướp giật tài sản), 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 249(Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy) và 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật hình sự.

Các tội phạm bị loại trừ áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng giống hòa toàn với đối tượng áp dụng của biện pháp khiển trách. Tuy nhiên xét về phạm vi thì nhóm đối tượng này rộng hơn. Nếu như đối với biện pháp khiển trách chỉ áp dụng khi người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng thì biện pháp hòa giải tại cộng đồng này không phân biệt lần đầu hay lần bao nhiêu mà chỉ cần phạm tội ít nghiêm trọng và quy định thêm cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng.

Trường hợp thứ hai: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 123 (Tội giết người), 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) , 141(Tội hiếp dâm), 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), 150 (tội mua bán người), 151(tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật hình sự.

Biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn

Căn cứ quy định tại Điều 95 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

(i) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

(ii) Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép; d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

(iii) Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi

Cảnh cáo

Hình phạt này được quy định chung cho tất cả các trường hợp phạm tội thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Bộ luật hình sự không có quy định bổ sung đối với hình phạt khi áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, cần chú ý, khi thoả mãn hai điều kiện chung của hình phạt cảnh cáo (tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ) thì vẫn cần kiểm tra xem có thể miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) được hay không? Chỉ khi không thể miễn trách nhiệm hình sự được thì mới áp dụng hình phạt cảnh cáo.

Phạt tiền

Trường hợp áp dụng cảnh cáo là hình phạt chính đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Ngoài các điều kiện được quy định chung (Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), điều luật bổ sung hai điều kiện cho phép áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

(i) Là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

(ii) Có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Điều kiện áp dụng khi phạt tiền người dưới 18 tuổi phạm tội cần tuân thủ các quy định tại các Điều 35 và Điều 99 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quyết định theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá và không được quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Cải tạo không giam giữ

Trường hợp áp dụng và điều kiện áp dụng cải tạo không giam giữ như sau:

Ngoài điều kiện chung (có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng) (Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), điều luật quy định cụ thể về điều kiện cho phép áp dụng hình phạt này trong hai trường hợp:

(i) Đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, hình phạt này được áp dụng nếu tội phạm đã thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng;

(ii) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

Về các nội dung khác của hình phạt cải tạo không giam giữ, có hai điểm cần chú ý:

(i) Không khấu trừ thu nhập đối với người phạm tội dưới 18 tuổi bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ;

(ii) Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi không được vượt quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.

Tù có thời hạn

Ngoài những nội dung có liên quan đến hình phạt tù có thời hạn được thể hiện ở các nguyên tắc xử lí người dưới 18 tuổi phạm tội, cần chú ý các điểm sau khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với những người này:

(i) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định (khoản 1 Điều 101);

(ii) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định (khoản 2 Điều 101).

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Xem thêm quy định về các hình phạt phổ biến trong Bộ Luật Hình sự!

Các câu hỏi thường gặp về hình phạt người chưa vị thành niên?

Khung hình phạt cho người dưới 18 tuổi cao nhất là gì?

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định (khoản 1 Điều 101)

Hình phạt tù chung thân có áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không? 

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Dưới 18 tuổi giết người có bị tử hình không?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì người chưa đủ 18 tuổi có hành vi cố ý giết người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.37268 sec| 1121.586 kb