Hủy bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có bỏ lọt tội phạm?

Bởi Trần Thu Thủy - 03/01/2020
view 550
comment-forum-solid 0

Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đã có một số điểm mới trong đó thay thế tội danh này bằng các tội danh mới thuộc từng lĩnh vực quản lí kinh tế như: Đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; kế toán; quản lý thuế; xây dựng.

BLHS 2015 bổ sung thêm 3 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Chính phủ đề xuất bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165) mà thay thế tội danh này bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế. Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.

Nhìn vào Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999, chúng ta thấy chủ thể của tội phạm rất rộng và khách thể thì rất chung chung. Thực tiễn đã cho thấy, rất nhiều tội phạm về chức vụ cũng được “mang” sang áp dụng ở nhóm tội phạm xâm phạm trật tự, trong đó có tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” vì khó hoặc không thể chứng minh được dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm (động cơ, mục đích)”. điều này tạo ra một tiền lệ xấu là cơ quan áp dụng pháp luật, đặc biệt là Tòa án có thể đã quá linh động, sáng tạo dẫn đến vi phạm quyền con người của người bị nghi là tội phạm, thậm chí làm oan cho họ. Bên cạnh đó, vì là điều luật có phạm vi điều chỉnh rộng nên nó có thể được suy diễn một cách tùy tiện theo hướng bất lợi để làm phương hại cho bị can, bị cáo.

Vậy câu hỏi đặt ra là việc bỏ tội cố ý làm trái quy định NN về quản lý kinh tế: Có lọt tội phạm?

Những ý kiến đề nghị bỏ tội danh này cho rằng giữ quy định loại tội danh này không đảm bảo tính minh bạch, dễ bị lạm dụng

Một trong những thay đổi quan trọng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đó là bỏ loại tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự cũ.

Thảo luận ý kiến về vấn đề này tại Hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn cộng đồng doanh nghiệp” do VCCI và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức sáng 23/4, có 2 luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng không nên bỏ tội danh này vì trong khi chưa thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này có những trường hợp phạm tội sẽ không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh chung chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, giống như “cái túi” để xử lý bất cứ vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ bị lạm dụng. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể nhiều hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế như các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ… Do vậy nên bỏ tội danh này nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Có ý kiến cho rằng việc bỏ tội danh này giống như một sự “nuông chiều” doanh nghiệp, có thể mở đường cho sự sáng tạo của doanh nghiệp nhưng cũng có thể gây ra nhiều rủi ro cho cộng đồng còn lại.

Ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất, ông Lê Đăng Doanh, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay, những hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành thì được xử lý theo Điều 165. Ngoài điểm hạn chế của quy định tội danh này là không rõ ràng khiến nó bị áp dụng tùy tiện, thì việc vẫn giữ quy định tội danh này trong luật sẽ là cơ sở để các cơ quan tố tụng có thể tiến hành truy tố, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng không chứng minh được mục đích vụ lợi.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc chúng ta không thể chứng minh được mục đích chiếm đoạt tài sản, vụ lợi, như vậy nếu xóa bỏ loại tội danh này trong khi còn nhiều lĩnh vực chưa thể cụ thể hóa được, ngoại trừ các lĩnh vực như đất đai, chứng khoán, ngân hàng… là chưa phù hợp.

Cũng ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất, Luật sư Trần Xuân Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc bỏ hay không có 2 mặt. Thực tế, có nhiều việc không được làm nhưng người ta vẫn cứ làm, vì thế không thể viện lý do “hạn chế sáng tạo” mà bỏ loại tội danh này. Theo Luật sư Trần Xuân Sơn, nên duy trì quy định tội danh này nhưng xem xét mức độ hành vi để truy cứu trách nhiệm và có mức phạt hợp lý.

Ông Lê Hồng Nhu (Hiệp hội giống cây trồng) đề nghị cân nhắc xem phương án nào có lợi hơn. “Nếu bỏ loại tội danh này, trong một số lĩnh vực có lợi, nhưng thực tế sẽ bỏ lọt rất nhiều tội”, ông Nhu nhấn mạnh.

Ủng hộ luồng ý kiến thứ hai, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng) cho rằng nếu như không xác định được cụ thể tội danh mà dồn vào tội này (Điều 165-PV) là không được.

Ông Trương Thanh Đức, đại diện Công ty Luật Basico cũng ủng hộ bỏ tội danh này đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, Luật cũ; Điều 360 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi) bởi tội danh này cũng rất chung chung, phạm vi rộng, có thể sử dụng để xử lý bất cứ vi phạm nào nên dễ bị lạm dụng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

 

 

 

 

 

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.41782 sec| 1018.594 kb