Luật sư có được làm chứng, chứng thực?

Bởi Trần Thu Thủy - 10/07/2020
view 1578
comment-forum-solid 0

Luật sư không được thực hiện việc chứng thực nhưng có thể làm chứng cho các giao dịch hợp pháp. Đối với các giấy tờ, giao dịch do Luật sư chứng thực sẽ vi phạm quy định về thẩm quyền chứng thực và không có giá trị pháp lý. 

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900.6198

Luật sư không được chứng thực

Chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác nhận bản sao là đúng với bản chính; xác nhận chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Chứng thực bao gồm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Về thẩm quyền chứng thực được quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Điều 5 Nghị định 23/2015 quy định về thẩm quyền chứng thực bao gồm: Phòng Tư pháp cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã, công chứng viên và cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Như vậy, chỉ những chủ thể quy định trên mới có quyền chứng thực bản sao, chữ ký, thời gian đia điểm giao kết hợp đồng giao dịch, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Do vậy, luật sư không có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, chữ ký cũng như các giao dịch dân sự.

Việc các trường hợp luật sư tự thực hiện hoạt động chứng thực đã vi phạm quy định của luật về thẩm quyền chứng thực. Do vậy, các giấy tờ do Luật sư chứng thực sẽ không có giá trị pháp lý.

Luật sư có được làm chứng?

Để đảm bảo các giao dịch dân sự được an toàn, thông thường các bên sẽ mời người làm chứng để chứng kiến việc thực hiện giao dịch.

Điều 22 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định về phạm vi hành nghề luật sư:

(1) Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

(2) Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

(3) Thực hiện tư vấn pháp luật.

(4) Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

(5) Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.

Trong đó, các dịch vụ pháp lý khác được quy định bao gồm: giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc làm chứng được xem là “hoạt động dịch vụ pháp lý khác” của luật sư, do vậy Luật sư có quyền làm chứng cho các giao dịch dân sự của khách hàng. Tuy nhiên, cần lưu ý, điều luật này cũng quy định “khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan”. Do đó, khi làm chứng cho các giao dịch có điều kiện (điều kiện về công chứng, phải đăng ký…), Luật sư phải tuân thủ các quy định liên quan đến giao dịch.

Đối với di chúc, theo quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Như vậy, Luật sư có thể được làm chứng cho việc lập di chúc, hoặc cho các văn bản giao dịch khác phát sinh trong đời sống xã hội. Hơn nữa Luật sư là những người được cho là hiểu biết pháp luật vì vậy người làm chứng là luật sư thì những văn bản giao dịch đó được xem như đã rà soát và có độ tin tưởng cao.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.15880 sec| 998.055 kb