Quyền im lặng của bị can, bị cáo - Sự ghi nhận của pháp luật

Bởi Trần Thu Hoài - 04/08/2021
view 751
comment-forum-solid 0

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền im lặng được hiểu là quyền của người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) trong việc khai báo các thông tin về người bị buộc tội và những tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền im lặng không được thực hiện một cách triệt để.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia: Trần Thị Thu Hoài - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quyền im lặng của bị can, bị cáo là gì?

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời, thay thế cho Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003, đã ghi nhận rõ rệt quyền im lặng của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 không có một điều luật quy định trực tiếp, cụ thể về quyền im lặng mà quyền im lặng được quy định rải rác tại các điều luật.

Vậy quyền im lặng được hiểu như thế nào?

Quyền im lặng hay còn gọi là quyền Miranda (tạm dịch là “Anh có quyền im lặng”) được ghi nhận tại pháp luật nhiều nước trên thế giới. Nó được dùng để thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hay khi đang ở tình trạng giam giữ, trước khi nghi phạm hình sự bị lấy lời khai hoặc lấy cung. Khi một người bị cảnh sát bắt giữ, cảnh sát phải nói với họ trước khi tiến hành bắt giữ rằng: "Họ có quyền giữ im lặng; Bất cứ điều gì họ nói cũng sẽ được dùng để chống lại họ trước tòa; Họ có quyền có luật sư; và nếu họ không thể thuê được luật sư họ sẽ được chỉ định một luật sư miễn phí”.

Như vậy, pháp luật trên thế giới ghi nhận quyền im lặng là quyền con người, là quyền mà nghi can dùng để bảo vệ chính mình chống lại sự buộc tội từ phía cơ quan tiến hành tố tụng; Chỉ khi nghi phạm được thông báo một cách rõ ràng về quyền được im lặng của họ trước khi thẩm vấn thì những lời khai của họ mới được chấp nhận.

Quy định pháp luật Việt Nam về quyền im lặng của bị can, bị cáo

Quyền im lặng được thể hiện ở hai nội dung: Thứ nhất, quyền im lặng được thể hiện thông qua các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự; Thứ hai, quyền im lặng thể hiện qua quy định về quyền của bị can, bị cáo.

  • Quyền im lặng thông qua các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự

Hai nguyên tắc cơ bản thể hiện quyền im lặng là nguyên tắc suy tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc xác định sự thật vụ án.

Theo đó Điều 13 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội". 

Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xác định sự thật vụ án: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội".

  • Quyền im lặng thông qua các quy định về quyền của người bị buộc tội

Quyền im lặng được thể hiện tại điểm d Khoản 1 Điều 60; điểm h Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Nội dung các điều luật đều thể hiện bị can, bị cáo có quyền: "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội"

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền im lặng được hiểu là quyền của người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) trong việc khai báo các thông tin về người bị buộc tội và những tình tiết của vụ án. Việc trình bày lời khai là quyền của người bị buộc tội, đó không phải là nghĩa vụ buộc phải thực hiện. Bởi lẽ, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với những vấn đề bất lợi, họ không buộc phải khai báo, không trả lời, không buộc phải đưa ra những lời khai chống lại chính mình và đứng trước cơ quan tiến hành tố tụng, họ không buộc phải nhận mình có tội. Đó là sự biểu hiện của quyền im lặng. Trường hợp người bị buộc tội không khai báo, cơ quan nhà nước không có quyền buộc họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp.

Việc bị can, bị cáo không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những điều bất lợi cho bản thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng.

Quyền im lặng được bị can, bị cáo sử dụng khi nào?

Quyền im lặng của bị can, bị cáo được sử dụng trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, bị can, bị cáo không đồng ý với các câu hỏi, ý kiến, quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy bị can, bị cáo không trả lời và sử dụng quyền im lặng.

Thứ hai, bị can, bị cáo chưa có ý kiến khác đối với vụ án, quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba, trường hợp bị can, bị cáo khai báo, thì những thông tin khai ra trở thành chứng cứ bất lợi. Do vậy, bị can, bị cáo muốn sử dụng quyền im lặng. Trường hợp này thường bị can, bị cáo mong muốn được Luật sư hỗ trợ, tư vấn để xem xét những tình tiết nào là những tình tiết bất lợi mà bị can, bị cáo không nên khai.

Việc áp dụng quyền im lặng có loại trừ tình tiết thành khẩn khai báo?

Để làm rõ hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng một trong các biện pháp cơ quan tiến hành là lấy lời khai, hỏi cung bị can, bị cáo. Tuy nhiên, trường hợp này, nếu bị can, bị cáo không khai báo, trình bày, cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể coi đó là tình tiết tăng nặng. Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không coi người bị buộc tội không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những vấn đề bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận tội hay "không thành khẩn khai báo" là tình tiết tăng nặng.

Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong đó có tình tiết "Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải" (điểm s). Mục 3 Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử trong đó có giải thích về tình tiết thành khẩn khai báo: "Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra".

Quyền im lặng không loại trừ tình tiết giảm nhẹ "thành khẩn khai báo". Như đã phân tích, quyền im lặng của bị can, bị cáo nghĩa là không đưa ra các lời khai chống lại chính mình và không buộc nhận mình có tội. Bị can, bị cáo có quyền trình bày các thông tin, tình tiết liên quan đến vụ án, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra sự thật. Chỉ đối với những tình tiết chống lại mình và việc nhận tội danh, bị can, bị cáo có quyền im lặng. Như vậy bị can, bị cáo vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ nêu trên.

Trên thực tế, trong quá trình lấy lời khai, nhiều bị can, bị cáo cho rằng việc khai báo theo hướng của cơ quan điều tra và nhận mình có tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là hiểu không đúng. Bởi lẽ lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Cơ quan tiến hành tố tụng không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Trường hợp bị can, bị cáo khai báo đầy đủ tuy nhiên không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, lời khai mang tính chất gian dối, bị can, bị cáo cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo.

Những bất cập về quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự

Thứ nhất, trong quá trình tiến hành tố tụng, bị cáo không thực hiện quyền trình bày lời khai, Viện kiểm sát và Tòa án sẽ đánh giá là "thiếu thành khẩn", "không hợp tác với cơ quan tố tụng"; bị can, bị cáo bị coi là "quanh co, chối tội hòng trốn tránh trách nhiệm”... tất cả những tình tiết này đều bị tòa án dùng làm căn cứ để quyết định mức án nặng hơn.

Thứ hai, những vụ án oan gần đây khiến dư luận nghi ngờ do bức cung, nhục hình nhắc nhiều đến quyền im lặng và quyền được có luật sư. Ví dụ như, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị cơ quan cảnh sát điều tra dùng nhục hình, bức cung trong quá trình lấy lời khai và được minh oan sau 10 năm ngồi tù cho hành vi chưa bao giờ gây ra, nếu có luật sư tham gia vụ án từ giai đoạn đầu, trong quá trình bị hỏi cung thì ông Chấn đã không “nhận tội". Quyền im lặng được thể hiện rõ rệt trong các vụ án oan bởi lẽ, họ đã không được sử dụng đến quyền im lặng.

Bị can, bị cáo được thực hiện quyền im lặng sẽ góp phần giảm thiểu được án oan do việc không hiểu biết pháp luật của bị can, bị cáo và việc sử dụng các biện pháp không hợp pháp của cơ quan tiến hành tố tụng (bức cung, mớm cung, dùng nhục hình). Đồng thời, giúp bị can, bị cáo không tự buộc tội mình và gây hậu quả bất lợi cho bản thân họ.

Quyền im lặng hiện nay lại là một quy định thật sự tiến bộ, bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc trong quá trình tố tụng hình sự. Nếu quyền im lặng được quy định cụ thể thì những bản án sẽ đảm bảo đúng sự thật khách quan, công bằng, bảo đảm công lý và án oan sẽ không còn tồn tại, mặt khác bị can, bị cáo sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Xem thêm:

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Trần Thu Hoài

Trần Thu Hoài

https://everest.org.vn/chuyen-vien-tran-thu-hoai "Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài tham gia Công ty Luật TNHH Everest từ năm 2020 đến nay. Các vụ án nổi bật Chuyên viên Trần Thị Thu Hoài đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ: Thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại Cát Hải, Hải Phòng. "

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
1.57219 sec| 1071.141 kb