Thăm thân nhân bị tạm giam, tạm giữ được gửi những quà, tài liệu gì?

view 422
comment-forum-solid 0

Người bị tạm giam, tạm giữ hình sự được quyền gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam và văn bản hướng dẫn liên quan. Việc thăm thân nhân được tiến hành khi được sự đồng ý của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và theo quy định của pháp luật, quy định của trại giam. Khi thăm thân nhân bị tạm giữ, tạm giam, người nhà được gửi cho người bị tạm giữ, tạm giam quà, tài liệu, thư, sách, báo,... nhưng phải tuân theo những quy định chung được pháp luật điều chỉnh.

Luật gia Nguyễn Thị Mai - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Các trường hợp bị tạm giữ

Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Các trường hợp tạm giữ theo quy định tại Điều 59 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 gồm: (1) người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, (2) bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, (3) bị bắt theo quyết định truy nã hoặc (4) người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Các trường hợp bị tạm giam

Người bị tạm giamlà người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

Các trường hợp tạm giam theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015:

(1) có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng

(2) có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Thủ tục thăm thân nhân người bị tạm giam, tạm giữ

Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh; giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

Thời gian thăm thân nhân người bị tạm giam, tạm giữ: Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.

Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân.

Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.

Thẩm quyền cho phép thăm thân nhân: Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì thủ trưởng cơ sở giam giữ thông báo thời điểm thăm gặp cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để phối hợp.

Ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp: là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia.

Lưu ý: Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ có các yêu cầu về giao dịch dân sự, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Được gửi những quà, tài liệu, đồ vật gì cho người bị tạm giam, tạm giữ?

Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi một lần trong thời gian tạm giữ; một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền của thân nhân gửi là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được nhận tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ và được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm gửi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được sử dụng tiền mặt, cơ sở giam giữ có trách nhiệm mở sổ lưu ký để tiếp nhận, theo dõi, quản lý việc sử dụng tiền lưu ký. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền lưu ký để mua đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn, uống; định lượng đồ ăn, uống được mua một lần không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận lại tiền lưu ký (nếu còn) khi được trả tự do, chuyển đi cơ sở giam giữ khác hoặc giao lại cho thân nhân của họ.

Ngoài việc nhận quà khi gặp thân nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ, trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện.

Danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giam, tạm giữ

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 32/2014/TT-BCA, các đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giam, tạm giữ bao gồm:

 1. Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm.

3. Các chất ma túy, tiền chất ma túy, các chất gây nghiện, các chất hướng thần.

4. Các chất cháy, chất gây cháy (xăng, dầu, cồn, bật lửa, các loại diêm...).

5. Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc.

6. Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác.

7. Các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cung, sắc nhọn khác và các loại dây có khả năng dùng để tự sát, phá buồng giam, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người khác.

8. Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động, truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức.

9. Các loại giấy, bút, mực (trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ sở giam giữ).

10. Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lào; các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chưa được sự đồng ý của y tế cơ sở giam giữ.

11. Tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác.

Lưu ý về việc gửi nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam:

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.

Cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân và thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, khi được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận.

Xem thêm:

Thủ tục thăm thân nhân bị tạm giam, tạm giữ

Bị bắt vì đánh bạc, tạm giam bao lâu?

Luật sư Nguyễn Thị Mai

Luật sư Nguyễn Thị Mai

https://everest.org.vn/luat-su-nguyen-thi-mai Luật sư Nguyễn Thị Mai là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân gia đình.

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
024 66 527 527
0.87382 sec| 1055.086 kb